Đảng bộ xã Vạn Ninh: Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế

Cập nhật lúc 07:49, Thứ Tư, 29/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Vạn Ninh là một xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.905,4ha, trong đó đất nông nghiệp 2.248,5ha. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nên từ sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng uỷ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, với quyết tâm chính trị là sớm đưa Vạn Ninh trở thành xã khá toàn diện của huyện Quảng Ninh vào cuối nhiệm kỳ.

Xã Vạn Ninh có 10 thôn, có 1.850 hộ với 7.784 nhân khẩu. Đảng bộ xã có quy mô khá lớn với 33 tổ chức đảng, trong đó có 5 đảng bộ bộ phận, tổng số đảng viên 485 đồng chí.

So với các địa phương trong huyện, Vạn Ninh không có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên để đầu tư phát triển kinh tế. Thấy được điều đó, nên tập thể Ban Thường vụ Đảng uỷ xã xác định là phải tìm cách cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Đảng uỷ xã chỉ đạo các thôn tận dụng tối đa diện tích đất lúa hiện có để đầu tư thâm canh sản xuất, lấy năng suất và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác làm mục tiêu để chuyển đổi cây trồng. Vụ đông xuân 2011-2012, diện tích lúa gieo cấy của xã đạt 700ha, tăng 2% so với kế hoạch, năng suất đạt 65,7 tạ/ha, sản lượng 4.599 tấn, đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Tận dụng các chân ruộng sâu khu vực đầm phá Hạc Hải, bà con nông dân đã sản xuất lúa tái sinh được 438ha, năng suất 17,1 tạ/ha, sản lượng 753 tấn. Cây ngô được đưa vào trồng vùng biền bãi với diện tích 15ha, năng suất 32 tạ/ha. Các loại cây trồng khác 65ha, trong đó rau màu đậu đỗ các loại 35ha, giá trị thu nhập ước đạt 50 triệu đồng/ha. Tổng sản lượng lương thực 5.400 tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kế hoạch cả năm 2012.

Trong năm nay nhờ sự chỉ đạo tích cực của chính quyền và Hội Nông dân xã nên bà con xã viên  đã chuyển đổi vùng đất bạc màu 12ha để trồng đậu xanh 4ha, khoai 2ha, rau màu các loại 6ha, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các cây trồng trước.

Mặc dầu không có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi, nhưng mấy năm qua Vạn Ninh luôn chủ động mở rộng diện tích đồng cỏ và không ngừng nâng cao số lượng, chất lượng tổng đàn gia súc, gia cầm. Trong năm 2011 do ảnh hưởng của dịch bệnh và tin đồn thất thiệt về chất lượng thịt lợn tạo nạc, nên tổng đàn gia súc giảm mạnh. Đứng trước tình hình ấy Ban Thường vụ Đảng uỷ, UBND xã đã tích cực vận động, giải thích cho người dân tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi. Điều đáng mừng là đến nay lĩnh vực chăn nuôi có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng tổng đàn. Trong lúc các xã lân cận tổng đàn gia súc không tăng, thì ở Vạn Ninh đàn trâu bò tăng 3,5% so với cuối năm 2011.

Nét nổi bật trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Vạn Ninh là người dân đầu tư phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Là xã có địa hình bán sơn địa không có lợi thế ao hồ, nhưng nhờ áp dụng linh hoạt các mô hình nuôi trồng tổng hợp nên xã Vạn Ninh đạt tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản  khá lớn với 352ha, trong đó nuôi cá trên ruộng lúa 310ha. Mô hình cá lúa phát huy có hiệu quả, bình quân thu nhập từ 50-60 triệu đồng/ha, năm.

