.

Tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới

Thứ Tư, 03/08/2016, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 29-7-2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 1187/UBND-XDCB về việc tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.

Để tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông đường thủy, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông và các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên sông và vùng nước đường thuỷ nội địa khu vực ven biển, UBND tỉnh yêu Sở Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, chú trọng hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, quy chuẩn kỹ thuật kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông đường thủy; đồng thời, tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải đường thuỷ, hoàn thành trong năm 2017.

Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai công tác đăng ký, quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện; đào tạo, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; quản lý hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thuỷ theo quy định; đổi mới mô hình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; chỉ đạo tổng kiểm tra các cầu, đường dây tải điện, đường ống vượt sông; có giải pháp khắc phục đối với những công trình không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật tuyến đường thủy nội địa.

UBND tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm các phương tiện khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông. Ảnh: A.T
UBND tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm các phương tiện khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông. Ảnh: A.T

Mặt khác, phối hợp với các lực lượng chức năng của ngành Công an thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; trong đó tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng; nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh, cứu đắm cho hành khách theo quy định; phối hợp với các địa phương đình chỉ hoạt động các cảng, bến thủy nội địa, công trình trên sông không phép, không đủ điều kiện an toàn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa.

Tổ chức điều tiết, bảo đảm giao thông tại các khu vực có mật độ giao thông cao, luồng lạch khan cạn, nơi thi công các công trình có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa; kiểm tra hệ thống báo hiệu đường thủy, kịp thời bổ sung, thay thế những phao tiêu, báo hiệu bị mất, hỏng, khi thay đổi luồng chạy tàu...; phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa; tổ chức thẩm định chặt chẽ đối với các dự án khai thác cát, sỏi, nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm theo quy định trước khi cấp phép.

Kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa, nhất là các phương tiện chở khách, tàu thuyền du lịch, nhà hàng nổi, tàu hoạt động từ bờ ra đảo, giữa các đảo, các phương tiện khai thác cát, sạn trên sông; tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm; phối hợp với UBND các cấp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động chủ phương tiện chấp hành quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; phát hiện và khắc phục dứt điểm các “điểm đen” tai nạn giao thông đường thủy; điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng; hỗ trợ và kịp thời ứng cứu khi phương tiện thủy gặp nạn trong các trường hợp cần thiết; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát, sỏi, khoáng sản trái quy định, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến luồng chạy tàu, đê phòng hộ, các công trình cầu vượt sông; vận động các tổ chức, cá nhân trang bị đủ cặp phao, áo phao, dụng cụ nổi cho học sinh thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy; đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá đạo đức của học sinh.

Cùng với đó, chính quyền địa phương các cấp cần phối hợp với Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông, các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn; Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý.

T.S