Vì mục tiêu chiến thắng đói nghèo

Cập nhật lúc 09:27, Thứ Hai, 12/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội Phụ nữ Quảng Trạch đã tích cực giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Phong trào đã thu hút đông đảo chị em tham gia và mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Khi  phong trào đi vào cuộc sống

Những phong trào thi đua được Hội Phụ nữ phát động như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Giúp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ”... đã khơi dậy truyền thống tương thân tương ái, vận động phụ nữ phát huy sức sáng tạo, cần cù, đoàn kết và tương trợ nhau vượt khó đi lên.

Với quyết tâm và phương châm phát huy nội lực, “Người có giúp người khó, người khó ít giúp người khó nhiều, ai có gì giúp nấy”, các phong trào thi đua giúp nhau xóa đói giảm nghèo đã phát triển sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ Quảng Trạch. Từ giúp nhau cây, con giống, thóc giống, ngày công lao động đến đồng vốn cho vay không lãi, trong những năm qua, toàn huyện đã có 5.450 hội viên nhận giúp đỡ 2.947 chị với trị giá trên 2,7 tỷ đồng. Chị Hoàng Thị Thanh ở Tân An, xã Quảng Thanh làm nghề tráng bánh đa thủ công được hỗ trợ về vốn nên chị mở thêm lò tráng để tăng số lượng. Chị Thanh phấn khởi: “Tuy chưa giàu nhưng cuộc sống gia đình đã cải thiện rõ rệt nhờ đồng vốn nghĩa tình của chị em trong hội...”.

Cùng với phong trào thi đua lao động sản xuất vượt qua đói nghèo, phụ nữ còn thi đua tiết kiệm. Với mô hình tổ - nhóm phụ nữ tiết kiệm, hàng nghìn phụ nữ đã tham gia tiết kiệm thường xuyên, liên tục. Số tiền gom góp của chị em đã tạo nên nguồn tiết kiệm chiếm 10% tổng số vốn do các cấp Hội quản lý, vừa tạo được nguồn vốn tự có cho bản thân chị em, vừa là nguồn vốn quan trọng giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tình trạng vay nặng lãi. Hiện nay, toàn Hội có số tiền tiết kiệm 7,18 tỷ đồng với trên 1.000 nhóm hùn vốn và 206 triệu đồng tiền tiết kiệm “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” cho 206 lượt chị mượn vốn xoay vòng để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, với phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, toàn huyện đã có 3.391 hộ/4.542 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ được các cấp Hội giúp đỡ vốn và hướng dẫn cách làm ăn. Riêng từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã giúp thoát nghèo 93 hộ và nhiều hộ vươn lên khá, giàu.

Làm nón lá- một trong những nghề truyền thống  của phụ nữ Quảng Trạch.
Làm nón lá- một trong những nghề truyền thống của phụ nữ Quảng Trạch.

Không chỉ thi đua xóa đói giảm nghèo, phụ nữ còn tích cực vươn lên làm kinh tế giỏi, làm giàu chính đáng. Với ý chí nghị lực vươn lên, với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, nhiều chị đã trở thành chủ các doanh nghiệp thành đạt, giải quyết việc làm và bảo đảm thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo ra của cải cho xã hội, tích cực đóng góp xây dựng cộng đồng, tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo.

Đến quyết tâm "không cam chịu đói nghèo"

Cái nắng, cái gió và những vất vả đã làm cho nước da chị sạm đen lại, nhưng khi gặp chúng tôi, chủ trang trại tổng hợp- chị Nguyễn Thị Tiến, ở thôn 7, xã Quảng Phong vẫn nở nụ cười mãn nguyện, nụ cười của sự chiến thắng cái đói, cái nghèo. Từng sinh sống tại trung tâm xã Quảng Phong, tuy nhiên do đất canh tác hạn hẹp nên mặc dù cần cù, chịu khó nhưng nguồn thu nhập của gia đình chị vẫn không đủ chi phí.

