.

Kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh được trả lời như thế nào? (tiếp theo)

Thứ Sáu, 16/12/2016, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII, Chủ tọa kỳ họp đã bố trí nhiều thời gian để lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện thành phố, thị xã trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh.

* Ông Trần Phong, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường như sau:

Về trách trách nhiệm của Sở Tài nguyên – Môi trường trong việc bảo vệ chất lượng nguồn nước tại các hồ đập thủy lợi, được trả lời rằng: Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên nước, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh hoàn thành công tác lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, quy định trách nhiệm của các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; quyền và nghĩa vụ các tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, Sở đã tập trung huy động các nguồn lực để điều tra đánh giá hiện trạng nước ngầm; hiện nay, Sở đang phối hợp với Đoàn Tài nguyên nước Bắc Trung bộ thực hiện điều tra, đánh giá chất lượng nước, dự kiến hoàn thành trong tháng 8-2017. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá chất lượng tài nguyên nước, sẽ tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất, xác định ranh giới lưu vực, hành lang bảo vệ nguồn nước, phạm vi bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo đúng quy định.   

Sở đã tập trung kiểm tra các đơn vị, cá nhân khai thác, sử dụng nước. Đến nay, đã cấp phép cho các đơn vị khai thác nước từ hồ Bàu Tró, Phú Vinh, Vực Nồi, Bàu Sen, Sông Thai và đập Đá Mài. Yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước và thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau phê duyệt, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước (hiện tại100% hồ đập chưa được cắm mốc). Xác định và công bố phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước, theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng.

Nhìn chung, công tác quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước các hồ đập thời gian qua đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên do thiếu kinh phí để điều tra, đánh giá chất lượng, lập quy hoạch chi tiết và tổ chức cắm mốc hành lang bảo vệ, khu vực bảo hộ vệ sinh, nên việc tổ chức quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước còn khó khăn. Ở đâu đó tình trạng sản xuất gây ô nhiễm trong lưu vực vẫn còn, chưa được giải quyết. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới tỉnh cần đầu tư nguồn lực để hoàn thành sớm công tác điều tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch, cắm mốc hành lang bảo vệ, khu vực bảo hộ vệ sinh, trước hết là các hồ đập có cấp nước sinh hoạt...

Về nguy cơ gây ô nhiễm đối với hồ chứa nước sinh hoạt Vực Sanh khi cơ sở chế biến gỗ của Công ty cổ phần Lâm nghiệp Thuận Đức xây dựng và đi vào hoạt động được trả lời là: Ngày 12-10-2016, Sở có buổi làm việc với UBND huyện Bố Trạch, chính quyền địa phương hai xã Sơn Lộc, Hạ Trạch và Công ty cổ phần Lâm nghiệp Thuận Đức. Trên cơ sở nội dung buổi làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:

Theo dự án đầu tư, cơ sở chế biến gỗ chỉ thực hiện cưa xẻ ván gỗ và sản xuất dăm gỗ, không có hoạt động ngâm tẩm và chế biến gỗ nên không phát sinh nước thải và hóa chất. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của dự án, nước mưa chảy tràn có thể xâm nhập vào khu vực chứa gỗ và dăm gỗ hòa tan nhựa gỗ có nguy cơ gây ảnh hưởng cho môi trường tiếp nhận.

Nhiều công trình giao thông hư hỏng do lũ lụt cần đầu tư sửa chữa.
Nhiều công trình giao thông hư hỏng do lũ lụt cần đầu tư sửa chữa.

Để khắc phục vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu công ty đầu tư thêm hạng mục xây dựng mái che tại khu vực chứa gỗ nguyên liệu và dăm gỗ, bảo đảm không để nước mưa xâm nhập; thu gom xử lý nước thải phát sinh bảo đảm đạt quy chuẩn về môi trường trước khi thải ra môi trường; dẫn dòng nước mưa và nước thải sau xử lý chuyển sang lưu vực khác ít nhạy cảm về môi trường, không đổ thải vào lưu vực nước chảy về hồ Vực Sanh. Đồng thời, yêu cầu công ty điều chỉnh lại bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án cho phù hợp để trình UBND huyện Bố Trạch xác nhận lại. Công ty đã cam kết thực hiện nghiêm túc.

Về tình hình quản lý việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản còn nhiều tồn tại, bất cập được trả lời rằng:

Thời gian qua, công tác phục hồi, cải tạo môi trường sau khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp được cấp phép khoáng sản chưa thực hiện nghiêm túc; quá trình kiểm tra, giám sát của Sở Tài nguyên – Môi trường, chính quyền địa phương còn hạn chế, dẫn đến một số khu vực sau khai thác chưa được cải tạo, phục hồi môi trường kịp thời như cử tri, đại biểu HĐND đã phản ánh là đúng.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng các doanh nghiệp thiếu nghiêm túc trong việc cải tạo, phục hồi môi trường như đã nêu ở trên, trong thời gian tới Sở chỉ đạo thực hiện các giải pháp như sau: Trước hết, cơ quan tham mưu phê duyệt đề án cải tạo phục hồi môi trường (cấp huyện, sở) phải tính đúng, tính đủ kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường; các doanh nghiệp trước khi được cấp phép phải nộp đủ khoản tiền này, đồng thời có cam kết thực hiện nghiêm túc việc cải tạo phục hồi môi trường;

Trong năm 2017, Sở sẽ tổ chức kiểm tra trên diện rộng và yêu cầu các đơn vị hoàn thành việc cải tạo phục hồi môi trường; đề xuất trích kinh phí phục hồi môi trường để phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý dứt điểm các khu vực đã đóng cửa mỏ nhưng chưa thực hiện.

