Nguyện mãi mãi làm theo lời Bác

Cập nhật lúc 17:46, Thứ Bảy, 01/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhìn lại chặng đường 67 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Đảng bộ, nhân dân Quảng Bình luôn nỗ lực phấn đấu liên tục để bảo vệ và xây dựng quê hương. Mùa thu này nữa là đúng 43 năm Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam đi xa, để lại trong lòng mỗi người dân sự tiếc thương vô hạn. Thực hiện lời căn dặn, mong ước của Bác Hồ khi Người vào thăm tỉnh nhà, Quảng Bình đến nay đã có bước tiến dài về mọi mặt.

Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình vô cùng vinh dự được Bác Hồ vào thăm và nhiều lần gửi thư, điện thăm hỏi, khen thưởng các danh hiệu thi đua động viên, nhắc nhở không chủ quan, đề cao tinh thần cảnh giác, tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng để vượt qua khó khăn, lập nhiều chiến công hơn nữa trong chiến đấu và lao động sản xuất. Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình vô cùng tự hào được Người biểu dương khen tặng danh hiệu "chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi", trở thành giá trị tinh thần to lớn và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong suốt những năm qua của tỉnh nhà.

Làm theo lời Bác, những năm cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Quảng Bình đã có nhiều phong trào cách mạng quần chúng điển hình được Bác kịp thời chỉ đạo, quan tâm, động viên cổ vũ đưa phong trào tiến lên.

Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Quảng Bình đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên về mọi mặt. Chặng đường 5 năm 2006-2010. kinh tế tỉnh  tăng trưởng ở mức cao trên 14%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20%. Giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng 4,5%, giá trị dịch vụ tăng 2,6%, tổng thu ngân sách vượt 1.000 tỷ đồng/năm.

Nghề cá đã có nhiều đổi thay, với tàu thuyền trang bị hiện đại.
Nghề cá đã có nhiều đổi thay, với tàu thuyền trang bị hiện đại.

Cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày một phát triển và đồng bộ, không chỉ ở vùng trung tâm mà cả vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Nhiều chương trình, dự án trọng điểm được triển khai và đi vào hoạt động tạo bước đột phá mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế, xã hội như các dự án giao thông vận tải, thủy lợi, hạ tầng du lịch, thủy sản, công nghiệp, xi măng... đã giải quyết việc làm cho gần 3 vạn lao động, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm được 4,63% (hiện tỷ lệ hộ nghèo còn gần 26%), đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được bảo đảm.

Từ một tỉnh bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nằm xa trung tâm của đất nước nhưng với sự nỗ lực không ngừng, Quảng Bình đã được quyết định thành lập Trường Đại học Quảng Bình và được đầu tư nhiều công trình dự án như cảng Hòn La (giai đoạn I), sân bay Đồng Hới, Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch và một số công trình trọng điểm khác, tạo điều kiện cho tỉnh tiếp tục phát triển.

Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình luôn quyết tâm thực hiện tốt lời dặn dò của Bác năm xưa: "Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà trên miền Bắc ít có... Nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có".

Vâng lời Bác, trong những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền đã tập trung đẩy mạnh lĩnh vực thủy sản, xác định đó là ngành kinh tế mũi nhọn để tạo bước đột phá đi lên. Nhờ vậy mà sản lượng đánh bắt và nuôi trồng tăng gần 10%/năm, đến cuối năm 2011 đạt gần 42.000 tấn.

Đặc biệt nghề biển Quảng Bình có sự chuyển biến tích cực, từ đánh bắt ven bờ đã chuyển dần xa bờ với thiết bị đánh bắt hiện đại, đời sống ngư dân được nâng cao hơn trước rất nhiều. Ngư dân Quảng Bình thi đua đóng tàu mới có công suất cao, trang thiết bị tiên tiến để vươn khơi xa. Toàn tỉnh hiện có 4.345 tàu cá hoạt động khai thác có hiệu quả là các nghề lưới vây, câu khơi, chụp mực... Trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm nay, ngư dân trong tỉnh đóng mới 122 tàu cá, công suất bình quân 250 CV/chiếc. Cơ cấu tàu cá chuyển dịch theo hướng vươn khơi, giảm tàu nhỏ, tàu công suất lớn từ 90 CV trở lên tăng mạnh.

