.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương Quảng Bình "Hai giỏi"

Thứ Sáu, 06/09/2013, 14:22 [GMT+7]
Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình.
Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình.

(QBĐT) - LTS: Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, từ số báo Quảng Bình cuối tuần này, Báo Quảng Bình mở chuyên mục “410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình". Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình về các hoạt động kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

- P.V: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, theo kế hoạch vào tháng 4-2014, tỉnh ta sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014). Xin đồng chí cho biết, dựa vào cơ sở khoa học nào để tỉnh ta xác định thời điểm hình thành tỉnh Quảng Bình là năm 1604?

- Đồng chí Lương Ngọc Bính: Quảng Bình là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, là nơi tiềm chứa nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo. Trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, địa bàn Quảng Bình có vị trí rất đặc thù. Đây là nơi giao thoa và hội tụ giữa các trung tâm văn hóa lớn của dân tộc như văn hóa Việt Mường - Chămpa, Đông Sơn - Sa Huỳnh, Đàng Trong - Đàng Ngoài, Thăng Long - Phú Xuân...

Vì thế đã làm cho Quảng Bình có một sắc diện văn hóa khó có thể lẫn lộn với những nơi khác. Có lẽ cũng vì lý do đó mà lịch sử Quảng Bình trải qua rất nhiều thăng trầm. Mặc dù ở Quảng Bình đã hiện diện những trung tâm văn hóa tiền sử và sơ sử rất sớm, khá nổi tiếng nhưng những biến động xã hội diễn ra thường xuyên trong suốt tiến trình lịch sử đã làm cho dòng chảy lịch sử Quảng Bình không phải lúc nào cũng thuận chiều, thậm chí có lúc gián đoạn.

Chính vì lẽ đó, từ sau hơn một thiên niên kỷ khai thiết và tạo dựng, mãi đến đầu thiên niên kỷ thứ hai, vùng đất Quảng Bình mới có được cái chính thuận để hội nhập đầy đủ vào tiến trình lịch sử Việt Nam. Gần 1.000 năm sau khi Lý Thường Kiệt đưa Quảng Bình từ biên địa Chămpa hội nhập vào Đại Việt, mảnh đất này lại tiếp tục hứng chịu nhiều tác động ngoại cảnh và những biến động tự thân để rồi lại phân chia, tách nhập.

Lần lượt, từ cuộc chinh phạt phương Nam của Lý Thường Kiệt dưới thời Lý Thánh Tông (năm 1069) đến sự xuất hiện của các tên gọi châu Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh (năm 1075), phủ Tân Bình (năm 1375), trấn Tân Bình (năm 1397), phủ Tây Bình (năm 1402), phủ Tiên Bình (năm 1600), phủ Quảng Bình (năm 1604), dinh Quảng Bình (năm 1801), doanh Quảng Bình (năm 1806), tỉnh Quảng Bình (năm 1831) và cuối cùng là tỉnh Quảng Bình dưới thời Dân chủ cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cộng đồng dân cư Quảng Bình đã cống hiến tất cả mồ hôi và xương máu của mình để dựng xây và vun đắp nên những giá trị truyền thống rất đỗi tự hào hôm nay.

Những thành quả lịch sử rất đáng ghi nhận đó không phải chỉ một vài thế hệ mới làm nên được mà nó là sự tích lũy, bồi đắp trong suốt cả một tiến trình lịch sử lâu dài hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.

Có một câu hỏi đặt ra là: Trong suốt cả một chuỗi dài của lịch sử ấy, Quảng Bình bắt đầu khai sinh, xác lập vị trí của mình tự bao giờ? Xuất phát từ cách tiếp cận vấn đề như vậy, việc lựa chọn xác định thời điểm hình thành tỉnh Quảng Bình có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho cả mai sau.

Đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, được sự nhất trí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngày 13-12-2001, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội thảo khoa học "Xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình".

