Bố Trạch

Nâng cao sức chiến đấu, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân

Cập nhật lúc 07:57, Thứ Hai, 27/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, làm bất cứ công tác gì cũng phải nêu cao trách nhiệm, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, liên hệ mật thiết với nhân dân, dũng cảm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, luôn hoàn thành nhiệm vụ, tỏ rõ vai trò tiền phong, gương mẫu trước nhân dân.

- Đồng chí Trần Thanh Văn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Bố Trạch trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình.

* P/V: Thưa đồng chí, việc đổi mới và nâng cao hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và giữ vững an ninh- quốc phòng ở huyện Bố Trạch. Xin đồng chí cho biết cụ thể vấn đề này?

- Đ/c Trần Thanh Văn (T.T.V):Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và nghị  quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch để tổ chức quán triệt và triển khai Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp”. Với phương châm: “Bám nghị quyết - bám cơ sở - bám dân”, lựa chọn các khâu đột phá, đề ra nhiều giải pháp để xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và của hệ thống chính trị trên cả 3 mặt: chính trị - tư tưởng - tổ chức, bảo đảm sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân.

Điểm nổi bật là tập trung xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, trong đó, trọng tâm là củng cố những cơ sở yếu kém, kiên quyết xử lý sai phạm của cán bộ gắn với kiện toàn, củng cố bộ máy để nâng cao năng lực lãnh đạo, uy tín chính trị của Đảng; chỉ đạo hoàn thành mục tiêu xoá các “điểm trắng” về tổ chức Đảng và đảng viên trên địa bàn. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng đồng bào có đạo, vùng miền núi.

Trong nhiệm kỳ 2005-2010 đã kết nạp 1.326 đảng viên mới (đạt tỷ lệ 3,4%/năm). Riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã kết nạp được  212 đảng viên mới, đạt 2,3% so với tổng số đảng viên trong toàn huyện.

Việc phân tích chất lượng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên hàng năm đã gắn với kết quả lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ được phân công nên đã từng bước hạn chế được tính hình thức trong việc phân loại tổ chức Đảng và đảng viên. Vì vậy, chất lượng đảng viên được nâng lên, đảng viên phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.

Xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ được Ban Thường vụ Huyện ủy xem là khâu đột phá trên lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đã chỉ đạo tổ chức lại hệ thống phòng ban của UBND huyện; thực hiện có hiệu quả Đề án cải cách hành chính “một cửa” ở xã, thị trấn. Rà soát, bổ sung, kiện toàn bộ máy Đảng, chính quyền, các đoàn thể ở cả 2 cấp sau đại hội Đảng, bầu cử HĐND các cấp. Việc quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ được tăng cường.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ đúng quy trình và dân chủ, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy đảng. Việc chuẩn hoá, trẻ hoá đội ngũ cán bộ các cấp được quan tâm. Công tác luân chuyển cán bộ bước đầu có hiệu quả, số cán bộ được tăng cường, luân chuyển về cơ sở đều phát huy tốt năng lực, trách nhiệm.     

Song song với công tác cán bộ, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác kiểm tra, giám sát; công tác dân vận cũng như đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy các cấp được tăng cường. Nhờ vậy đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành, tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Qua đó, nhân dân tin tưởng và đồng thuận cao với sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp; mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữa cán bộ với nhân dân được tăng cường.

* P/V: Ở tỉnh ta, Bố Trạch được biết đến là huyện có nhiều chương trình, đề án phát huy hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi vị thế và diện mạo của địa phương. Vậy kinh nghiệm rút ra qua lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án này là gì, thưa đồng chí?

- Đ/c T.T.V: Với quyết tâm chính trị cao cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và nhân dân toàn huyện; Bố Trạch đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện, nhờ vậy đã vượt qua thách thức, đạt được nhiều kết quả nổi bật trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, làm thay đổi cơ bản vị thế và diện mạo của huyện.

Cao su tiểu điền một trong những thế mạnh nổi bật của Bố Trạch.
Cao su tiểu điền một trong những thế mạnh nổi bật của Bố Trạch.

Qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm, Ban Thường vụ Huyện ủy rút ra một số kinh nghiệm cơ bản sau đây:

- Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, có tinh thần quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể các cấp; biết đi tắt, đón đầu, nắm bắt thời cơ, vận dụng linh hoạt với từng bước đi thích hợp là yếu tố quyết định  bảo đảm cho sự thành công của các chương trình, đề án.

- Bám sát nghị quyết - tận dụng thời cơ - huy động được nhiều nguồn lực - khai thác được tiềm năng, lợi thế của huyện - tạo được sự đồng thuận để phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để vươn lên của các tầng lớp nhân dân toàn huyện trong thực hiện chương trình, đề án là yếu tố cơ bản.

- Chương trình, đề án đề ra phải có mục tiêu, lộ trình, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện một cách cụ thể; phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; đặc biệt là phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân. Chương trình, đề án phải được triển khai đến từng địa bàn dân cư, từng hộ dân, làm cho người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra; gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình, đề án của các cấp, các ngành.

- Kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên; phân công rõ người, rõ việc trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Với phương châm: “Hướng về cơ sở”, huyện nắm chắc từng xã, xã nắm chắc từng thôn trong thực hiện chương trình, đề án.

- Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện; chọn điểm để chỉ đạo, nơi nào dễ làm trước, nơi nào khó rút kinh nghiệm làm sau; giải quyết dứt điểm từng phần.

* P/V: Đảng ta đang tập trung thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Vậy Huyện ủy Bố Trạch đã có kế hoạch như thế nào để thực hiện Nghị quyết đang được toàn dân quan tâm và mong đợi này?

- Đ/c T.T.V: Ngay sau hội nghị quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức, Ban Thường vụ Huyện ủy đã khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết.

Tư tưởng chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy là bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quyết tâm tổ chức thực hiện Nghị quyết nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng ngay trong nhiệm kỳ 2010-2015. Ban Thường vụ Huyện ủy đã căn cứ 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết để tổ chức thực hiện và đã làm được những việc sau:

Thứ nhất: Tổ chức tốt việc học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy và Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy trong Đảng bộ và nhân dân toàn huyện bảo đảm nghiêm túc, đồng bộ, khẩn trương, hiệu quả, không làm lướt.

Thứ hai: Triển khai công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Chỉ đạo thực hiện đúng quy định về đối tượng kiểm điểm, nội dung, cách tiến hành kiểm điểm theo Nghị quyết của Trung ương, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là khâu mở đầu mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhưng cũng là khâu khó khăn nhất. Vì vậy, việc tổ chức kiểm điểm phải thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, thận trọng, hiệu quả.

Hiện nay, Ban Thường vụ đã và đang khẩn trương chỉ đạo việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện, sẽ hoàn thành trong tháng 9-2012. Đối với cơ sở sẽ tiến hành và hoàn thành trong tháng 9, 10 và tháng 11-2012.

Thứ ba: Thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ; về cơ chế, chính sách; về giáo dục chính trị tư tưởng. Theo đó, quy định rõ nhiệm vụ của các Ban Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể thực hiện nội dung Nghị quyết.

Để biến quyết tâm thành hiện thực, đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định: mỗi đồng chí huyện ủy viên, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị trước hết là người đứng đầu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, gương mẫu đi đầu thực hiện và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, làm bất cứ công tác gì cũng phải nêu cao trách nhiệm, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, liên hệ mật thiết với nhân dân, dũng cảm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, luôn hoàn thành nhiệm vụ, tỏ rõ vai trò tiền phong, gương mẫu trước nhân dân.

Đảng bộ và nhân dân huyện Bố Trạch đã và đang quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết TW4 (khóa XI) gắn với thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tạo bước chuyển biến mới để xây dựng Đảng bộ huyện ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng tốt hơn niềm tin, sự kỳ vọng của cán bộ và nhân dân huyện nhà.

                                                          N. M (thực hiện)








 

,
.
.
.