Công tác dân số ở các xã miền núi: Tìm lối ra trong muôn vàn khó khăn

Cập nhật lúc 10:24, Thứ Ba, 06/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Dân cư hai xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn (Quảng Ninh) chủ yếu là người dân tộc Bru - Vân Kiều với trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế chưa phát triển, vẫn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Chính vì vậy, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở hai xã vùng cao này vẫn thường được xem như "khó bằng tìm đường lên trời".

Khó trùng khó...

Bản Khe Dây (Trường Xuân, Quảng Ninh) có 33 hộ thì đến 32 hộ là người dân tộc Bru - Vân Kiều, 31 hộ thuộc diện nghèo. Nhiều gia đình ở đây có từ 4 - 7 con, khiến cuộc sống đã vất vả lại càng vất vả hơn. Anh Hồ Vươn và chị Hồ Thị Song có tới 5 người con. Để các con đủ cơm ăn áo mặc, anh chị phải xoay xở nhiều nghề: làm ruộng, đi rừng, làm thuê... Thấy được nỗi khổ của việc đông con, lại thêm sự thuyết phục, tư vấn của cộng tác viên dân số, chị Hồ Thị Song đã quyết tâm đi đình sản, dừng lại ở 5 con để nuôi dạy con cho tốt. Trường hợp gia đình chị Hồ Thị Đà lại càng bi đát hơn.

Anh Hồ Văn Sĩ, Trưởng bản Khe Dây, cho biết đây là hộ gia đình nghèo nhất bản với 7 người con. Hầu hết những đứa trẻ đều không được đến trường, vợ chồng anh chị cũng phải chạy ăn từng bữa, làm đủ nghề kiếm sống, mà hoàn cảnh gia đình vẫn không cải thiện là bao. Và vẫn còn nhiều lắm những trường hợp đông con như chị Song, chị Đà ở bản Khe Dây nghèo khó này. Không chỉ riêng ở Khe Dây, mà ở nhiều thôn, bản khác như Khe Ngang, Rào Trù, Nà Lâm... (Trường Xuân), các gia đình đông con vẫn chiếm một số lượng rất lớn.

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2012, xã Trường Xuân có 48 trẻ chào đời (tăng 10 trẻ so với cùng kỳ năm 2011), tỷ lệ sinh con thứ 3 đạt 14,58%. Đối với xã Trường Sơn, con số này cũng không hề kém cạnh. 9 tháng đầu năm 2012, xã có 84 trẻ chào đời (tăng 14 trẻ so với cùng kỳ năm 2011), tỷ lệ sinh con thứ 3 đạt 16,67%.

Chị Trần Thị Hải Yến, cán bộ chuyên trách dân số xã Trường Xuân, khẳng định khó khăn lớn nhất của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình nơi đây không chỉ ở trình độ dân trí bà con còn thấp, vẫn tồn tại các phong tục lạc hậu, mà còn ở đường sá đi lại hết sức khó khăn. Nhiều bản nằm ở vị trí cheo leo, hiểm trở khó đi lại, trong khi đội ngũ cộng tác viên dân số dù rất nhiệt tình, tâm huyết nhưng chủ yếu là nữ "chân yếu, tay mềm".

Chị Hồ Thị Thương (bản Khe Ngang, Trường Xuân) mới 25 tuổi nhưng đã có 3 mặt con, gia đình thuộc diện nghèo nhất bản.
Chị Hồ Thị Thương (bản Khe Ngang, Trường Xuân) mới 25 tuổi nhưng đã có 3 mặt con, gia đình thuộc diện nghèo nhất bản.

Truyền thông, tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình người dân tộc Bru - Vân Kiều đã khó, vận động bà con biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ - trẻ em lại khó gấp vạn lần. Chị Nguyễn Thị Quyên, cộng tác viên dân số bản Khe Ngang, còn nhớ mãi trường hợp chị Hồ Thị Giáo (SN 1992) vừa mới sinh con xong đã ngay lập tức cho trẻ ăn cơm nhai theo tập tục gia đình. Sau nhiều lần chị Nguyễn Thị Quyên kiên trì thuyết phục bằng nhiều biện pháp khác nhau: từ thủ thỉ, tâm sự về ích lợi của sữa mẹ, so sánh với nhiều trường hợp trẻ không bú sữa mẹ đau ốm, bệnh tật trong bản; cho đến cảnh báo nguy cơ các bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ...

