Xứng danh đơn vị Quyết thắng

Cập nhật lúc 13:57, Thứ Năm, 29/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách đây 60 năm, ngày 31-12-1951, Bộ Nội Vụ  ra nghị quyết về tổ chức bộ máy Nha Công an Trung ương trực thuộc Bộ nội Vụ gồm: Văn phòng Nha, Ty bảo vệ chính trị, Ty trị an hành chính và trường công an trung cấp. Ty bảo vệ chính trị có phòng chấp pháp, từ đó, lực lượng chấp pháp (tiền thân của lực lượng an ninh điều tra và hệ lực lượng văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra) được chính thức thành lập.

Trải qua, 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, tuy có nhiều thay đổi về tên gọi cũng như mô hình tổ chức, nhưng lực lượng an ninh điều tra và hệ lực lượng Văn phòng Cơ quan điều tra của cả nước nói chung và Công an Quảng Bình nói riêng vẫn không ngừng lớn mạnh, luôn luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngay từ khi thành lập, lực lượng chấp pháp Công an Quảng Bình đã phối hợp với lực lượng trinh sát thực hiện nhiệm vụ "khám phá, đập tan âm mưu kế hoạch do thám trong vùng tạm chiến và bắt bọn Việt Nam phản động trong vùng tự do"; phát hiện nhiều tên gián điệp nguy hiểm như: Đặng Xuân Con là cộng tác viên của tình báo "SENAM" cùng một số tên giả nghề buôn bán trên tuyến đường Đồng Hới - Hà Tĩnh để thu thập tin tức, khám phá nhiều vụ gián điệp ở Duy Tân, Trường Thủy, bắt gọn toán gián điệp biệt kích nhảy dù xuống vùng núi Tân Kiều (Minh Hóa)...

Mặc dù còn non trẻ, nhưng lực lượng Chấp pháp đã nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, sáng tạo, lập nhiều chiến công xuất sắc làm thất bại các hoạt động gián điệp do thám của thực dân Pháp, đập tan các hoạt động đảo chính lật đổ của bọn phản động, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính quyền cách mạng, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong công tác điều tra, lực lượng chấp pháp luôn nghiên cứu tỉ mỉ, cụ thể, tôn trọng sự thật khách quan nên đã phát hiện được những trường hợp oan sai, góp phần bảo đảm  thực hiện đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Hiệp định Giơnevơ (1954) được ký kết, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Đông Dương, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền với 2 chế độ chính trị  - xã hội khác nhau. Lực lượng chấp pháp lại bước vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện mới với những hình thức mới. Đã tập trung đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng của bọn địa chủ, ngụy quân, ngụy quyền tuyên truyền xuyên tạc đường lối chủ trương của Đảng; kích động quần chúng, nhất là đồng bào theo đạo thiên chúa di cư vào Nam, nhen nhóm tổ chức phản động...

Lực lượng chấp pháp đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong Công an tỉnh, quân đội điều tra khám phá nhiều vụ án, điển hình như: đập tan "Đảng Việt Hưng phục quốc" được tổ chức quy mô lớn trên địa bàn Tuyên Hóa và Quảng Trạch với 151 tên tham gia, đưa truy tố trước pháp luật 33 tên; vụ án phản động và hoạt động gián điệp ở Hướng Phương và Thanh Sơn (Quảng Trạch)  do Trương Văn Liệu cầm đầu; vụ Nguyễn Công Nghị (Quảng Ninh)  tổ chức móc nối thanh niên Đồng Hới vượt biển trốn vào Nam theo địch... Đồng thời lập hồ sơ tập trung cải tạo đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, phát hiện được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn gián điệp con thoi, gián điệp biệt kích, bọn vượt tuyến vào Nam theo địch, góp phần vào công tác đánh địch lâu dài cũng như phòng ngừa tội phạm.

Cán bộ an ninh điều tra đang xét hỏi đối tượng.
Cán bộ an ninh điều tra đang xét hỏi đối tượng.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng chấp pháp đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách thậm chí hy sinh cả xương máu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của lực lượng công an trong giai đoạn mới: Trấn áp bọn tội phạm phản cách mạng và tội phạm hình sự nhằm giữ vững ANCT và TTATXH, phục vụ tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng CNXH ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chủ động sơ tán, di chuyển hồ sơ can phạm đến nơi mới, đồng thời bảo đảm các mặt công tác nghiệp vụ trong điều kiện cả nước có chiến tranh. Đã khởi tố, điều tra hàng trăm vụ với hàng ngàn đối tượng hoạt động gián điệp biệt kích, tuyên truyền chống phá đường lối, chính sách của Đảng, bọn vượt biên, vượt tuyến vào Nam hoặc đi nước ngoài, bọn phản động các loại, bọn giết người hiếp dâm, tham ô, trộm cắp...

