.

"Một ngày Nhật Lệ, Bác về"

Thứ Sáu, 16/06/2017, 08:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Nỗi đau khôn nguôi của Người là chưa một lần quay trở lại miền Nam thương yêu. Và chuyến về thăm Quảng Bình ngày 16-6-1957 là chuyến đi vào Nam xa nhất và cuối cùng sau một vòng bôn ba khắp trái đất của Người. Trên cửa biển Nhật Lệ, ánh mắt đau đáu của Bác hướng về miền Nam luôn thôi thúc bao trái tim văn nghệ sỹ Quảng Bình đặt bút sáng tác về Người.

 

Tác phẩm “Ra biển nhớ Người” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương.
Tác phẩm “Ra biển nhớ Người” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương.

Dù không có nhiều người may mắn được gặp Bác nhưng với nhân dân Quảng Bình, thời điểm ấy là những tháng ngày đẹp đẽ nhất trong suốt những năm tháng bom đạn chiến tranh và cũng là niềm tự hào khôn nguôi cho đến mãi hôm nay. Nhạc sỹ Dương Viết Chiến (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) nhớ lại, năm 1957, ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình, ông mới tròn 12 tuổi.

Nhưng những ngày hè tháng sáu năm đó, nhân dân quê hương ông vẫn cứ xôn xao mãi câu chuyện vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc đã không quản ngại bom đạn chiến tranh, đường sá xa xôi để tận tình thăm hỏi, động viên nhân dân Quảng Bình hăng hái sản xuất và chiến đấu.

Ông bảo, thời điểm ấy và cho đến mãi về sau, nhiều người kể lại rằng trong buổi chiều đến thăm cửa biển Nhật Lệ, ánh mắt của Người cứ hướng về miền Nam.

Có lẽ, điều đau đáu nhất của Bác là chưa một lần được trở lại thăm đồng bào, chiến sỹ miền Nam - nơi đã từng in hằn bao “dấu chân vạn dặm” của Người. Những lời kể ấy đã khiến nhạc sỹ Dương Viết Chiến xúc động mạnh mẽ. Sau nhiều năm nuôi dưỡng cảm xúc cùng những tình cảm đặc biệt dành cho Người, năm 2002, nhạc sỹ Dương Viết Chiến đã cho ra đời ca khúc “Kết ngàn đài hoa kính dâng lên Người”.

Tác phẩm đã đạt giải A cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm nghệ thuật và báo chí theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh lần thứ I, năm 2009 và cũng là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi của người nhạc sỹ miền đất lửa.

Mở đầu ca khúc đã tái hiện lại không khí hân hoan của mảnh đất và con người Quảng Bình trong khoảnh khắc lịch sử ngày đón Bác về thăm: “Con nhớ một ngày mùa hè Bác về thăm. Quảng Bình quê ta cờ hoa rực rỡ đón Người. Trên đài cao thành Đồng Hới, Bác vẫy chào. Lời người thiêng liêng âm vang mãi muôn đời”.

Để rồi tiếp nối sau đó là lời ca tha thiết thể hiện nỗi niềm đau đáu, day dứt của Bác Hồ muốn một lần được trở vào thăm miền Nam yêu thương: “Và ngày ấy, Bác mong được vô Nam thăm lại đồng bào còn đau thương trong xiềng xích giặc. Chỉ cách một mái chèo mà đường cách trở núi sông. Bác chưa vào thăm được mà không giấu được nỗi đau. Bác Hồ ơi!”. Nhạc sỹ Dương Viết Chiến bảo rằng, lời hát ấy xuất phát từ câu thơ chan chứa nỗi niềm của nhà thơ Thanh Hải: “Xa nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây”.

Đó là nỗi đau chung của nhân dân hai bờ sông Bến Hải và còn là nỗi đau riêng khôn nguôi của Bác Hồ trong những năm tháng đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. “Bài hát là câu chuyện kể về chuyến thăm đặc biệt của Bác Hồ với nhân dân Quảng Bình nhưng lại mang âm hưởng dân ca Nam Bộ cũng vì lẽ đó”, nhạc sỹ Dương Viết Chiến chia sẻ.

