.

Bản sáng đèn sau gần 55 năm chờ đợi

Thứ Hai, 25/12/2017, 08:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Phú Nguyên là một bản nhỏ nằm biệt lập bên kia sông Rào Nan, cách trung tâm xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa) khoảng 6km đường bộ. Sau gần 55 năm sống vất vả, thiếu thốn về phương tiện, cơ sở hạ tầng, giờ đây Phú Nguyên đang bước sang trang mới nhờ có ánh điện về bản.

Bản Phú Nguyên nằm biệt lập bên kia sông Rào Nan, giữa thung lũng, được bao bọc bởi dãy núi đá vôi. Hiện tại, dân bản đang sử dụng cầu phao tạm bợ để di chuyển qua sông. Theo ông Võ Trọng Tuyển, Trưởng bản Phú Nguyên, chiếc cầu phao này được người dân xây dựng cách đây 3 năm, nhưng hiện giờ đã xuống cấp rất nghiêm trọng do phải gánh chịu nhiều trận lũ lụt thời gian qua.

Hiện, bản Phú Nguyên có 10 hộ dân với khoảng 40 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nông, chuyển đến ở theo dự án tổng thể di dân khẩn cấp do ngập lụt và sạt lở xã Cao Quảng. Định cư ở đây, hàng ngày, người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là không có điện để sinh hoạt và sản xuất.

Người dân bản Phú Nguyên vui mừng khi có điện.
Người dân bản Phú Nguyên vui mừng khi có điện.

Việc xây dựng hệ thống cấp điện cho bản Phú Nguyên trước đây luôn là bài toán khó đối với chính quyền địa phương, chi phí đầu tư quá lớn trong khi số hộ dân ở đây lại quá ít. Cách đây vài năm, UBND huyện Tuyên Hóa có hỗ trợ cho bản Phú Nguyên 1 máy nổ với động cơ 3KW để phục vụ thắp điện cho người dân trong bản. Tuy nhiên, với công suất máy yếu, thời gian phát điện cũng hạn chế, người dân trong bản chỉ thắp mỗi nhà một bóng đèn trong khoảng 1-2 tiếng đồng hồ vào buổi tối.

Thực hiện chủ trương của Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo năm 2013-2020, Phú Nguyên được đưa vào dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình. Công trình được khởi công từ cuối năm 2016, mặc dù gặp rất nhiều bất lợi do ảnh hưởng của bão, lũ, đường sá vận chuyển khó khăn, tuy nhiên, với sự quyết tâm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công cùng với sự ủng hộ từ phía chính quyền địa phương và nhân dân, công trình đã hoàn thành, nghiệm thu đóng điện. Đây là công trình mang ý nghĩa thiết thực đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân bản Phú Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, một người dân trong bản phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi lên đây từ năm 1965 đến nay, bản chưa hề có điện. Nhà có 5 đứa con thì 4 đứa vào miền Nam lập nghiệp, còn mỗi thằng út ở đây. Nay có điện rồi, chắc chắn đời sống sẽ khá hơn lên”.

Điện về, người dân trong bản rủ nhau mua cái tivi, sắm cái quạt, lắp thêm bóng đèn, bản Phú Nguyên nhộn nhịp đón chào một mùa xuân mới đang đến gần. Ông Mai Xuân Tuyên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho biết: “Việc cấp điện sáng ở bản Phú Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Có điện, người dân sẽ có cơ hội, điều kiện tốt trong việc tiếp cận với các ứng dụng tiến bộ, hiện đại của khoa học, kỹ thuật, đưa vào phát triển kinh tế-xã hội của bản.

Tuy nhiên, hiện việc đi lại của dân bản Phú Nguyên vẫn phụ thuộc vào chiếc cầu phao. Nếu có kinh phí đầu tư chiếc cầu kiên cố, cuộc sống của bà con sẽ ổn định hơn rất nhiều; đặc biệt sẽ có điều kiện để phát triển, khám phá tài nguyên du lịch nơi đây”.

Lê Mai-Thái Hưng