.

Một ngày với học sinh Vân Kiều

Thứ Tư, 01/10/2014, 15:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Hẹn với các thầy các cô tại Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy lên thăm. Ở lại với trường một ngày thôi… chỉ cần một ngày để thấu hiểu chuyện “gieo chữ” gian nan biết chừng nào giữa đại ngàn Trường Sơn, vùng đất một thời ghi dấu những chiến công trong kháng chiến chống Mỹ.

Sáng...

Trong khuôn viên Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy có một tấm bia ghi công kể về vùng đất này. Những năm kháng chiến chống Mỹ, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn chọn Làng Ho, xã Kim Thủy làm điểm tập trung vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm để gùi thồ vượt đỉnh đèo 1001 và Khe Hó, chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ quy mô nhỏ, dần dần Làng Ho trở thành điểm trung chuyển hàng hóa lớn của Binh trạm 27, Đoàn 559.

Ở Làng Ho qua nước bạn Lào chưa đầy 10km, vào Quảng Trị chừng 20km. Làng Ho - tháng 10 năm 1959 được chọn đặt chỉ huy sở tiền phương của Đoàn 559, điểm đầu đường gùi thồ chi viện cho chiến trường Trị Thiên và khu 5 từ năm 1959-1962. Năm 1966, 1967, bộ đội, TNXP mở các trục đường cơ giới Thạch Bàn - Làng Ho, Làng Ho - Khe Sanh; Làng Ho - Bản Đông (Lào) để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân 1968. Làng Ho - nơi tập kết lực lượng, lương thực, vũ khí, đạn dược chuẩn bị cho chiến dịch đường 9 - Nam Lào 1971.

Một lớp học của các em học sinh Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy
Một lớp học của các em học sinh Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy

Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy năm học 2014-2015 có 186 học sinh, trong đó lớp một 23 em, lớp hai 25 em, lớp ba 22 em, lớp bốn 22 em, lớp năm 20 em, lớp sáu 27 em, lớp bảy 18 em, lớp tám 18 em và lớp chín 11 học sinh. Ngoài điểm trường chính ở bản Trung Đoàn còn có điểm trường lẻ tại bản Mít cách chừng 5km.

Sáng, hơi núi còn lẩn khuất trên những sườn đồi, bọn trẻ Vân Kiều được bố mẹ đánh thức. Khoảng 6 giờ sáng, ở những bản xa như Rum, Mít, trẻ đã í ới gọi nhau đi học.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, học sinh tốp năm, tốp ba. Lạ! Đi học chẳng thấy cặp sách đâu, chỉ thấy các em xách theo chiếc ăng-gô nhỏ đựng cơm, phần lớn học trò gói cơm trong những bao ni-lon. Ở ngôi trường này, chuyện có áo đồng phục như dưới xuôi đang là ước mơ cháy khát của thầy và trò, nhưng khó lòng trở thành hiện thực. Học sinh đi học đầu trần, áo quần đủ thứ, đủ mùa và nhiều em chân đất. Đường đến trường chông chênh, nhất là khi mùa mưa lũ sắp cận kề. Sáng nhất, ấm áp nhất, hạnh phúc nhất... chúng tôi thấy từ những đứa trẻ Vân Kiều là nụ cười, trong vắt, hồn nhiên, rạng rỡ.

Mười phút trước khi vào lớp, thầy cô bắt đầu điểm danh. Chưa có lúc nào sĩ số các lớp đông đủ ngay đầu buổi học. Học trò Vân Kiều ham chơi, học cái chữ như chuyện theo bố mẹ đi rừng, lên rẫy. Buổi sáng còn ngái ngủ, quên mất chuyện đến trường. Điểm danh xong, thầy cô lại dắt xe máy, dáng tất tưởi, gấp gáp đi tìm, chở học sinh về.

Trưa...

Ngày cuối tháng chín, Trường Sơn mưa nắng thất thường. Mưa rừng dội xuống rồi dừng đột ngột, nắng quái vắt lưng sườn núi.

Sau giờ học buổi sáng, buổi trưa phần lớn học sinh đều ở lại trường. Chưa hình thành mô hình bán trú, không có bếp ăn cho trẻ nên cơm trưa học trò mang theo từ sáng. Tiếng trống vừa tan, bọn trẻ tụm năm, tụm ba cùng nhau tìm nơi ăn cơm, dưới gốc cây, nơi hành lang lớp học, góc lớp...

