.

TP. Đồng Hới: Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Thứ Bảy, 23/12/2017, 15:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, công tác Đoàn và phong trào thanh niên TP. Đồng Hới có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó, chương trình “Đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm” được các cấp bộ Đoàn triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, vai trò của tổ chức đoàn trong tập hợp, phát huy sức trẻ được khẳng định, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Năm 2013, được tổ chức đoàn tiếp sức, anh Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1983), ở TDP6, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới đã thành lập cơ sở sản xuất nước đóng chai tinh khiết nhãn hiệu Fresh. Chính nhờ sự sáng tạo, lòng nhiệt huyết và dám nghĩ dám làm của anh, sản phẩm của cơ sở trong thời gian ngắn đã chiếm lĩnh được thị trường, tạo sự tin dùng của nhiều người. Hiện nay, cơ sở sản xuất đang tạo thêm việc làm cho 15 ĐVTN, cho thu nhập ổn định từ 3,5 triệu/người/tháng. Đặc biệt, mới đây, anh Hiếu đã được tư vấn và tiếp cận được nguồn vốn vay trên 190 triệu đồng của Trung ương Đoàn để tiếp tục mở rộng và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, anh Hiếu luôn sôi nổi, nhiệt tình tham gia các phong trào của tổ chức đoàn, hội. Đồng thời, anh thường xuyên khuyến khích, động viên, hỗ trợ thanh niên trong  phát triển kinh tế tại quê nhà.

Là thanh niên xuất ngũ sau khi đi nghĩa vụ quân sự trở về, anh Lê Mai Quỳnh (sinh năm 1996), ở TDP 6, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới lại chọn con đường khởi nghiệp khác nhờ sự trợ giúp từ cơ sở đoàn tại địa phương. Tích cực tham gia sinh hoạt Đoàn, anh được tham gia tư vấn giới thiệu việc làm và học hỏi kinh nghiệm làm giàu của nhiều gương thanh niên điển hình trong tỉnh. Cùng với sự động viên của gia đình, cộng với sự tiếp sức của Đoàn phường, anh quyết định tham gia xuất khẩu lao động ở Nhật Bản vào đầu năm 2017. Đến nay, anh đã trả hết số tiền vay mượn để đi xuất khẩu lao động và có thu nhập ổn định hàng tháng từ 15-20 triệu đồng.

Đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố Đồng Hới tham gia đào tạo khởi nghiệp do Thành đoàn phối hợp tổ chức.
Đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố Đồng Hới tham gia đào tạo khởi nghiệp do Thành đoàn phối hợp tổ chức.

Theo anh Ngô Văn Mạnh, Bí thư Đoàn phường Bắc Lý, chương trình “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm” được triển khai sâu rộng tới các cơ sở đoàn. Riêng trong năm 2017, toàn phường có 300 ĐVTN được tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm do Thành đoàn và Tỉnh đoàn tổ chức. Trong đó, có 11 ĐVTN xuất ngũ trở về địa phương được Đoàn phường giới thiệu xuất khẩu lao động tại Nhật Bản và Đài Loan...

Đánh giá về chương trình này, đồng chí Hà Quốc Vương Anh, Bí thư Thành đoàn Đồng Hới chia sẻ, “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm” là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm định hướng lập thân, lập nghiệp, giải quyết việc làm và cổ vũ ĐVTN phát triển kinh tế. Đồng thời, việc thực hiện tốt nội dung này còn là điều kiện thuận lợi để tổ chức đoàn nâng cao tỷ lệ tập hợp thanh niên, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động. Chính vì vậy, các cơ sở đoàn trên địa bàn thành phố đã triển khai hoạt động cụ thể, thiết thực và mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Trước hết, xác định công tác phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho ĐVTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nên trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn TP. Đồng Hới đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ ĐVTN trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Thành đoàn chỉ đạo các đoàn cơ sở chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của ĐVTN để từ đó chủ động tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Hiện, 18/18 liên đội trường THCS và 4 Đoàn trường THPT trên địa bàn thành phố có 100% ĐVTN đều được tham gia các cấp học nghề, các lớp tư vấn về chọn ngành, chọn nghề phù hợp với khả năng, năng lực của mỗi một ĐVTN. Từ đó, ĐVTN nhận thức đầy đủ hơn về năng lực bản thân, lựa chọn ngành, nghề phù hợp trong tương lai.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của ĐVTN, các cấp bộ Đoàn tạo cơ hội và trang bị kiến thức, kỹ năng lập nghiệp cho ĐVTN trên địa bàn, như: tổ chức tập huấn lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi; khởi nghiệp doanh nghiệp; phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại; tham quan những mô hình làm kinh tế hiệu quả...

Cùng với nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm, Thành đoàn cũng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan triển khai chương trình quốc gia giải quyết việc làm, động viên ĐVTN chủ động đề xuất đảm nhận các công trình kinh tế-xã hội của địa phương. Nhờ đó, trong năm 2017, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề và hướng dẫn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh cho ĐVTN được triển khai thường xuyên và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, Thành đoàn đã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh tư vấn xuất khẩu lao động cho hơn 500 ĐVTN bằng việc lao động có thời hạn tại nước ngoài; hướng dẫn vay vốn giải quyết việc làm cho 9 thanh niên với số tiền 420 triệu đồng để phát triển sản xuất; động viên được trên 50 ĐVTN lập thân, lập nghiệp; dư nợ ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội do Thành đoàn quản lý đạt 12 tỷ đồng cho trên 1 nghìn ĐVTN  vay vốn phát triển kinh tế.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ cho ĐVTN nghèo có thêm việc làm, có năng lực sản xuất kinh doanh, có các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn Đồng Hới đã kịp thời phát hiện, động viên và hỗ trợ, giúp ĐVTN phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần không nhỏ cho việc hình thành, duy trì và mở rộng các mô hình ĐVTN phát triển kinh tế có giá trị thu nhập cao. Song song, các hoạt động tuyên dương ĐVTN làm kinh tế giỏi cũng được tổ chức thường xuyên, có tác động sâu sắc đến tư tưởng, nhận thức của ĐVTN trong phát triển kinh tế. Qua đó, ĐVTN đã tích cực học tập kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết, tìm hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, làm ăn có hiệu quả. Điển hình có mô hình chăn nuôi lợn, gà của anh Nguyễn Hoàng Anh Đức ở xã Lộc Ninh; mô hình VAC của Nguyễn Lương Trọng ở phường Bắc Lý; mô hình tổng hợp của Bùi Minh Châu, Nguyễn Văn Bình ở phường Bắc Nghĩa; mô hình trồng nấm của chị Trần Thị Thanh Lam, ở xã Thuận Đức...

Các hoạt động đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm của các cấp bộ Đoàn TP. Đồng Hới thực sự đã phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, Thành đoàn Đồng Hới chú trọng hơn nữa công tác vận động và khuyến khích thanh niên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của thành phố, giúp ĐVTN có thêm điều kiện để ổn định đời sống và hạn chế tệ nạn xã hội.

Thùy Lâm