Theo chủ trương dồn điền đổi thửa của xã, gia đình chị thuê lại diện tích đất nông nghiệp một vụ năng suất thấp để cải tạo và làm trang trại. Cuối cùng, gia đình chị cũng đã biến “vùng đất xấu” thành vùng đất sản xuất có hiệu quả với một trang trại tổng hợp gần 4ha. Trong đó, chị dành 2,5ha để nuôi cá cho thu hoạch gần 3 tấn/năm và mỗi năm thu lãi trên 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, đàn vịt sinh sản có trên 1.000 con với bình quân cho 800-900 trứng/ngày; ngan thịt khoảng 500 con/lứa và ngan sinh sản có trên 100 con. Ước tính mỗi năm sau khi trừ đi mọi chi phí cho sản xuất, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Tiến lãi ròng 150 triệu đồng.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Hải Đông, trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã Quảng Phú. Thế rồi, được sự hỗ trợ của Dự án Napa, cùng với nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, chị Hà đã có gần 50 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Trong đó, chị chú trọng chăn nuôi lợn, trồng nấm và chế biến nước mắm để đưa gia đình thoát nghèo và dần ổn định cuộc sống. Đến nay, gia đình chị đã trồng thành công được nấm các loại, trong đó có nấm linh chi và cho thu lãi trên 50 triệu đồng/năm.

Ngoài nghề trồng nấm, chị Hà còn tập trung phát triển chăn nuôi, chế biến thủy sản với 4 lứa lợn thịt/năm và thu mua và chế biến khoảng trên 4 tấn cá tươi. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình chị từ các mô hình sản xuất đạt trên 120 triệu đồng/năm.

Đáng kể, chị Phạm Thị Len, ở thôn Thượng Giang, xã Cảnh Dương là một trong những tấm gương điển hình về vượt khó làm giàu. Từ khó khăn về nguồn vốn, nhân lực, chị Len đã nhận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách để đầu tư vào thành lập công ty TNHH Thắng Lợi chuyên thu mua, chế biến hàng hải sản xuất khẩu. Sau nhiều năm làm ăn, đến nay tổng doanh thu của công ty đạt trên 10 tỷ đồng/ năm. Đặc biệt, xưởng chế biến của chị đã thu hút trên 60 lao động, chủ yếu là chị em phụ nữ với mức thu nhập từ 2- 3 triệu đồng/người/tháng.

Và hiệu quả từ một chương trình

Để phong trào xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả cao, các cấp Hội tiến hành khảo sát thực tế để có kế hoạch thực hiện “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế" bằng nhiều hình thức phù hợp như: giúp vốn, kinh nghiệm, phương tiện làm ăn, hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật...Trong đó, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên về vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật là những nội dung chính được các cấp hội quan tâm. Hội đã khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ phụ nữ nghèo ở các chi hội, nhất là việc thực hiện chương trình liên tịch giữa Hội với các Ngân hàng hay từ những chương trình, dự án quốc tế.

Hiện nay, Hội đang quản lý tổng nguồn vốn hơn 234.277 triệu đồng, giúp hơn 12 nghìn hội viên vay. Trong đó vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 129.498 triệu đồng cho gần 9 nghìn thành viên vay vốn. Từ những nguồn vốn này, trong những năm qua chị em đã có thêm vốn để sản xuất, kinh doanh và vươn lên khá, giàu. Điển hình là các mô hình xoá nghèo bền vững như mô hình chế biến hải sản ở các xã Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Phúc, mô hình xây dựng thương hiệu nước mắm ở Xuân Hoà (Quảng Xuân), làm bún bánh ở Tân An (Quảng Thanh), mô hình ươm cây và trồng rừng ở xã Quảng Trường, Quảng Liên và một số mô hình làm trang trại chăn nuôi ở các xã vùng nam bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hội còn hỗ trợ về mặt kiến thức, đào tạo nghề như phối hợp tổ chức tập huấn KHKT trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, mở lớp dạy nghề mây tre đan xuất khẩu; thêu dệt thổ cẩm, làm nón lá... cho 5.640 hội viên nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng các loại nghề đa dạng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn cho chị em. Đến nay, toàn huyện Quảng Trạch đã có 573 hộ phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi có mức thu nhập ổn định từ 50 triệu đồng trở lên, góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ đói nghèo của huyện từ 26,5% (năm 2010) giảm xuống còn dưới 20% (năm 2012).

Theo chị Trần Thị Hường, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quảng Trạch cho biết: “Với mục tiêu trong giai đoạn mới là phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo bình quân mỗi năm từ 3-4% tỷ lệ hộ nghèo còn lại, đến cuối năm 2015 khoảng 10-12%, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình” với nhiều hình thức phong phú hơn bởi đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng, không chỉ vì mục tiêu chung là vươn lên chiến thắng đói nghèo, ổn định cuộc sống, mà qua đó còn tạo thêm tình nghĩa, gắn bó và đoàn kết”.

                                                                                  N. L


 

,
.
.
.