Cơm đựng trong ăng-gô, gói trong túi ni-lon. Chúng tôi tận mắt thấy “bữa cơm” trưa của các em. Thú thật gọi bữa cơm cho oai vậy thôi chứ đơn giản lắm, chỉ có cơm trắng và muối ớt giã nhuyễn (các em gọi là boi). Mấy đứa trẻ khác phần cơm sang hơn, thêm vài con cá khe long tong kho mặn. Thương bạn, chúng chia đều. Một số em sáng dạ, mạnh dạn hơn xuống bếp thầy cô xin thêm canh, thức ăn. Cách ăn cơm cũng khác, chỉ mấy đứa có thìa, còn lại dùng tay bốc.

Cô bé Hồ Thị Ngoan, nhà ở bản Mít, học sinh lớp 9 cho biết: “Sáng em dậy lúc 5 giờ, đợi mẹ nấu cơm cho vào ăng-gô rồi xách đến trường, buổi trưa có cái mà ăn, no cái bụng chiều còn học tiếp”. Bữa cơm trưa của những đứa trẻ Vân Kiều diễn ra chóng vánh, chưa đầy mười phút.

Sau khi ăn xong, chúng kéo nhau xuống suối súc miệng, rửa mặt, tiện thể lộn ngược bao ni - lon đựng cơm lại, rửa qua loa rồi xếp gọn cho vào túi quần đưa về. Hỏi để làm gì? Chúng đồng thanh: “Ơ! Mai có cái mang cơm đến lớp”. Buổi trưa, bọn trẻ bày ô quan, nhảy dây giữa hành lang lớp học ngồi đánh, nhảy dây. Nhiều em tranh thủ ngồi ngủ ngon lành ngay trong lớp.

Nhóm thiện nguyện “Vì ta cần nhau” trao áo ấm cho các em học sinh Vân Kiều
Nhóm thiện nguyện “Vì ta cần nhau” trao áo ấm cho các em học sinh Vân Kiều

Thầy giáo Nguyễn Xuân Sửu, Hiệu trưởng Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy tâm sự: “Mặc dù trường được xây dựng kiên cố, khang trang nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu thốn trăm bề. Đến thăm trường, cùng sống, chia sẻ với thầy và trò của nhà trường mới thấy sự vất vả trong hành trình gieo chữ nơi xã vùng biên Kim Thủy với 100% là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Không điện lưới quốc gia, không nước sạch, không sóng điện thoại. Ai cũng bảo giáo viên lên đây chế độ đãi ngộ cao, nhưng gắn bó với đồng bào, với học sinh Vân Kiều nhiều năm liền thì được mấy người nếu không có tâm”.

Thầy giáo Đỗ Đức Thuần bảo rằng: “Học sinh ở đây không mang sách vở về nhà vì nhà chưa có điện. Gia đình các em thuộc diện đặc biệt khó khăn, thiếu tiền mua dầu hỏa thắp nên buổi tối các em không học bài. Ngày ở trường, ở lớp, thầy cô dạy được gì thì trẻ biết đó. Chuyện học của trẻ em Vân Kiều bố mẹ chúng giao tất cả cho cô thầy”.
 
Chiều...

Trống trường điểm giờ tan học. Những đứa trẻ Vân Kiều đầu trần, áo quần đủ sắc màu, đủ bốn mùa, không cặp sách ùa ra sân. Chúng tôi đếm... vài em mang dép, nhiều em chân đất dẫm tung tóe lên những vũng nước đọng mưa còn sót lại nơi sân trường. “Nếu đây là mùa đông thì những bàn chân nhỏ kia chắc sẽ lạnh lắm”- tiếng thầy Đỗ Đức Thuần nghe chạnh lòng.

Chiều biên giới xuống nhanh. Làng Ho chuyển dần qua tối khi mặt trời khuất xuống sau dãy núi phía tây Trường Sơn. Ngày mai cuộc sống vẫn tiếp tục lặp lại nơi vùng đất này, học sinh chân trần, tay cầm nắm cơm đựng trong ăng-gô, trong túi ni-lon, áo quần bốn mùa... đến lớp. Và những người thầy của Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy tiếp tục ước mơ có một sự đổi thay.

Ngô Thanh Long

186 bộ áo quần ấm, khăn ấm, mũ ấm, khăn quàng đỏ và mũ ca-lô... được nhóm thiện nguyện “Vì ta cần nhau” đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đồng Hới trao tận tay cho các em học sinh Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy,  giúp các em học sinh Vân Kiều đủ ấm khi mùa đông đến. “Với đặc thù của trường, chúng tôi cần lắm những tấm lòng thiện nguyện đến chia sẻ, giúp đỡ học sinh của trường” - thầy giáo Nguyễn Xuân Sửu tâm sự.