Với tổng số 25 tham luận khoa học, 2 ý kiến, 4 tham luận, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã thống nhất chọn mốc 1604 làm năm hình thành tỉnh Quảng Bình trên cơ sở tính toàn vẹn tương đối về không gian lãnh thổ, địa giới hành chính, sự tạo lập và hình thành thiết chế hành chính có phiên hiệu tương đương cấp tỉnh trực thuộc chính quyền Trung ương, sự ổn định cộng đồng dân cư trên địa bàn và danh xưng "Quảng Bình".

Năm 1604, sau khi thiết lập chính quyền cát cứ phía Nam, Chúa Nguyễn Hoàng thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền và chính thức đặt tên mới cho vùng đất phủ Tân Bình cũ là phủ Quảng Bình (Chúa Nguyễn Hoàng muốn dùng chữ Quảng Bình với ý nghĩa Quảng có nghĩa là rộng, Bình có nghĩa là thái bình, yên ổn, để tỏ lòng ước vọng một nền "thái bình rộng lớn"); trực thuộc dưới phủ có huyện và châu.

Mốc 1604 là năm bắt đầu có tỉnh danh xưng "Quảng Bình" và là đơn vị hành chính cấp phủ (đồng cấp tỉnh) trực thuộc chính quyền Trung ương thuộc quốc gia Đại Việt; toàn bộ không gian lãnh thổ và địa giới hành chính phủ Quảng Bình bấy giờ  bảo đảm tính toàn vẹn tương đối như ngày nay. Quan điểm chọn mốc 1604 là năm hình thành tỉnh Quảng Bình cũng đã nhận được sự đồng thuận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Mốc lịch sử 1604 này cũng tương đồng với cách lựa chọn của nhiều địa phương trong cả nước có đặc điểm và tiến trình phát triển tương đương. Nghệ An ở phía Bắc đã chọn "980 năm danh xưng Nghệ An" vào năm 2010, Thừa Thiên-Huế kỷ niệm "700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế" vào năm 2006, "Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển" (năm 2011), "Khánh Hòa 350 năm" (năm 2003), Đồng Nai kỷ niệm "300 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển" (năm 1998), thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm "300 năm Sài Gòn" (năm 1998)...

Như vậy, có thể thấy chu trình mở cõi về phương Nam đi dần từ 1.000 năm Thăng Long, 980 năm Nghệ An, 410 năm Quảng Bình (kỷ niệm vào năm 2014), 400 năm Phú Yên, 350 năm Khánh Hòa, 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai và Sài Gòn 300 năm... là phù hợp với diễn trình lịch sử dân tộc.

Một góc thành phố Đồng Hới. Ảnh: V. Thái
Một góc thành phố Đồng Hới. Ảnh: V. Thái

Soi chiếu vào tiến trình phát triển của lịch sử Quảng Bình thì mốc lịch sử này đáp ứng những tiêu chí sau đây:

- Danh xưng "Quảng Bình" thiêng liêng, tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người Quảng Bình cho tới ngày nay bắt đầu hình thành từ năm 1604 khi Chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình.

- Phủ Quảng Bình (năm 1604) là đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương của quốc gia Đại Việt, là chủ thể có bộ máy, thiết chế và quyền năng hành chính được xác định rõ ràng.

Hệ thống thiết chế hành chính và bộ máy chính quyền cấp tỉnh thực sự có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý và phát triển đời sống xã hội. Năm 1604 là mốc đã có sự ổn định về hệ thống hành chính: cùng với sự phát triển về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, sự lớn mạnh về hệ thống tổ chức chính quyền, hình thành các thiết chế xã hội thì về mặt địa giới, đơn vị hành chính mà phủ Quảng Bình thành lập năm 1604 đến thời Minh Mạng thứ 12 (1831) và tỉnh Quảng Bình ngày nay ít có sự thay đổi.

- Là mốc đã hình thành tương đối hoàn thiện về cơ cấu tộc người và hệ thống tổ chức cộng đồng dân cư, ổn định các hình thái văn hóa cộng đồng, trong đó nổi bật là văn hóa làng xã và các phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng.