Cuối cùng, chị Hồ Thị Giáo đã đồng ý chỉ cho trẻ bú sữa mẹ trong những tháng đầu đời. Đối với các trường hợp đình sản, chị Nguyễn Thị Quyên phải mất rất nhiều công sức tiếp cận đối tượng, từ chồng, đến cha mẹ chồng rồi thậm chí cả toàn thể gia tộc. Có trường hợp chị phải vận động hơn 10 lần đối tượng mới đồng ý đi triệt sản, nhưng đến ngày đi thực hiện lại bỏ trốn. Không nản chí, chị lại tiếp tục vận động đến khi nào đạt kết quả mới thôi. Có như vậy mới biết, để bà con dân tộc Bru - Vân Kiều nghe, tin theo lời cán bộ dân số rất cần nhiều thời gian, công sức và cả cái tâm của người làm nghề.

Lối ra nằm ở sự quyết tâm và đồng thuận

Đó chính là phương châm hành động mà ông Trương Thành Long, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Quảng Ninh, đặt ra đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn. Nắm rõ một trong những khó khăn lớn của đội ngũ dân số nơi đây là nhiều cán bộ, cộng tác viên còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn hoặc chưa đạt được trình độ chuyên môn chuẩn, Trung tâm thường xuyên chú trọng bồi dưỡng, trau dồi nâng cao kỹ năng cho chị em với nhiều cách thức khác nhau: mở lớp tập huấn, hội thi, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn...

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Trung tâm phối hợp với nhiều đơn vị đã triển khai các chương trình hoạt động hướng đến các đối tượng bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Năm 2012, chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình được mở rộng từ 6 xã lên 11 xã, thị trấn.

Qua hai đợt, chiến dịch đã thu hút đông đảo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến khám, tư vấn, điều trị bệnh phụ khoa và thực hiện các biện pháp tránh thai, đạt 102% so với kế hoạch đề ra. Trung tâm còn ký kết hợp đồng với Trung tâm Y tế dự phòng huyện tổ chức đội dịch vụ lưu động huyện, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện tránh thai, huy động nhân lực, thực hiện các chỉ tiêu về việc cung cấp 2 gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.

Ngoài ra, công tác chăm sóc bà mẹ - trẻ em được chú trọng, nhất là ở hai xã Trường Xuân và Trường Sơn. Tiểu ban Quản lý dự án chăm sóc và phát triển trẻ thơ tại cộng đồng huyện tiến hành nhiều hoạt động ở 2 xã trên, như cấp phát sữa, bánh dinh dưỡng cho 323 trẻ từ 0 - 3 tuổi suy dinh dưỡng. Nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số như mô hình quản lý dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mô hình cung cấp thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình được triển khai chất lượng và hiệu quả.

Đối với đối tượng là bà con dân tộc thiểu số, công tác truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, trong năm 2012, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Quảng Ninh đã thực hiện tổ chức hội nghị tư vấn cộng đồng đến các đối tượng khó tiếp cận tại hai xã Trường Xuân, Trường Sơn và một số xã khác, thu hút hàng trăm lượt người nghe. Ban dân số ở hai xã trên cũng luôn chú trọng tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động các đối tượng thực hiện những chỉ tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đề ra, cũng như phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, ngành như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, và các trưởng thôn, trưởng bản...

Tuy nhiên, xét đến tận cùng, đội ngũ cộng tác viên dân số ở các thôn, bản mới chính là những người sau cuối "gõ tận cửa, vào tận nhà" để tuyên truyền, thuyết phục bà con dân tộc. Chính vì vậy, việc nâng cao sự quyết tâm, đồng thuận, nhiệt tình, không nề hà vất vả của chị em cộng tác viên đối với công việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" này, vẫn rất cần đi đôi với những hỗ trợ tương đối về mặt tài chính. Có như vậy, với những cộng tác viên như chị Nguyễn Thị Quyên ở bản Khe Ngang (Trường Xuân) mới có điều kiện hoàn thành tốt hơn công việc được giao.

                                                                      Mai Nhân

 

,
.
.
.