Cử tri xã Xuân Trạch đề nghị giao 1.100 ha do Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình quản lý sử dụng cho địa phương để giao cho hộ gia đình quản lý, phát triển sản xuất được trả lời rằng:

Để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân trên địa bàn xã Xuân Trạch, thời gian qua Sở đã tích cực phối hợp với UBND huyện Bố Trạch, UBND xã Xuân Trạch và Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình rà soát, trình UBND tỉnh quyết định thu hồi với tổng diện tích 1.015 ha của Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình giao UBND xã Xuân Trạch quản lý.

Đến nay, UBND xã Xuân Trạch, UBND huyện đã xây dựng phương án và giao đất cho 83 hộ gia đình, cá nhân và 3 cộng đồng dân cư thôn 8, 9, 10 với tổng diện tích 728 ha/1.015 ha (trong đó hộ gia đình, cá nhân 281 ha, 3 cộng đồng dân cư 447 ha). Diện tích còn lại 287 ha chưa giao được cho dân, nguyên nhân chủ yếu là do một số hộ dân khiếu nại, không thống nhất với phương án giao đất của xã, đòi giao theo diện tích trước đây đã thực hiện Dự án 327 và tiếp tục tổ chức lấn chiếm đất của Lâm trường.

Thực hiện chủ trương sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất. Theo phương án sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt thì trên địa bàn xã Xuân Trạch Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình tiếp tục quản lý, sử dụng 9.819 ha, trong đó có 1.949 ha đất rừng phòng hộ, 6.754 ha đất rừng tự nhiên sản xuất, 163 ha đất rừng tự nhiên khoanh nuôi phục hồi, 592 ha đất có rừng trồng sản xuất và 360 ha đất quy hoạch trồng rừng. Đồng thời, thu hồi giao về địa phương 38 ha.

Như vậy, theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt thì phần lớn diện tích Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình quản lý, sử dụng trên địa bàn xã Xuân Trạch là đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên, khoanh nuôi phục hồi, đất có rừng trồng của công ty, không thể giao được cho người dân theo quy định của Luật Đất đai 2013; quỹ đất quy hoạch trồng rừng có thể giao cho dân còn rất ít (360 ha) nằm xen kẽ, hiện nay công ty đang triển khai trồng rừng. Do đó, việc cử tri xã Xuân Trạch đề nghị thu hồi 1.100 ha của Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình để giao cho dân là không có cơ sở.

Mặt khác, theo phương án sắp xếp đổi mới đã được tỉnh phê duyệt thì Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình là công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích nên việc thu hồi đất theo kiến nghị của cử tri sẽ làm phá vỡ mục tiêu sắp xếp đổi mới của đơn vị.

Để giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri, đề nghị UBND huyện Bố Trạch, UBND xã Xuân Trạch tiếp tục tuyên truyền, vận động và tổ chức giao cho dân hết phần diện tích còn lại (287 ha) đã thu hồi giao về địa phương; rà soát quỹ đất do UBND xã quản lý để quy hoạch vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp giải quyết nhu cầu cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Về phía Sở, sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện, UBND xã và công ty rà soát thu hồi thêm 38 ha theo phương án sử dụng đất dự kiến thu hồi giao về địa phương.

* Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản những nội dung có liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải như sau:

Về việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, quản lý, bảo trì đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh, được trả lời là: Theo phân cấp, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Bình do Cục Quản lý Đường bộ II là cơ quan quản lý khu vực của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì.

Việc sửa chữa thường xuyên và định kỳ các hư hỏng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Quản lý Đường bộ II tổ chức thực hiện.

Đối với các đoạn tuyến thường xuyên bị ngập lụt nặng trong mùa mưa lũ hàng năm, gây ách tắc giao thông nhiều ngày, Sở GTVT đã phối hợp với Cục Quản lý Đường bộ II nhiều lần báo cáo Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị nâng cấp chống ngập lụt đoạn đường này nhưng do chưa có nguồn vốn nên chưa được chấp thuận.

Cử tri nhiều địa phương đề nghị tỉnh đầu tư khắc phục các công trình giao thông bị thiệt hại sau lũ, được trả lời rằng: Vấn đề đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT luôn được các cử tri đặc biệt quan tâm trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại các kỳ họp HĐND; các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đều rất thỏa đáng, việc đầu tư xây dựng các công trình nêu trên để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện đi lại cho nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của cử tri là hết sức cần thiết.

Trong thời gian qua, với quan điểm kết cấu hạ tầng GTVT cần được đầu tư đi trước một bước để tạo tiền đề cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế và được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hàng năm cũng như hỗ trợ các chương trình, dự án sử dụng các nguồn vốn ODA... nên công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT của tỉnh đã đạt được những kết quả rất khả quan, nhiều công trình giao thông quan trọng, cấp thiết được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh.

Tuy nhiên, với nhu cầu đầu tư là rất lớn trong khi Quảng Bình là tỉnh nghèo, ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn, hàng năm phải bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương nên việc huy động nguồn vốn cho đầu tư chưa thể đáp ứng được nhu cầu quá lớn hiện nay. Sở GTVT mong nhận được sự chia sẻ của cử tri về những khó khăn hiện nay của ngành GTVT cũng như khó khăn chung của tỉnh...

Tr.T (lược ghi)

(Còn nữa)