.

BHXH huyện Lệ Thủy: Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW

Thứ Năm, 28/09/2017, 09:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù là một địa bàn thuần nông và thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lũ, nhưng công tác BHXH của huyện Lệ Thủy vẫn đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt, số lượng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cao nhất trong toàn tỉnh. Theo ông Đặng Ngọc Nghinh, Giám đốc BHXH huyện Lệ Thủy thì đó là phép cộng từ sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT.

Trong cuộc chuyện trò, ông Đặng Ngọc Nghinh thẳng thắn nhìn nhận: Lệ Thủy là huyện có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, lao động chủ yếu làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp, trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô chủ yếu nhỏ và vừa. Địa phương lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ, nên đời sống của nhân dân vốn đã không mấy khá giả lại càng thêm phần khó khăn sau mỗi mùa mưa bão, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đóng BHXH, BHYT của người dân. Thế nhưng, từ khi cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền đưa Nghị quyết 21-NQ/TW vào cuộc sống, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã thực sự có những chuyển biến đáng mừng, nhất là việc thay đổi nhận thức của người dân với chính sách an sinh xã hội đầy nhân văn này.

Theo số liệu thống kê của BHXH huyện Lệ Thủy, hiện trên địa bàn huyện có hơn 5.600 người tham gia BHXH bắt buộc, với tổng thu gần 46 tỷ đồng, gần 111.000 người tham gia BHYT, tăng 637 người so với cùng kỳ năm 2016. Đó là những kết quả đáng mừng cho thấy sự nỗ lực không nhỏ của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng cán bộ BHXH huyện Lệ Thủy. Sau 5 năm thực hiện công tác tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác BHXH, BHYT được nâng lên rõ rệt. Một điều đáng trân trọng là các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện đã chủ động phối hợp với cơ quan BHXH trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Chính những nỗ lực ấy đã giúp cho nhận thức về công tác BHXH, BHYT của các chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây.

 BHXH huyện Lệ Thủy nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính.
BHXH huyện Lệ Thủy nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Ông Nghinh cũng chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ BHXH huyện Lệ Thủy đã phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến cuối tháng 8-2017, BHXH huyện Lệ Thủy đã vận động và phát triển được 197 đối tượng, đạt tỉ lệ 102,3% của BHXH tỉnh giao. Hiện Lệ Thủy là địa phương có đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cao nhất tỉnh với 806 đối tượng tham gia, bằng 1/5 số lượng của toàn tỉnh. “BHXH huyện Lệ Thủy đã hoàn thành kế hoạch năm ngay từ cuối quý III, song chúng tôi vẫn đang tiếp tục chủ động vận động tuyên truyền, góp phần tăng thêm đối tượng tham gia để làm tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương”, ông Nghinh cho biết thêm.

Để có được những kết quả đó, thực hiện công tác tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW, BHXH huyện đã tiếp xúc, tuyên truyền, đối thoại với trên 3.500 đối tượng là nhân dân và người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đồng thời, BHXH huyện cũng đã triển khai, phối hợp xây dựng nhóm giải pháp, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT hộ gia đình ở 17 xã, thị trấn. Điều đáng mừng là công tác cải cách hành chính đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của đối tượng tham gia BHXH-BHYT. BHXH Lệ Thủy đã chủ động đổi mới, thực hiện nhiều sáng kiến trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi phong cách làm việc từ hành chính sang phục vụ. Đến thời điểm này, BHXH huyện Lệ Thủy đã cơ bản đồng bộ hóa các bước thực hiện bằng hồ sơ giao dịch điện tử, rút ngắn quy trình, hồ sơ, biểu mẫu, giảm thiểu thời gian thủ tục xuống 49 giờ theo tiêu chuẩn hóa của BHXH Việt Nam. Hiện tại, Lệ Thủy đã có 99,1% đơn vị thực hiện giao dịch điện tử. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện giám định bệnh nhân trên hệ thống phần mềm, quản lý thống nhất từ trạm y tế xã lên huyện, tỉnh và trung ương.

Điều khiến ông Nghinh trăn trở là mặc dù đạt được những kết quả đáng tích cực nhưng công tác thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị tại Lệ Thủy vẫn còn nhiều khó khăn. Ở một số địa phương vẫn còn hiện tượng cấp ủy, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, thậm chí thiếu quan tâm, thiếu hiểu biết, thiếu đầu tư trong chỉ đạo triển khai. “Có nơi còn nhận thức đó là việc riêng của ngành BHXH, vì vậy, trong phối hợp chỉ đạo với cấp ủy, đặc biệt là chính quyền địa phương thiếu hợp tác, thiếu kế hoạch, định hướng cho việc phát triển đối tượng, nhất là BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện. Trong khi đó, một bộ phận nhân dân, người lao động và đặc biệt là chủ sử dụng lao động của một bộ phận doanh nghiệp ngoài quốc doanh thiếu mặn mà với công tác BHXH, BHYT dẫn đến việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động”, ông Nghinh cho biết thêm.

Một trong những chỉ tiêu then chốt trong năm 2017 của BHXH huyện Lệ Thủy là đưa tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân lên 85%. Để đạt được những chỉ tiêu đã đặt ra, BHXH huyện Lệ Thủy đã, đang và sẽ nỗ lực đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền Nghị quyết 21-NQ/TW. Bởi những hiệu quả bước đầu cho thấy, sự đồng thuận, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT sẽ tạo nên những đột phá và mang đến những lợi ích thiết thực cho người dân.

Diệu Hương