Lúc sinh thời hay ngay cả khi ra đi gần nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận, có sức rung động mãnh liệt và không bao giờ vơi cạn trong sáng tác văn học nghệ thuật. Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương vẫn luôn tự hào là trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ông sở hữu nhiều ca khúc viết về Bác Hồ, trong đó, tác phẩm “Ra biển nhớ Người” của ông lấy cảm hứng từ sự kiện Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình hơn nửa thế kỷ trước.

Được phổ nhạc từ bài thơ “Chiều nay thăm chỗ Bác ngồi” của tác giả Văn Tăng, ca khúc là sự kết hợp hài hòa giữa tứ thơ và ý nhạc, giữa niềm thương và nỗi nhớ, giữa niềm kính yêu và nỗi tự hào. Trong nỗi niềm ấy, bằng ngôn từ dung dị và âm hưởng dân ca Bình - Trị - Thiên, ca khúc như tạc, như vẽ lại hình ảnh vị cha già bên cửa biển Nhật Lệ một ngày mùa hè rực rỡ nắng: “Chiều nay thăm chỗ Bác ngồi, tưởng như còn đó dáng Người ung dung. Tay vê điếu thuốc lặng dừng, đăm đăm mắt gửi muôn trùng khơi xanh”.

 Vợ chồng nhạc sỹ Dương Viết Chiến và nhà nghiên cứu VHDG Đặng Thị Kim Liên đều có các tác phẩm viết về ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình.
Vợ chồng nhạc sỹ Dương Viết Chiến và nhà nghiên cứu VHDG Đặng Thị Kim Liên đều có các tác phẩm viết về ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình.

Và cũng như trong tác phẩm của nhạc sỹ Dương Viết Chiến, trong “Ra biển nhớ Người” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương, ánh mắt lặng nhìn của Bác bên biển quê hương ngày ấy cũng làm nặng lòng người nghệ sỹ. “Chiều nay thăm chỗ Bác ngồi, nghe dòng Nhật Lệ nặng lời Cửu Long” và người nghệ sỹ như thấu cả những nỗi lòng của Bác khi Người đau đáu hướng về miền Nam thương yêu, nơi có dòng Cửu Long vẫn mênh mang sóng vỗ.

Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương bày tỏ: “Sáng tác về Bác Hồ luôn khiến tôi xúc động mạnh mẽ. Và mỗi một lần ca khúc “Ra biển nhớ Người” được cất lên là một lần tôi như sống lại cảm xúc của lần đầu tiên đặt bút viết nhạc cho ca khúc ấy”.

Với nhân dân cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn sống mãi. Với nhân dân vùng đất lửa Quảng Bình, ngày Bác Hồ về thăm mảnh đất này vẫn luôn là niềm tự hào được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hình ảnh của Người trong một ngày hè rực nắng của 60 năm về trước sẽ đi mãi vào thơ ca, đi vào nhạc họa và sống mãi trong trái tim của bao thế hệ người dân Quảng Bình. Ngoài hai ca khúc nổi bật trên, còn có các tác phẩm thơ: “Thời gian huyền thoại” của Lê Anh Phong, “Hai con sóng”, “Vầng trăng Nhật Lệ...” của Nguyễn Văn Dinh cùng ca khúc “Quảng Bình nhớ Bác” của Nguyễn Anh Dũng...

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên cũng có hai tác phẩm thơ “Quà Bác tặng” và “Nhật Lệ Bác về” đã đạt giải C cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm nghệ thuật và báo chí theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh lần thứ III, năm 2011.

Có lẽ, tình cảm thiêng liêng dành cho vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc đã thẳm sâu trong tiềm thức của mỗi người dân nước Việt và cũng là ngọn lửa ấm dễ dàng lan tỏa. Và hẳn nhiên, “cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”, những sáng tác viết về Bác sẽ luôn sống mãi và có sức lay động lớn lao.

Diệu Hương

------------------------------------------------------------------------------------

(*) Câu thơ trong bài thơ “Nhật Lệ, Bác về” của Đặng Thị Kim Liên.