.

Bác Hồ trong trái tim làng biển Quảng Bình

Thứ Hai, 12/06/2017, 15:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1960, hơn 50 hộ dân của các xã Cảnh Dương, Quảng Tùng (Quảng Trạch) tình nguyện ra vùng đất dưới chân núi Đèo Ngang, xã Quảng Đông lập làng mới mang tên "19 tháng 5". Vùng đất này ngày đó còn hoang vu, nhưng ai cũng tự hào vì làng được mang tên ngày sinh Bác Hồ - ngày 19 tháng 5. Các hộ dân lập làng phấn khởi, tích cực xây dựng làng, hiện làng có trên 200 hộ với 700 nhân khẩu.

Quảng Đông là một xã phía bắc của huyện Quảng Trạch, cách thị xã Ba Đồn 20 km về phía bắc. Từ ngày có thêm làng 19 tháng 5, xã có 5 thôn gồm Vịnh Sơn, Minh Sơn, Thọ Sơn, Đông Hưng và thôn (làng) 19 tháng 5.

Mảnh đất dưới chân đèo Ngang thơ mộng này là nơi thành lập Đội thiếu sinh quân mang tên ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Đội Thiếu sinh quân 19 tháng 5 Quảng Đông có 33 đội viên, trong đó có 14 học sinh cấp 1, được trang bị 15 súng trường, 1 trung liên, 2 đại liên, thay nhau trực chiến trên địa bàn xã Quảng Đông nằm dọc quốc lộ 1A dưới chân đèo Ngang, sát cửa Roòn, thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt.

Ông Đậu Văn Kế, nguyên Đội trưởng Đội Thiếu sinh quân kể lại: “Hồi đó bọn tui 13 đến 16 tuổi, ôm súng bắn rơi máy bay Mỹ. Tự hào lắm! Trong chiến tranh, người làng 19 tháng 5 còn chứng kiến một mình xã đội phó Mai Văn Quyến với khẩu AK đánh lui toán biệt kích xâm nhập. Đội Thiếu sinh quân do xã đội phó Mai Văn Quyến chỉ huy đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ, riêng ông Mai Văn Quyến đã 2 lần bắn trúng máy bay, một lần truy kích bắn chết 1 tên biệt kích đột nhập đường biển. Ông Quyến kể lại: Trận mở đầu ngày 13-5-1968, hôm đó vừa đi họp chi bộ về trận địa trực chiến, ông thấy một chiếc F4 bổ nhào bắn khu vực Roòn, ông kịp thời chỉ huy tổ thiếu niên gồm có các em Kế, Lộc, Cảnh, Thệ và Nguyễn Thị Voi bắn trả bằng K44, riêng ông với một loạt trung liên bắn trúng máy bay bốc cháy rơi xuống biển.

Hình ảnh Bác Hồ được khắc trên đốt xương cá Ông, thờ tại đền thờ cá Ông, xã Bảo Ninh (Đồng Hới).
Hình ảnh Bác Hồ được khắc trên đốt xương cá Ông, thờ tại đền thờ cá Ông, xã Bảo Ninh (Đồng Hới).

Trận thứ hai ngày 1-8-1968, chiếc F4 từ hướng Bắc bay ngang trận địa, ông Quyến đón đầu bắn 17 viên đại liên, Kế bắn trung liên, số còn lại bắn súng trường, chiếc máy bay F4 trúng đạn rơi ngay tại vùng biển dưới chân đèo Ngang.

Trong Đội Thiếu sinh quân có em Lộc mới 13 tuổi, thấp, da ngăm đen, Lộc là tiểu đội phó đội học sinh, là con của đồng chí Phó Chủ tịch xã Cảnh Dương, đang học lớp 6, ngoài giờ học tham gia trực chiến rất tích cực. Người ta hỏi: Em còn nhỏ thế mà đã vào dân quân? Em vui vẻ trả lời. Người nhỏ, nhưng tinh thần có nhỏ mô, em căm thù thằng Mỹ bắn vào làng nên em vào dân quân để bắn trả hắn!". “Bắn bổ nhào máy bay thế nào?”. Lộc trả lời: "Các chú bảo nếu cự ly 600 mét thì ngắm dưới đuôi máy bay một tý. Nếu máy bay bay ngang thì cự ly 100 mét cách 2 thân máy bay, 600 mét thì cách 4 thân. Lộc còn kể: “Phát đầu em hồi hộp bắn không trúng, phát thứ hai trúng, thấy máy bay bốc cháy, em và cả trận địa hò reo.

Đội thiếu sinh quân gan dạ, dũng cảm, hồn nhiên mà quả cảm được như vậy là nhờ sức mạnh tự hào đội được mang tên ngày sinh nhật Bác Hồ. Trong tâm khảm họ, Bác Hồ là nguồn sức mạnh vô song, soi rọi tâm hồn và tiếp thêm nghị lực cho Đội thiếu sinh quân Quảng Đông làm được chuyện thần kỳ bắn rơi máy bay Mỹ.

Cũng trên dải cát ven biển Bảo Ninh là câu chuyện về tình cảm của người dân làng Sa Động đối với Bác Hồ. Dân làng kể rằng: Ngày 3-9-1969, người làng Sa Động nhận được tin Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng. Để ghi lòng tạc dạ ơn Người, cả làng Sa Động có ý khắc hình Bác Hồ lên đốt sống cá voi để cư dân khắp vùng ai ai cũng được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Người. Làng Sa Động có họa sỹ Phạm Phi Trường, được phân công nhiệm vụ trọng đại này. Ông đã mất 3 ngày chọn lựa hình ảnh của Bác để khắc lên đốt xương sống cá voi.

Đền thờ cá Ông ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới).   Ảnh: T.H
Đền thờ cá Ông ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới). Ảnh: T.H

Hiện nay, đốt xương sống cá voi có hình ảnh Bác Hồ được thỉnh vào thờ ở lăng. Những vị bô lão của làng Sa Động nói rằng: làng Sa Động là nơi duy nhất nước Nam đưa Bác Hồ cùng cá voi vào thờ ở lăng Ông. Bởi lẽ, người làng biển Sa Động ngàn đời xem cá voi là thánh sống của biển, giúp họ vượt qua bao phong ba bão táp trên biển cả. Với Bác Hồ, dân làng xem Người là bậc thánh nhân vĩ đại của dân tộc, giúp làng thoát được cảnh sống tối tăm. Câu chuyện khắc tạc hình ảnh Bác Hồ vào đốt xương cá ông voi đã khắc sâu vào tâm thức của con dân làng biển Sa Động. Bởi với họ, chuyện lập được làng đã quan trọng, nhưng được chuyện khẩn linh cho hai bậc thánh cùng thờ vọng một nơi tôn nghiêm nhất làng, thì sử làng mấy trăm năm mới được ghi nhận một trường hợp hiếm có này để nhắc nhở con cháu đời đời ghi nhớ.

Đã gần 50 năm, trải qua bao bom đạn ác liệt và thời gian, dân làng Sa Động vẫn bảo quản được hình ảnh Bác trên đốt xương cá Ông voi, thể hiện sự hài hòa giữa vị thánh biển cả cùng đức thánh dân tộc Việt, theo cách riêng của làng biển Bảo Ninh.

Lòng biết ơn và ghi sâu lời dạy của Bác Hồ còn muôn màu muôn vẻ, chúng ta sẽ không bao giờ cạn những câu chuyện được người dân Việt Nam và trên thế giới khắc sâu kỷ niệm tôn kính, biết ơn Bác Hồ. Đó chính là động lực cho người dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời đại mới.

Đặng Thị Kim Liên