Nghề rừng có sự chuyển biến căn bản, đã chuyển từ nghề rừng truyền thống (khai thác gỗ rừng tự nhiên) sang  trồng rừng và chế biến lâm sản.  Trong 5 năm qua, thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, các địa phương trong tỉnh được đầu tư từ ngân sách Nhà nước 123 tỷ đồng và người dân bỏ ra hàng trăm tỷ đồng nữa để thực hiện công tác trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi tái sinh, chăm sóc bảo vệ rừng.  Công tác quản lý bảo vệ rừng đã có sự tiến bộ, người dân được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và bảo vệ rừng...

Kết quả chỉ sau 5 năm, các địa phương trong tỉnh trồng được 5.000ha rừng tập trung, khoanh nuôi phục hồi rừng 11.000ha, giao khoán bảo vệ 75.000ha, chăm sóc rừng trồng 5.000ha, đưa độ che phủ rừng đạt 68%, xếp hàng cao nhất cả nước.

Là một tỉnh nằm trong khu vực thường xuyên bị thiên tai, đất canh tác không thuận lợi, nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân nên nhiều năm qua tỉnh  luôn được mùa, sản lượng lương thực năm 2012 đạt mức kỷ lục với hơn 28 vạn tấn, an ninh lương thực được bảo đảm.

Lĩnh vực công nghiệp đang dần trở thành chủ lực của nền kinh tế. Nhiều nhà máy quy mô lớn đi vào hoạt động, như: Xí nghiệp may xuất khẩu Hà Quảng, Nhà máy bia Hà Nội - Quảng Bình, Nhà máy xi măng sông Gianh, Nhà máy xi măng Áng Sơn, Nhà máy sản xuất giấy Kraft... đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm tăng trưởng, phát triển bền vững.

Đặc biệt, Khu Kinh tế Hòn La đã được thành lập và Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 (công suất 1.200MW), thuộc Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch (tổng công suất 2 giai đoạn 2.400MW) do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng, đây sẽ là động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ phát triển tới.

Các ngành dịch vụ phát triển khá nhanh đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Giá trị ngành dịch vụ tăng bình quân hàng năm thời kỳ 2006-2011 là 11,6%.

Du lịch phát triển mạnh, tỉnh đã xây dựng và triển khai tích cực Chương trình phát triển du lịch và thực sự ngành du lịch từng bước được khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng, mang tính đột phá của tỉnh.

Những năm qua nằm trong tình trạng khó khăn chung về suy thoái và lạm phát của nền kinh tế, nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội vùng nông thôn, đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm. Người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 75%; có 100% xã có điện, trong đó, 98,7% xã có điện lưới quốc gia. Đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng dân tộc, vùng khó khăn được cải thiện hơn so với trước. Tỷ lệ hộ nghèo những năm gần đây giảm bình quân hàng năm 4%.

Công tác giải quyết việc làm được quan tâm; các nguồn lực, các chương trình, dự án để giải quyết việc làm được tập trung huy động và lồng ghép cùng với Chương trình quốc gia giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động mang lại hiệu quả lớn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Mặt trận đã quan tâm chăm lo thực hiện tốt các chính sách xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Rừng phát triển mạnh ở vùng gò đồi.
Rừng phát triển mạnh ở vùng gò đồi.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai một cách tích cực, toàn diện, tạo được những chuyển biến mới so với các năm trước, nhất là về công tác cán bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cấp uỷ tăng cường chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bước đầu đạt kết quả tốt. Phong trào thi đua yêu nước được khơi dậy, xuất hiện ngày càng nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến làm theo Bác.

Vui mừng phấn khởi với những kết quả đạt được, nhưng hiện tại Quảng Bình còn gặp muôn vàn khó khăn, thách thức.  Đó là, sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và những khó khăn nội tại của nền kinh tế-xã hội,  công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp vẫn còn hạn chế, đến nay có 4/16 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra.

Hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh, nhiều nguồn lực chưa được khơi dậy và phát huy. Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện một số chương trình, dự án còn chậm. Văn hóa-xã hội có mặt chuyển biến chậm, đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại nặng do lũ lụt vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước. Tình hình an ninh, trật tự  xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng tạo dư luận xã hội không tốt và tâm trạng băn khoăn, lo lắng trong nhân dân.

Lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng có mặt chuyển biến chưa thật tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa được đề cao; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức và ý chí.

Để thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác, đòi hỏi phải có sự quyết tâm phấn đấu cao và quyết liệt của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh. Trước hết, gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm, an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; tiếp tục củng cố quốc phòng - an ninh; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

                                                                                        Trọng Thái




 

,
.
.
.