Điển hình như: điều tra làm rõ vụ Phan Khanh (Tuyên Hóa) giết 2 người, vụ tham ô của tập đoàn Nguyễn Quang Diện - Công ty vận tải đường biển gây hậu quả lớn; bắt giữ hàng chục vụ với hàng trăm tên gián điệp biệt kích... Phải nói rằng, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, lực lượng chấp pháp đã trưởng thành vượt bậc về chuyên môn nghiệp vụ.

Công tác khởi tố bắt giam giữ đúng người, đúng tội; công tác xét hỏi được củng cố và đúc rút được nhiều kinh nghiệm, thủ tục tố tụng hình sự ngày càng chặt chẽ hơn; công tác tập trung giáo dục cải tạo được duy trì; công tác hướng dẫn kiểm tra được chú trọng và tăng cường; chấp hành tốt chế độ thu giữ, bảo quản tang vật của Bộ quy định; cán bộ chiến sĩ được rèn luyện trong gian khổ, ác liệt của chiến tranh, được trang bị kiến thức về lý luận chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ, đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, giai đoạn sau năm 1975.

Đất nước được thống nhất, giang sơn thu về một mối, Bình Trị Thiên sum họp một nhà, lực lượng chấp pháp Công an Quảng Bình đã cùng với lực lượng chấp pháp Công an Quảng trị, Công an Thừa Thiên-Huế tích cực đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, tiến hành bắt, lập hồ sơ đi đưa giáo dục cải tạo hàng ngàn đối tượng là ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động, trong đó có hàng trăm tên tình báo Cảnh sát đặc biệt; phát hiện nhiều vụ gián điệp cài lại, thu nhiều tài liệu có giá trị; phối hợp điều tra; làm rõ nhiều vụ án phản cách mạng như: vụ "Mặt trận dân quân phục quốc" do Trần Đăng Thành cầm đầu; vụ "Mặt trận dân tộc cách mạng Đảng" do Tống Châu Khang và Nguyễn Nhuận cầm đầu; vụ "Mặt trận phục quốc Trị Thiên" do Phạm Lự và Phan Ngọc Lượng thuộc Đảng Đại Việt cầm đầu... Đồng thời, hàng năm đã điều tra hàng trăm vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự an toàn xã hội.

Sau ngày tái lập tỉnh, lực lượng an ninh điều tra và hệ Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quảng Bình đã trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới của Đảng.

Đã điều tra, khám phá hàng ngàn vụ án các loại, đề nghị xử lý đúng người, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Điển hình như: vụ Nguyễn Thừa Vương và vụ Hoàng Kim Trình tuyên truyền xuyên tạc chống chế độ; vụ Nguyễn Văn Phong giết người ở Tuyên Hóa; vụ Nguyễn Minh Tuấn cùng đồng bọn mua bán trái phép 199 bánh Heroin; vụ tàu Mai Hương vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã thu giữ và sung vào công quỹ gần 3 tỷ đồng... Công tác tham mưu, hướng dẫn và kiểm tra chấp hành pháp luật trong công tác bắt, giam giữ điều tra xử lý tội phạm; giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và công tác tiếp nhận xử lý tin báo tội phạm được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra xử lý tội phạm của công an các đơn vị, địa phương.

Với những thành tích đã đạt được, lực lượng An ninh điều tra và Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; nhiều lượt tập thể và cá nhân được Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen; đơn vị nhiều năm liên tục được tặng danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng"; "Đơn vị Văn hóa" và "Đơn vị kiểu mẫu về điều lệnh CAND".

Tự hào với truyền thống vẻ vang của mình trong suốt 60 năm qua, lực lượng An ninh điều tra và hệ Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra nhận thức sâu sắc nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn mới là hết sức nặng nề. Tất cả CBCS trong lực lượng quyết tâm đổi mới toàn diện các mặt công  tác, chủ động nắm tình hình, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện điều tra, xử lý tội phạm, chăm lo xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, góp phần cùng toàn lực lượng Công an tỉnh nhà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, vì sự bình yên của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

                                                                              Đại tá Từ Hồng Sơn

                                                                           Giám đốc Công an tỉnh



,
.
.
.