Về lâm nghiệp, Đảng uỷ xã chỉ đạo đầu tư chuyển đổi trên diện tích rừng nghèo, kém hiệu quả sang trồng cao su với diện tích 7ha, sắp tới trồng thêm 10 ha nữa. Hàng năm xã quan tâm công tác bảo vệ rừng trồng và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng. Trong 8 tháng đầu năm nay, toàn xã đã khai thác rừng keo, bạch đàn 75ha, giá trị bình quân 25 triệu đồng/ha, rừng thông đưa vào khai thác 68ha, thu nhập 9 triệu đồng/ha, trồng mới, trồng dặm thêm trên diện tích rừng đã thu hoạch 32ha....

Điểm yếu nhất về kinh tế của xã là lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TTCN, ngành nghề nông thôn. Sau đại hội, Đảng uỷ xã đã có hội nghị chuyên đề phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TTCN, ngành nghề nông thôn. Theo đó kêu gọi mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển vào lĩnh vực này, đồng thời xã có chính sách ưu tiên khuyến khích tạo mọi điều tiện thuận lợi cho hộ cá thể mở nhà xưởng, đào tạo thợ thủ công...

Nhờ vậy mà giá trị sản lượng sản xuất TTCN và dịch vụ 8 tháng đầu năm ước đạt 7.240 triệu đồng, đạt 64,5% kế hoạch. Dịch vụ thương mại có bước phát triển khá, doanh số ước đạt 19.700 triệu đồng, ước tính giá trị thu nhập 5.310 triệu đồng, đạt 63,2% kế hoạch. Ngành nghề phát triển khá, tập trung vào các nghề mộc mỹ nghệ, gò hàn, sửa chữa ô tô xe máy, nhôm kính, gạch bloc, đá xây dựng...

Về xây dựng cơ bản, với điều kiện ngân sách khó khăn, chủ yếu huy động các nguồn lực hợp tác xã và trong nhân dân cùng với các chương trình, dự án đầu tư của tỉnh, huyện để tiếp tục đầu tư cứng hoá giao thông nông thôn, kiên cố hoá trường học, kênh mương. Trong năm nay xã đã hoàn thành một số công trình với tổng trị giá 526 triệu đồng (sân trường mầm non, đường giao thông nông thôn nội đồng, tu sửa trạm bơm).

Mặc dầu không được chọn làm xã điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, nhưng 2 năm qua Vạn Ninh đã thực hiện đồng bộ các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, được Huyện uỷ Quảng Ninh đánh giá là một trong những xã đi đầu của phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện. Đến nay xã đã hoàn chỉnh quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới đã được UBND huyện phê duyệt. Đảng bộ xã đã đẩy mạnh phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức, phương pháp thích hợp, đã vận động nhân dân giải phóng mặt bằng mở rộng 21 tuyến giao thông nông thôn với tổng chiều dài 11.900m với mặt đường thông thoáng. Tổng số công huy động người dân tham gia 3.720 công, vận động 187 hộ hiến 12.386m2 đất và cây cối mở rộng 14 tuyến đường liên thôn và nội thôn với tổng chiều dài 8.852m.

Các thôn huy động đóng góp của nhân dân gần 28 triệu đồng để hoàn thiện các tuyến đường. Tổng giá trị khối lượng thực hiện xây dựng nông thôn mới ước đạt 1.150 triệu đồng. Xã cũng đã vận động nhân dân dịch chuyển 20 chuồng trại chăn nuôi về vị trí hợp lý bảo đảm vệ sinh môi trường, đào đắp hơn 30 hố xử lý nước thải tại hộ; vận động nhân dân cải tạo vườn tạp trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như thanh long 0,4ha.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" hiện nay đang triển khai bê tông hoá đường giao thông nông thôn ở 7 thôn với chiều dài 1.800m, trị giá 1.700 triệu đồng.
Hiện tại Vạn Ninh đang còn khó khăn, nhưng những gì mà Đảng bộ và nhân dân địa phương thực hiện được trong năm qua hứa hẹn về một tương lai phát triển đi lên vững chắc.

                                                                                          H. Q









 

,
.
.
.