.

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng: Tăng cường "canh lửa" trong mùa khô

Thứ Tư, 17/05/2017, 09:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình nắng nóng, khô hạn năm nay có khả năng gia tăng so với các năm trước và kéo dài nên nguy cơ xảy ra các vụ cháy là rất lớn. Ngay từ đầu năm, thời tiết tại Quảng Bình đã ít mưa và xuất hiện những đợt nắng nóng gay gắt. Trước tình hình đó, Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đã chủ động triển khai các phương án bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Lực lượng Kiểm lâm VQG PN-KB tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ PCCCR.
Lực lượng Kiểm lâm VQG PN-KB tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ PCCCR.

VQG PNKB ngoài việc quản lý, bảo vệ 123.326 ha rừng đặc dụng, còn được giao quản lý bảo vệ khoảng 3.031 ha rừng phòng hộ và 139,3 ha rừng sản xuất. Những năm qua, thời tiết thuộc lâm phần VQG PN-KB diễn biến phức tạp nhưng BQL vườn và Hạt Kiểm lâm vườn hết sức coi trọng công tác BVR và PCCCR, nên chưa để xảy ra vụ cháy rừng lớn nào, đặc biệt năm 2016 không xảy ra cháy rừng.

Bước sang năm 2017, thời tiết lại có những diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ nắng nóng đến sớm và kéo dài đang diễn ra đúng như dự báo. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, BQL vườn đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng, xây dựng phương án PCCCR và giao trách nhiệm đến từng đối tượng cụ thể.

Các tổ PCCCR tại các trạm kiểm lâm, các thôn, bản ở các xã vùng đệm, các cơ quan liên quan cũng được thành lập, được tập huấn về kỹ thuật, nghiệp vụ và các quy định PCCCR, trang bị các dụng cụ cần thiết, bố trí lực lượng trực 24/24h nhằm BVR và PCCCR.

Đặc biệt, BQL VQG PN-KB đã đề ra phương châm “Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời và có hiệu quả, chú trọng công tác tuần tra, canh gác phát hiện điểm phát lửa để huy động lực lượng mạnh dập lửa khi mới xuất hiện không để cháy lớn, cháy lây lan”.

Cháy rừng không những là thảm họa gây thiệt hại về kinh tế, về môi trường mà còn gây hệ lụy đến cả đời sống cộng đồng cư dân. Nhận thức rõ điều đó, Ban chỉ huy PCCCR của vườn luôn chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BVR nói chung và PCCCR nói riêng đến mọi người dân và khách du lịch.

Mặt khác, xây dựng tin, bài, phóng sự gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong công tác BVR, PCCCR để tuyên truyền, nhân rộng; xây dựng, bổ sung và tổ chức thực hiện hiệu quả quy ước BVR, PCCCR cấp thôn, bản, cụm dân cư. Bên cạnh đó, việc sửa chữa biển báo, in ấn và phát tài liệu, tờ rơi, băng đĩa... có nội dung tuyên truyền công tác BVR, PCCCR cũng được quan tâm triển khai.

Nguy cơ cháy rừng trên địa bàn VQG PN-KB tập trung chủ yếu vào mùa khô từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm; mùa hè thường xảy ra cháy rừng vào các thời điểm nắng nóng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, nguy cơ báo động cháy rừng luôn ở cấp III, IV có lúc lên đến cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Do đó, Ban PCCCR của vườn đã chỉ đạo các tổ PCCCR thôn, bản ở gần rừng và các đơn vị đóng trong địa bàn phải thường xuyên kiểm tra, canh gác, PCCCR trong các vùng rừng được giao bảo vệ. Các khu vực trọng điểm phải kết hợp với lực lượng BVR của các trạm Kiểm lâm.

Trong quá trình tuần tra canh gác lửa, khi phát hiện đám cháy phải huy động mọi lực lượng và phương tiện tại chỗ để dập tắt đám cháy, khẩn trương báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo để có biện pháp ứng cứu kịp thời trong tình huống xấu xảy ra. Đối với các khu vực trong phạm vi VQG xa dân cư, Hạt kiểm lâm chịu trách nhiệm chỉ đạo các tổ xung kích trực thuộc tuần tra canh gác lửa thường xuyên.

Các vùng xung yếu như: km 5 - km 9 đường 20, khu vực Chà Nòi, km 17 đường Hồ Chí Minh, km 14 - km 15... phải canh gác 24/24 giờ. Trong trường hợp xảy ra cháy rừng, các tổ xung kích Kiểm lâm chịu trách nhiệm chính và phải phối kết hợp với các lực lượng PCCCR thôn bản, các đơn vị đóng quân gần kề.

Đối với khu vực rừng có chủ (rừng tự nhiên, rừng trồng vùng đệm), các đơn vị như Lâm trường Trường Sơn, Lâm trường Ba Rền, Lâm trường Bồng Lai, Lâm trường Bố Trạch, rừng trồng của các hộ dân nhận dự án khu vực vùng đệm thì các tổ PCCCR của VQG, các xã vùng đệm trực tiếp đến phối hợp với lâm trường để bàn và thống nhất phương án PCCCR.

Để bảo đảm việc “canh lửa” trong mùa khô được triển khai hiệu quả, BQL VQG PN-KB đã chú trọng việc xây dựng và duy trì các công trình PCCCR như: Chuẩn bị, phát đường tiếp cận đến các điểm chứa nước chữa cháy tại các khu vực trọng điểm; chỉ đạo các trạm Kiểm lâm kiểm tra, khởi động các máy móc, thiết bị, chữa cháy rừng đã được trang cấp đặt đúng nơi quy định và bảo đảm việc ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Phương tiện, thiết bị PCCCR thường xuyên được kiểm tra, sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.
Phương tiện, thiết bị PCCCR thường xuyên được kiểm tra, sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.

Đặc biệt, nhằm giảm vật liệu cháy trong rừng, các trạm Kiểm lâm, tổ PCCCR đã chủ động triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, vận động, hướng dẫn các hộ gia đình có đất canh tác liền kề rừng VQG, phát dọn thực bì ra khỏi rừng, đốt trước có điều khiển, giám sát các khu vực lau lách, cây bụi; thu dọn vật liệu cháy (cành, lá khô, bao bì, rác thải...) tại các khu du lịch và các tuyến đường mòn nhiều người dân và du khách qua lại về nơi quy định trước mùa khô...

Ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc VQG PN-KB cho biết: “Những biện pháp cấp bách để đối phó với “giặc lửa” đã được Ban chỉ huy PCCCR VQG PN-KB triển khai cụ thể, đồng bộ; thường xuyên chỉ đạo theo dõi, túc trực 24/24 nhằm ngăn chặn, “canh lửa” trong mọi tình huống, cố gắng không để xảy ra những thiệt hại do cháy rừng gây nên.

Tuy nhiên, cháy rừng luôn là nguy cơ tiềm ẩn ở mức cao, đặc biệt trong mùa khô khi nắng nóng kéo dài, bên cạnh đó địa hình của vườn lại quá phức tạp, đồi núi cao, dốc, chủ yếu là đá tai mèo, xa nước và thời điểm xảy ra cháy thường đúng vào tâm điểm gió Lào. Do đó, việc thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và nâng cao ý thức của người dân là hết sức quan trọng, cần thiết”.

Lê Mai