Thiêng liêng hai tiếng độc lập

Cập nhật lúc 16:18, Chủ Nhật, 02/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Với không khí sục sôi cách mạng, nhân dân Quảng Bình đã nhất tề đứng dậy, cùng với cả nước giành độc lập, tự do trong những ngày Tháng Tám lịch sử năm 1945. 67 năm đã trôi qua, nhưng không khí sôi động của những ngày Tháng Tám ở Quảng Bình vẫn còn vang vọng đâu đây, như nhắc nhở, thôi thúc chúng ta hãy gìn giữ những gì thiêng liêng mà các thế hệ đi trước đã đổ máu xương tạo dựng nên...

Trong những ngày Tháng Tám năm 1945 tình hình chuyển biến mau lẹ, bên ngoài giặc Nhật bị quân đồng minh đánh cho tơi bời, trong nước phong trào kháng Nhật cứu nước của quần chúng nhân dân lên cao... Ngày 14 và 15-8-1945, Trung ương triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị đang triển khai thì được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh. Hội nghị nhận định "Cơ hội tốt nhất cho ta giành chính quyền đã tới" và quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

Ngày 16-8, Quốc dân Đại hội đã họp ở Tân Trào. Đại hội đã cử ra Uỷ ban giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong giờ phút quyết định, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do". Lời hịch sắt đá ấy đã lan đến Quảng Bình.

Ngày 17-8-1945 Hội nghị cán bộ Việt Minh tỉnh cấp tốc được triệu tập tại thị xã Đồng Hới  để tiếp nhận lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương do đồng chí Tố Hữu truyền đạt. Được đồng chí Tố Hữu trực tiếp tham gia ý kiến về kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa và danh sách Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời, hội nghị đã nhanh chóng thống nhất những vấn đề cơ bản chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa. Hội nghị nhất trí lấy ngày 23-8-1945 làm ngày khởi nghĩa chung trong toàn tỉnh. Các phủ, huyện, thị xã huy động lực lượng giành chính quyền trước ở phủ, huyện, sau đó giải quyết vấn đề chính quyền ở tổng, xã và thôn. Hội nghị đã cử Uỷ ban khởi nghĩa lâm thời do đồng chí Trần Sở làm chủ tịch.

Một góc thành phố Đồng Hới hôm nay.
Một góc thành phố Đồng Hới hôm nay.

Trong không khí sục sôi cách mạng, các địa phương đã khẩn trương chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa cẩn trọng, chu đáo với những phương án cụ thể. Ngay trong đêm 22 rạng sáng 23-8 nhiều địa phương trong tỉnh như ở Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ... đã khởi nghĩa giành chính quyền. Tại Đồng Hới, theo kế hoạch đã định, đêm 22-8, Đội nghĩa binh của tỉnh cùng tự vệ Đồng Hới bí mật đột nhập nội thị chiếm dinh tỉnh trưởng, sở mật thám, nông khố ngân hàng... và khống chế trại lính bảo an, trong đó có một đơn vị lính Nhật. Cuộc đánh chiếm cơ quan đầu não của chính quyền thực dân diễn ra nhanh gọn. Những tên cầm đầu đã bị bắt.

Rạng sáng 23-8 ở tất cả các cửa Nam, Bắc và Đông thành Đồng Hới quần chúng nhân dân các phường nội thị, các xã ngoại thành và nhân dân từ Quảng Ninh xuống đã tự vũ trang bằng tất cả các loại vũ khí thô sơ, giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh", "Việt Nam độc lập muôn năm"... Không khí bừng bừng khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân đã cáo chung chế độ tay sai bù nhìn, thiết lập nên một chế độ mới do chính quyền nhân dân làm chủ.

Vào lúc 8 giờ sáng 23-8, một cuộc mít tinh trọng thể đã diễn ra ở trung tâm tỉnh lị Đồng Hới. Trước hàng vạn nhân dân tham dự mít tinh, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Quảng Bình đã ra mắt và tuyên bố xoá bỏ chế độ phong kiến bù nhìn thân Nhật từ tỉnh xuống làng; xoá bỏ mọi thứ thuế vô lý do chế độ đó đặt ra và tuyên bố những chính sách mới của Việt Minh. Uỷ ban nhân dân cách mạng lầm thời đã kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết xây dựng chính quyền, xây dựng cuộc sống mới...

Ngày 2-9-1945, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi, từ miền xuôi đến miền ngược tụ tập về tỉnh lỵ, huyện lỵ dự cuộc mít tinh lớn, hân hoan chào đón ngày độc lập, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Xin được nhắc lại những dòng vắn tắt trong những ngày Tháng Tám lịch sử này.

Vâng, nhưng trong từng ấy con chữ là kết tinh của khát vọng, là sự vỡ oà của hạnh phúc, là sự hân hoan độc lập, tự do của cả một dân tộc trong đó có hàng chục vạn người dân Quảng Bình. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra nhanh quá, thần tốc quá bởi đó là thời cơ có một không hai. Nhưng để có được thời cơ đó, đã đổi cả triệu sinh mạng của những người con ưu tú của dân tộc, những đảng viên trung kiên của Đảng quang vinh. Cái giá của độc lập, tự do là vô cùng lớn và thiêng liêng.

67 năm đã đi qua kể từ mùa thu lịch sử ấy. Có những điều đã đi vào dĩ vãng. Nhưng máu xương của bao thế hệ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc thì không bao giờ thuộc về dĩ vãng, luôn thắm đỏ trên lá quốc kỳ mà mỗi buổi sáng toàn dân tộc trang nghiêm đứng chào... Và cả cơ đồ suốt từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ rừng núi đến những hải đảo xa xôi ngoài trùng khơi luôn nhắc nhở chúng ta và các thế hệ mai sau hãy giữ gìn vẹn nguyên dù có phải hy sinh xương máu.

Không chỉ giữ gìn vẹn nguyên từng tấc đất, mỗi chúng ta hãy biết hy sinh, phấn đấu, biết tự rèn luyện mình để góp phần dựng xây đất nước này, dân tộc này mãi trường tồn và sán lạn để "không hổ thẹn với tiền nhân".

                                                                            Văn Hoàng












 

,
.
.
.