Xây dựng nông thôn mới:

Tiêu chí hộ nghèo: Những điểm nhìn từ thực tiễn - Kỳ 1: Muôn mặt hộ nghèo

Cập nhật lúc 06:23, Thứ Sáu, 09/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh, tính đến 31-10, toàn tỉnh mới chỉ có 13 xã hoàn thành tiêu chí 11 về tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%. Trong đó, 6/6 xã thuộc TP.Đồng Hới, 5/30 xã, thị trấn của huyện Bố Trạch và 2/28 xã, thị trấn huyện Lệ Thủy. Cả 4 huyện còn lại là Quảng Ninh, Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa đều chưa có một xã nào hoàn thành tiêu chí trên.

Có một thực tế là hầu hết các xã (dù là xã điểm hay không điểm trong chương trình XDNTM của các huyện) đều đưa tiêu chí giải quyết tỷ lệ hộ nghèo vào giai đoạn sau cuối của lộ trình. Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh, thực trạng trên là bởi mặt bằng xuất phát điểm của nhiều xã trong tỉnh ta còn khá thấp, do đó, cần một khoảng thời gian rất dài để hoàn thiện những tiêu chí cơ bản.

Thêm vào đó, tỷ lệ hộ nghèo cao còn do nhiều nguyên nhân khác như: thiên tai, lụt bão thường xuyên xảy ra; ý thức người dân trong việc đẩy mạnh xây dựng nền sản xuất hàng hóa còn hạn chế; tỷ lệ người lao động qua đào tạo còn quá thấp, rất nhiều hộ vẫn còn tư tưởng ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo...

Hộ nghèo... nhưng không thể thoát nghèo

Đó là những hộ gia đình có các đối tượng già cả, neo đơn, không nơi nương tựa, không còn khả năng lao động hoặc gặp tai nạn, bệnh tật rủi ro... và những hộ như thế này lại chiếm tỷ lệ khá cao trong danh sách hộ nghèo của các xã.

Xã Võ Ninh (Quảng Ninh) được huyện lựa chọn là 1 trong 4 xã điểm XDNTM, tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây vẫn luôn nằm ở hai con số. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo 19,8%; năm 2012, con số này giảm còn 14,9%.

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho biết, xã có nhiều thôn với tỷ lệ hộ nghèo rất cao như thôn Trúc Ly (17,5%), thôn Tiền (17,02%), thôn Trung (17,13%), trong đó, chiếm phần nhiều vẫn là những hộ có các đối tượng già cả, gặp tai nạn, ốm đau, không còn khả năng lao động.

Theo ông Trương Xuân Thu, Trưởng thôn Trung (Võ Ninh, Quảng Ninh), 12/43 hộ nghèo ở thôn nằm vào những gia đình già cả, sống một mình, không con cái chăm sóc và 31/43 hộ còn lại thuộc vào các gia đình có lao động chủ lực bị tai nạn, rủi ro, bệnh tật bất ngờ hoặc bị các bệnh thần kinh không còn khả năng lao động. Do đó, để những hộ này thoát nghèo sẽ là việc “khó vô cùng khó”. Xã xác định phải đến năm 2015 xã mới hoàn thành tiêu chí 11 về hộ nghèo, cùng hai tiêu chí 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và 10 (về thu nhập).

Với những xã đông bà con dân tộc thiểu số như Lâm Thủy (Lệ Thủy), tỷ lệ hộ nghèo luôn chiếm ở mức cao.
Với những xã đông bà con dân tộc thiểu số như Lâm Thủy (Lệ Thủy), tỷ lệ hộ nghèo luôn chiếm ở mức cao.

Đối với những xã không phải là xã điểm, lộ trình cán đích tiêu chí này lại càng “sâu hun hút”. Xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) có tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 21,5% trong năm 2012. Trong đó, tỷ lệ các đối tượng già cả, độc thân, không nơi nương tựa, sống dựa vào chế độ, chính sách nhà nước chiếm từ 70 – 75%. Ông Hà Xuân Tập, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, khẳng định đây là một thách thức không hề nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như việc nâng cao đời sống người dân ở một xã nghèo như Hàm Ninh. Các giải pháp thoát nghèo dành cho các đối tượng này hầu như không thể có, họ chỉ có thể sống dựa vào sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và nhà nước cho đến khi qua đời mà thôi.

Và những hộ muốn “được” hộ nghèo!?

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2012, toàn tỉnh có 44.056 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,51%. Trong đó, ở một số huyện, con số này thường ở mức cao như: Minh Hóa (55,29% hộ nghèo), Tuyên Hóa (34,85%), Quảng Trạch (21,18%). Hiện nay, theo thường lệ, các địa phương đang tiến hành điều tra rà soát lại các hộ nghèo, hộ cận nghèo cho năm 2013. Và công việc này cũng được xem là khá gian nan. Bởi thực trạng “không muốn” thoát nghèo, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước vẫn còn khá phổ biến.