- Là mốc có sự tương đồng bề dày lịch sử văn hóa với các địa phương khác trong cùng điều kiện lịch sử và tương thích với các địa phương khác trong cả nước.

Danh xưng "Quảng Bình" còn có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. "Quảng Bình" với ý nghĩa "thái bình rộng lớn" như là một sự định danh của Chúa Nguyễn Hoàng nhằm cụ thể hóa Sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Một dãi Hoành Sơn, dung thân suốt đời).

Việc xác định năm hình thành tỉnh Quảng Bình phù hợp với tiến trình lịch sử là việc làm rất cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc trong đời sống xã hội của cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh. Sau khi xem xét toàn bộ tài liệu và Báo cáo số 33/SKHCN ngày 20-2-2012 về kết quả hội thảo khoa học "Xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình", Báo cáo số 34/SKHCN ngày 20-2-2012 về kết quả tham khảo quy trình công nhận năm thành lập tỉnh tại một số địa phương và đề xuất quy trình đối với tỉnh Quảng Bình do Sở Khoa học và Công nghệ trình lên, ngày 21-3-2012, tại Hội nghị lần thứ 24, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhất trí với đề nghị của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lấy năm 1604 là năm hình thành tỉnh Quảng Bình.

Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 688/TTr-UBND ngày 21-6-2012 đề nghị HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết công nhận năm hình thành tỉnh Quảng Bình là năm 1604. Ngày 11-7-2012, HĐND tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 41/2012/NQ-HĐND về công nhận năm hình thành tỉnh Quảng Bình là năm 1604.

- P.V: Để tổ chức thực hiện có hiệu quả kỷ niệm 410 năm hình thành và phát triển tỉnh Quảng Bình (1604-2014), tỉnh ta sẽ có các hoạt động kỷ niệm chính như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lương Ngọc Bính: Với mốc thời gian 1604 như đã nói trên, năm 2014 tỉnh Quảng Bình tròn 410 năm hình thành và phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định tổ chức kỷ niệm 410 năm hình thành và phát triển tỉnh Quảng Bình vào tháng 4-2014.

Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả kỷ niệm 410 năm hình thành và phát triển tỉnh Quảng Bình, ngày 9-8-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về việc tổ chức kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 - 2014). Theo đó lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể, xứng với tầm vóc của sự kiện 410 năm Quảng Bình hình thành và phát triển, nhưng phải thiết thực, tránh hình thức, lãng phí và bảo đảm an toàn.

Thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 16-8-2013, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 - 2014) với các hoạt động chính như: Thi "tìm hiểu "Lịch sử 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình"; triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình; xuất bản sách "Quảng Bình, lịch sử 410 năm hình thành và phát triển", "Danh nhân Quảng Bình"; tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm, chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào mừng...

Ngoài ra còn tổ chức các hoạt động khác như: "Uống nước nhớ nguồn" tri ân các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước; hội thảo khoa học "Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển"; cuộc vận động sáng tác văn học - nghệ thuật; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tại các huyện, thành phố; thi đấu các môn thể thao, chỉnh trang đô thị; khởi công xây dựng, khánh thành và gắn biển "Công trình chào mừng kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình" cho một số công trình quan trọng của tỉnh.

- P.V: Kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình có ý nghĩa to lớn như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lương Ngọc Bính: Đây là sự kiện chính trị - xã hội có ý nghĩa hết sức to lớn đối với tỉnh ta. Thông qua các hoạt động kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình nhằm làm rõ ý nghĩa lịch sử của quá trình hình thành và phát triển địa danh Quảng Bình, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của tỉnh nhà từ khi hình thành đến nay, là dịp thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng tạo, gìn giữ, bảo vệ quê hương, là dịp tiếp tục khẳng định và tôn vinh các giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Bình "Hai giỏi".

Các hoạt động kỷ niệm còn tạo khí thế sôi nổi, thể hiện sức mạnh đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, chung sức, chung lòng xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng giàu mạnh, văn minh. Đồng thời, thông qua các hoạt động tuyên truyền để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch của tỉnh.

- P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Trường Sơn (thực hiện)