.

Để đảo xa "gần" với đất liền

Chủ Nhật, 14/05/2017, 14:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Nổi bật giữa khuôn viên nhiều trường học trên địa bàn huyện Bố Trạch là mô hình biển đảo với cột mốc chủ quyền đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó như một niềm tự hào, sự nhắc nhở và trên hết góp phần thắp lên ngọn lửa tình yêu quê hương, đất nước đối với các thế hệ tương lai.

Hiện diện ngay chính giữa khuôn viên của Trường tiểu học Mỹ Trạch (xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch) là mô hình cột mốc chủ quyền màu xanh da trời có ghi dòng chữ đảo Trường Sa và đảo Hoàng Sa. Trên mỗi mô hình cột mốc này là 2 lá cờ Tổ quốc tự hào tung bay trong gió. Bên cạnh đó là mô hình bản đồ đất nước, tạo nên một tổng thể toàn vẹn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bất ngờ hơn, khi mô hình chính là do công sức và sự đóng góp của các giáo viên trong trường với kinh phí trên 20 triệu đồng.

Thầy Cao Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mô hình được xây dựng từ tháng 10-2016, nhưng còn chưa hoàn thiện. Mô hình do cô giáo Trương Thị Thanh Vân, dạy môn Mỹ thuật của trường thiết kế. Mấy ngày nữa, chúng tôi sẽ đấu nối hệ thống ống, để sau khi bơm nước vào, hình ảnh bản đồ và 2 cột mốc này sẽ hiện lên rõ ràng hơn. Các em sẽ dễ hình dung hơn về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”.

Mô hình biển, đảo và bản đồ đất nước giữa sân Trường tiểu học Mỹ Trạch (Bố Trạch).
Mô hình biển, đảo và bản đồ đất nước giữa sân Trường tiểu học Mỹ Trạch (Bố Trạch).

Thầy Tuấn chia sẻ: “Tuổi các em còn nhỏ, qua các bài  giảng của thầy cô trong lớp học, những hình dung của các em về biển đảo, về Trường Sa và Hoàng Sa, chắc chắn sẽ có những hạn chế nhất định. Vì vậy, mô hình cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa này sẽ cho học sinh có được những hình dung rõ nét, sinh động, cụ thể và đầy đủ hơn về hình ảnh quê hương, đất nước của mình. Chỉ riêng việc mỗi ngày được nhìn thấy, tiếp xúc trực tiếp mô hình cột mốc chủ quyền, cũng sẽ tạo được dấu ấn sâu đậm trong nhận thức của các em”.

Không chỉ Trường tiểu học Mỹ Trạch, địa danh Trường Sa, Hoàng Sa, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, hiện diện ngay chính trong khuôn viên của nhiều trường học trên địa bàn huyện Bố Trạch. Mô hình biển, đảo quê Tổ quốc của Trường THCS Quách Xuân Kỳ (Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) được xây dựng từ tháng 10-2016, thông qua nguồn vốn xã hội hóa và sự đóng góp của phụ huynh học sinh, với kinh phí hơn 90 triệu đồng. Theo thầy Phan Đình Minh, Hiệu trưởng nhà trường, mô hình được sử dụng như một công cụ hỗ trợ cho công tác dạy học các bộ môn khoa học xã hội, như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... Mô hình này vừa giúp cho các em nhận diện được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vừa nuôi dưỡng cho thế hệ tương lai, lòng tự hào dân tộc và tình yêu đối với quê hương, đất nước. Đối với các tiết học thực tế tìm hiểu về biển, đảo quê hương và việc gìn giữ môi trường biển, thay vì chỉ học trên bản đồ, sách vở, giờ đây các em có dịp được trải nghiệm qua mô hình biển, đảo được xây dựng ngay giữa sân trường.

Một tiết học Địa lý tìm hiểu biển, đảo quê hương của các em học sinh Trường THCS Quách Xuân Kỳ (Bố Trạch).
Một tiết học Địa lý tìm hiểu biển, đảo quê hương của các em học sinh Trường THCS Quách Xuân Kỳ (Bố Trạch).

Cô Lê Thị Hồng Trang, giáo viên dạy môn Địa lý của trường THCS Quách Xuân Kỳ cho hay, từ khi có mô hình này, học sinh thích thú hơn với môn học, nhất là những tiết học thực tế. Không có điều kiện đi xa, trực tiếp đến các danh lam thắng cảnh của quê hương, vậy nên thông qua mô hình, các em có dịp nhận thức đầy đủ về biển đảo quê hương, từ đó hun đúc nên ý thức tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước. Em Trương Thị Huyền Trang, học sinh lớp 9B, Trường THCS Quách Xuân Kỳ tâm sự: “Mô hình đã giúp cho em nhận thức đầy đủ hơn về biển đảo của quê hương. Không chỉ môn Địa lý mà chúng em còn được biết đến chủ quyền biển đảo quê hương qua các môn học Lịch sử, Giáo dục công dân, Sinh học. Với mỗi môn học, chúng em được cung cấp một góc nhìn khác, toàn diện hơn về biển, đảo của Tổ quốc”.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bố Trạch cho biết, các mô hình biển, đảo, cùng với mô hình cột mốc chủ quyền các quần đảo chính là dụng cụ dạy học trực quan, sinh động, nhằm cung cấp cho học sinh có được hình dung cụ thể và rõ nét về bức tranh toàn vẹn của Tổ quốc. Thông qua các tiết học thuộc phân môn khoa học xã hội, như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, các mô hình này đã đưa học sinh đến gần hơn với các vùng đất, vùng lãnh thổ xa xôi gắn liền với chủ quyền dân tộc, với những chiến công hào hùng của cha ông ta. Qua đó, các em thêm tự hào hơn về mảnh đất, con người, lịch sử của dân tộc, hun đúc và thắp lên“ngọn lửa”tình yêu, lòng tự hào đối với quê hương, đất nước.

Dương Công Hợp