Xã Thái Thủy (Lệ Thủy) là một xã nghèo với kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng ở mức cao: 26,32% (năm 2012). Bên cạnh 70% các hộ nghèo là những đối tượng già cả, đơn thân hoặc đau ốm, tai nạn rủi ro mất sức lao động, từ 20 – 30% còn lại là hộ gia đình không có phương tiện sản xuất, thiếu việc làm. Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho bà con vay vốn, chính quyền xã phối hợp với nhiều đơn vị mở các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học – công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt...

Tuy nhiên, do nhận thức còn nhiều hạn chế, trên thực tế, một số hộ vẫn muốn “được nghèo” để thụ hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Ông Trần Đức Phong, Phó chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết, mới đây các cuộc họp bình xét hộ nghèo và cận nghèo ở 5/7 thôn đều diễn ra khá phức tạp, bởi nhiều hộ mặc dù theo thang điểm, theo thu nhập đều không thuộc diện nghèo, nhưng vẫn khăng khăng muốn “được” hộ nghèo.

Thậm chí, họ còn lôi kéo anh em, họ hàng thân thích trong “cuộc chiến” giành hộ nghèo, nếu không được lại tiếp tục kiện tụng lên xã, huyện, gây ra nhiều xáo trộn không đáng có. Tương tự như vậy là ở xã nghèo Phú Trạch (Bố Trạch), nơi tỷ lệ hộ nghèo còn 15,33%, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng sản xuất cũng chỉ cầm chừng do còn thiếu nguồn nước tưới. Cả xã không có nghề phụ để phát triển kinh tế. Ở một số thôn, một vài hộ không thuộc diện nghèo nhưng vẫn mong muốn được vào để nhận những ưu đãi từ nhà nước, tạo nhiều áp lực cho đội ngũ cán bộ thôn, xã và tạo dư luận không hay.

Ở các xã vùng đồng bằng, trung du đã vậy, thì ở những xã miền núi tình hình lại càng phức tạp hơn. Theo ý kiến, tâm sự của nhiều trưởng thôn, trưởng bản, phần việc mệt mỏi nhất trong cả năm là rà soát, bình xét hộ nghèo, bởi không người dân nào muốn mất đi quyền lợi hoặc bị người khác “cướp mất” quyền lợi của mình, dù quyền lợi đó không thuộc về họ. “Dư âm” của cuộc rà soát còn kéo dài đến tận nhiều tháng sau.

Anh Hà Công Nghệ, Trưởng thôn Trường Niên (Hàm Ninh, Quảng Ninh) đúc kết, ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo trên thực tế khá mong manh, chỉ dựa vào những thang điểm khô khan nhiều khi vẫn chưa thuyết phục được bà con. Từ mỗi trưởng thôn, trưởng bản cho đến chính quyền địa phương, và tận mỗi một người dân cần phải thấu hiểu mục đích, ý nghĩa sâu sắc của chính sách hỗ trợ hộ nghèo của nhà nước. Từ đó, để có những ứng xử đúng đắn, hợp tình hợp lý.

Ngay từ cơ sở, các trưởng thôn, trưởng bản phải là những người tuyên truyền tích cực, hiệu quả chính sách này đến mỗi hộ dân và thực sự là người “cầm cân nảy mực” công bằng. Mặt khác, theo ông Trần Văn Tuân, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội, nếu như ngày trước công tác tổ chức kiểm tra, rà soát hộ nghèo chủ yếu dựa vào kê khai thu nhập, thì nay đã mở rộng cách tính điểm về nhà ở, tài sản trong nhà, sức lao động... rất khoa học và cụ thể. Chính vì vậy, bà con yên tâm bởi việc bỏ sót hay để thừa hộ nghèo ít khi xảy ra.

Theo Quyết định số 09/2011 của Thủ tướng Chính phủ, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống.

Theo Thông tư số 21/2012 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, quy trình chỉ đạo, tổ chức điều tra rà soát hộ nghèo được thực hiện theo 5 bước: xác định, lập danh sách các hộ thuộc diện điều tra, rà soát; tổ chức điều tra thu nhập hộ gia đình; tổ chức bình xét ở thôn, bản, tổ dân cư; tổ chức thu thập đặc điểm hộ nghèo; phân loại hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách xã hội và hộ nghèo có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội.

                                                                       Mai Nhân

                            Kỳ sau: Tạo việc làm - con đường thoát nghèo duy nhất






 

,
.
.
.