.

Vai trò của cải cách thủ tục hành chính trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Năm, 24/12/2015, 18:34 [GMT+7]
(QBĐT) - Thủ tục hành chính là một trong những biện pháp, công cụ chủ yếu của bộ máy nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý xã hội và cung cấp dịch vụ công cho các cá nhân, tổ chức trong toàn xã hội.
 
Do đặc tính quyền lực vốn có của nhà nước nên chính từ các thủ tục hành chính thường dễ bị nảy sinh những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, tham nhũng. Để phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tại Công ước năm 2003 của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng cũng như Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó một số biện pháp được chú trọng như: Công khai, minh bạch, thúc đẩy sự tham gia của xã hội, thực hiện nguyên tắc nhà nước pháp quyền, tính trách nhiệm và quản lý đúng đắn công vụ...
 
Thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP của Chính phủ thời gian qua, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần tích cực trong phòng, chống tệ tham nhũng, cửa quyền, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; hướng đến xây dựng một nền hành chính phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy chính quyền; tạo môi trường thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nổi bật là những kết quả hoạt động sau:
 
Các cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đã thực hiện việc đánh giá tác động đối với các dự thảo văn bản có quy định về thủ tục hành chính, nhằm bảo đảm chỉ trình UBND tỉnh ban hành các thủ tục hành chính thực sự cần thiết, bảo đảm tính hợp lý và tính hợp pháp, không để xảy ra các sơ hở về mặt pháp lý làm nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu. Thông qua việc tự đánh giá tác động đối với thủ tục hành chính, nhiều quy định về thủ tục hành chính đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc dừng ban hành so với dự kiến ban đầu.
 
Việc công bố và tổ chức công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tất cả các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Đây là hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm tính minh bạch của các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền.
 
Bằng việc công bố, công khai đầy đủ, chính xác, có hệ thống các thông tin về thủ tục hành chính, người dân, tổ chức và doanh nghiệp cũng như chính các cán bộ, công chức, viên chức đã dễ dàng tra cứu, tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, đây cũng là hoạt động góp phần tích cực trong những nỗ lực thúc đẩy, gia tăng sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
 
Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính được UBND tỉnh công bố và đang có hiệu lực thi hành là 1.645 thủ tục, trong đó áp dụng tại cấp tỉnh 1.269 thủ tục; cấp huyện 230 thủ tục và cấp xã 146 thủ tục. Các thủ tục hành chính được tổ chức công khai đồng thời bằng nhiều hình thức phù hợp, như trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; Website tỉnh và Trang thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương; niêm yết công khai tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ theo hai hình thức bắt buộc là Bảng niêm yết và hình thức đóng thành Sổ hướng dẫn...
 
Trách nhiệm giải trình đối với các hoạt động công vụ của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cũng không ngừng được cải thiện, nhận được sự ủng hộ của người dân. Không chỉ dừng lại ở việc phải giải trình khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu, mà còn được thể hiện ngay trong từng khâu của quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính, như: Viết giấy biên nhận và hẹn ngày trả kết quả giải quyết; thực hiện việc thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do trong các trường hợp hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hoặc từ chối giải quyết do hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ hoặc giải trình và xin gia hạn đối với hồ sơ giải quyết chậm trễ...
 
Việc làm này thể hiện trách nhiệm và sự cam kết của cơ quan hành chính nhà nước trong việc hướng dẫn, giải trình và phục vụ người dân thực hiện thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật, góp phần xây dựng một nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, được quản lý chặt chẽ. Thông qua đó sẽ kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng thực hiện.
 
Các cấp chính quyền luôn quan tâm tạo điều kiện phát huy vai trò của người dân trong việc góp ý, hiến kế và giám sát việc ban hành quy định hành chính và việc thực hiện quy định hành chính. Việc niêm yết công khai nội dung hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện phản ánh, kiến nghị và địa chỉ cơ quan đã được triển khai đồng thời, rộng khắp cùng với việc công khai thủ tục hành chính.
 
Thông qua việc thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đã dễ dàng tham gia đồng hành với UBND tỉnh và cao hơn là Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cùng quản lý, giám sát việc ban hành quy định hành chính và việc thực hiện quy định hành chính.
 
Song song với việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, UBND tỉnh cũng đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hoạt động rà soát thủ tục hành chính nhằm kịp thời phát hiện các quy định hành chính đang còn vướng mắc, bất cập, không phù hợp; kiến nghị các phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải tiến thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, giảm thiểu thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
 
Mục tiêu năm 2016, UBND tỉnh đã đề ra cho mỗi sở, ban, ngành, UBND cấp huyện ít nhất phải có một đề xuất sáng kiến cải tiến thủ tục hành chính trình UBND tỉnh thông qua để kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền. Trong đó, chú trọng việc áp dụng cơ chế một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
 
Mặc dù hoạt động cải cách thủ tục hành chính có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng; tuy nhiên trong những năm qua, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách tham mưu chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng và cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính mới chỉ dừng lại ở việc phối hợp trao đổi thông tin, báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động cải cách thủ tục hành chính. 
 
Để hoạt động cải cách thủ tục hành chính thực sự là một công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng, giúp các cơ quan hành chính nhà nước các cấp thực hiện chức năng quản lý trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể, trong thời gian tới cần tăng cường sự gắn kết, phối hợp giữa các hoạt động phòng, chống tham nhũng với các nhiệm vụ thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở tầm vĩ mô cũng như tại mỗi cơ quan hành chính nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực.
 
Quốc Oai