.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa

Thứ Sáu, 03/10/2014, 14:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Vì sự sống của con người, vì tài sản của Nhà nước và nhân dân, vì môi sinh, môi trường, các lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Quảng Bình không ngừng nâng cao cảnh giác, tích cực rèn luyện vững vàng về kỹ năng chiến đấu, sẵn sàng ra quân giành thắng lợi khi có tình huống cháy nổ xảy ra, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và tỉnh nhà.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh diễn tập phương án PCCC.  Ảnh: VIỆT HÙNG
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh diễn tập phương án PCCC. Ảnh: Việt Hùng

Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hàng năm nắng nóng kéo dài; quá trình đô thị hóa và kinh tế phát triển, nên địa bàn Quảng Bình luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Những năm gần đây, tình hình cháy có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn thiệt hại. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 44 vụ cháy, làm bị thương 2 người, gây thiệt hại về tài sản trên 1,7 tỷ  đồng và 121 ha rừng. Trong đó có những vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản như: Vụ cháy kho chứa vật liệu tại nhà máy nước sạch ở khu kinh tế Hòn La; vụ cháy xưởng gỗ của ông Nguyễn Ngọc Phương ở xã Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) vụ cháy nhà dân ở số nhà 32- đường Lý Thường Kiệt (TP. Đồng Hới)...

Nguyên nhân chính là do công tác quản lý, đôn đốc, kiểm tra của người đứng đầu ở một số cơ sở chưa tốt; đội ngũ nòng cốt làm công tác PCCC ở cơ sở chưa mạnh; trang thiết bị PCCC chưa được đầu tư đúng mức; ý thức về PCCC của một bộ phận cán bộ và nhân đân chưa cao, còn chủ quan...

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC, năm 2014, lực lượng Cảnh sát PCCC-Công an Quảng Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh và lãnh đạo Công an tỉnh ban hành 23 văn bản chỉ đạo, kiểm tra công tác PCCC; đồng thời trực tiếp xây dựng 83 công văn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương về tăng cường công tác PCCC. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, các cấp, các ngành, các đoàn thể tăng cường công tác giáo dục, phổ biến kiến thức về PCCC, các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, với gần 50 cuộc cho hàng ngàn lượt người.

Từ đó, các cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp... đã thể chế hóa nhiệm vụ công tác PCCC thành nội quy, quy chế cụ thể, gắn trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong từng thôn xóm, tổ dân phố, phòng ban, phân xưởng... Vì vậy, ý thức trách nhiệm về công tác PCCC của các tầng lớp nhân dân được nâng lên.

Quán triệt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong công tác PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tiến hành nhiều biện pháp huy động sức mạnh tổng hợp trong mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức chính trị xã hội tham gia công tác PCCC. Chú trọng đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân PCCC đến từng tổ dân phố, từng hộ gia đình ở khu vực thành phố, thị trấn, nơi tập trung đông người có nguy cơ cháy nổ cao; gắn nội dung công tác PCCC vào chương trình xây dựng cơ quan, đơn vị, xã, phường an toàn; tổ chức ký cam kết không vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, pháo nổ và không để cháy nổ xảy ra ở các cơ quan, doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại và hộ gia đình. Mặt khác, tổ chức 98 cuộc huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các cơ sở, với 6215 người tham gia, nhằm trang bị kiến thức về PCCC cho lực lượng nòng cốt ở cơ sở để chủ động phòng ngừa và chữa cháy có hiệu quả khi vụ việc xảy ra.

Công tác hướng dẫn và kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên được chú trọng. Lực lượng Cảnh sát PCCC tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra 20 cơ sở trọng điểm trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức kiểm tra 6 chuyên đề về PCCC chợ, khu công nghiệp, nhà chung cư và nhà cao tầng, chiết nạp và kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, kinh doanh và bảo quản xăng dầu, nhà máy điện và trạm biến áp; tiến hành kiểm tra 1.825 lượt cơ sở. Qua kiểm tra đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực PCCC đối với 21 trường hợp, đồng thời kiến nghị, hướng dẫn cơ sở khắc phục trên 2.000 thiếu sót bảo đảm an toàn PCCC; thẩm duyệt về PCCC đối với 36 công trình xây dựng; tổ chức học tập và phối hợp thực tập 26 phương án chữa cháy đạt yêu cầu đề ra.

Bước vào giai đoạn mới, tình hình kinh tế đất nước và tỉnh nhà tiếp tục phát triển, nguy cơ cháy do điện, hóa chất, xăng dầu và những hành vi thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của con người ngày càng tăng, do đó nhiệm vụ của lực lượng PCCC ngày càng nặng nề hơn.

Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác PCCC; làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật, ý thức trách nhiệm cho cán bộ và nhân dân, làm cho công tác PCCC thực sự là phong trào của toàn dân. Các lực lượng PCCC phải không ngừng nâng cao cảnh giác, rèn luyện vững vàng về kỹ năng sẵn sàng chiến đấu, chủ động giải quyết có hiệu quả khi có cháy nổ xảy ra, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của quê hương, đất nước, vì môi trường và sự bình yên hạnh phúc của nhân dân.                           

Đại tá Trần Minh Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình