.

Bão trong nhà

Thứ Bảy, 16/07/2016, 16:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Anh bảo chị, trưa xin cơ quan nghỉ sớm, về cùng đi đám cưới anh bạn. Đám này nên đi đôi, tất nhiên phong bì mừng phải “nặng” hơn các đám khác. Thấy vợ im, biết là không hưởng ứng ý mình, anh mở ngoặc nói thêm, bây giờ tuy ít gặp nhưng anh bạn là đồng môn thân thiết, cùng học với anh thời ở Trường đại học Nông Lâm. Đó là những năm bát cơm không độn mì là ước mơ không hiện thực của bao nhà. Nhưng cả hai đi qua khóa học trọn vẹn, với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi sáng ngời. Giã từ giảng đường, người về với đồng ruộng theo bà con nông dân âu yếm giục trâu đi; kẻ rẽ ngang để lao vào thương trường nóng bỏng; người bệ vệ nơi công đường. Và ai cũng kịp làm điều bình thường nhưng hệ trọng của đời người - có vợ sinh con. Duy chỉ anh bạn là chàng rể hôm nay, chẳng biết ông tơ bà nguyệt ghét chi mà mãi tuổi bốn mươi mới tìm được “nửa kia” của đời mình... Tưởng chị hiểu nghĩa tình của chồng mà nhờ người trưa đón con để cùng đi dự tiệc vui của bạn. Tầm mười giờ, anh về nhà, thấy mảnh giấy có nét chữ quen thuộc đặt trên bàn ăn “Anh! Em không đi đám cưới được”.

Anh đi mừng bạn với bộ mặt chỉ hơn người đưa đám là không rơi nước mắt. Suốt cuộc vui, anh chẳng sờ đến thìa đũa, chỉ cầm ly, ly rồi tiếp ly nữa, liên tục. Nghe người quen hỏi vợ đâu, anh chống chế bằng lý do tưởng tượng cùng nụ cười méo xẹo. Chẳng biết phát kiến từ đâu mà anh được rỉ tai thông báo, sau tiệc cưới, các cựu sinh viên nguyên là đồng môn của chú rể ở lại chụp hình kỷ niệm. Anh lúng túng. Đi về, ở lại, đôi đường đều dở. Khi xếp hàng đứng trước ống kính, anh giật mình thấy mọi người đều có đôi, chỉ riêng anh trơ trọi.

Quá ngọ, anh về trên chiếc xe được kéo ga hết cỡ. Chị chạy ra tận ngõ đón chồng với nụ cười rụt rè của người có lỗi. Khi chị đưa tay đón lấy tay lái, anh gạt đi: “Khỏi! Cô làm tôi xấu mặt với bạn bè - Giọng anh méo đi như nói qua chiếc loa rè - Cô! Có phải cô sợ... tốn thêm vài trăm bạc không!?” Chị cúi mặt lẳng lặng vô nhà. Vào phòng riêng, chị không quên quay lại chốt cửa.

Anh dựng xe giữa nắng, vào nhà bằng những bước chân vắt sổ. Anh mở tủ buýp phê, lôi ra chai rượu rồi đổ người xuống chiếc ghế “lười biếng” gần đó. Anh với tay bật ti vi rồi tăng âm to bất thường. Chẳng cần ly, chốc chốc anh đưa cả chai lên miệng. Xin nói ngay, anh không nghiện thứ cao gạo ấy, càng không phải anh chẳng biết lời các cụ - trà tam rượu tứ. Nhưng những lúc như lúc này, anh thích uống rượu một mình. Bảy năm hai người có nhau, nếu chỉ xòe hai bàn tay e không đếm đủ số lần anh giải sầu một mình. Không phải nâng hồn người thăng hoa bất tận mà những khi một mình với chai đế đã dìm anh xuống mênh mông buồn chán.
Dù trùm chăn kín đầu nhưng chồng làm gì, nói gì ở phòng bên, chị biết cả. Càng nghĩ chị càng ức, nào chị dám đem vài trăm bạc sánh với tình bạn đáng quý của anh. Chỉ có điều mấy tháng rồi, chị ốm đau dặt dẹo, người xuống cấp trông thấy. Nhà mẹ ở ngoại ô, chỉ cách ba chục phút chạy xe máy mà hai tháng rồi chị cũng chẳng về. Về, nghe mọi người quở, chị xót cả ruột. Mới hồi nào, chị như thỏi nam châm hút ánh nhìn ngưỡng mộ của bao chàng trai; giờ, chị thật sự ngại qua chỗ đông người. Nếu là người ta, hẳn sẽ chăm lo thuốc thang cho vợ, chí ít cũng có vài lời an ủi. Còn anh, chỉ được cái vô tâm và thô lỗ!

Hồi mới ra riêng, chẳng có “trọng tài” nên những cuộc “khẩu chiến” của anh chị thường ác liệt lắm. Nếu có máy đo, chắc cũng nhiều nhiều đề-xi-ben chứ chẳng phải thầm thì như lúc yêu nhau. Sau, chẳng ai bảo ai, cả hai cùng đổi “chiến thuật”, chuyển vào “chiến tranh lạnh”. Trừ bữa cơm là ngồi cùng nhau, còn việc ai người đó làm, giường ai người đó ngủ. Dù dưới hình thức nào thì cuối cùng anh chị đều cay đắng nhận ra chẳng có ai thắng cả. Nhưng mở miệng “hòa đàm” khó làm sao! Lắm lúc thấy mình sai lù lù ra đó nhưng anh không nói được cái từ lịch sự mà người ta dạy cho con trẻ ngay từ mẫu giáo. Khi anh toan mở miệng, cái “thằng tôi” trong anh hiện ra túm lấy, lôi ngược lại: “Xin lỗi à, sao hạ mình thế? Không khéo lần sau “nó” được trớn, làm già đấy!” Thế là anh rụt lại, không vượt qua nổi chính mình.

Còn chị, khi cơn bão trong nhà nổi lên, chị thu lại, cuộn tròn như trong chăn lúc này đây. Bấy giờ, người đàn bà hết mực thương yêu chồng con trong chị biến mất, chỉ còn dâng đầy nỗi tự ái. Vâng, chính nó đã đẩy chị ra xa người từng đầu gối tay ấp. Cũng chính nó, nâng chị cao lên trên chiếc thang hư ảo để nhìn xuống anh với đôi mắt khinh khỉnh, cố chấp. Và sau đó, tìm được nấc thang đi xuống khó hơn nhiều. Bởi thế, tổ ấm anh chị đã bao phen chao đảo hao gầy vì những lý do mà nói ra chắc ông chồng bà vợ nào cũng xua tay: “Thôi, thôi, biết rồi!”

Những lúc ấy, anh mong dại dại trong nhà xảy ra sự cố gì đấy (tất nhiên không đến độ cháy nhà, chết người) để cả hai cùng xúm vào và quên hết chuyện buồn trước đó. Thường là nhờ cu Hiến-sợi dây thần kỳ kéo anh chị lại gần nhau. Tuổi lên năm, Hiến cười tươi ngay trước những rắc rối của người lớn. Có lần ngồi vào mâm, thấy ba nhìn ngang, mẹ nhìn xéo, chẳng ai muốn ăn, nó liền gắp thức ăn bỏ vào bát từng người rồi liếng thoắng quay qua quay lại, hỏi có ngon không. Lần khác, chính nó cũng không biết mình hơn cả nhà tư vấn hôn nhân-gia đình, đánh tan cơn bão trong nhà bằng cách không chịu ngủ với ba cũng chẳng chịu ngủ với mẹ mà phải ngủ với cả hai.

Chiều tàn, anh đang lơ mơ trên giường thì bị dựng dậy bởi tiếng gọi thảng thốt của con: “Mẹ ơi!” Anh vội chạy ra cửa. Cu Hiến, mặt tái mét, tay đang ôm cái đầu rỉ máu. Anh tròn mắt: “Sao vậy?” “Cu Xỉn xô con ngã vào đống đá!” Chị từ dưới bếp chạy lên, hốt hoảng. Sau phút thất thần, chị lật đật đi mở tủ thuốc lấy bông băng và ô xy già. Thấy chị luýnh quýnh, anh vội đỡ cuộn băng trên tay chị.

Sự cố vừa được khắc phục thì anh Thắng-bố cu Xỉn, tay cầm roi, tay nhủng nhẳng dắt “thủ phạm” qua. Thấy nạn nhân đã được sơ cứu, anh chẳng nói gì, đẩy con lên trước: “Xin lỗi cô chú!” Thằng bé đứng nghiêm, hai tay vòng trước ngực, mắt len lén ngước lên rồi cụp xuống. Xỉn lí nhí trong miệng; phải nói lại lần thứ ba mới đủ rõ to như yêu cầu của bố nó. Anh Thắng ra lệnh tiếp: “Bước tới, xin lỗi bạn Hiến!” Thằng bé vừa cúi nhìn ngón chân cái ngọ nguậy dưới đất vừa nói: “Xỉn xin lỗi bạn Hiến”. “Xin lỗi mà không nhìn bạn là chưa thật thà - Anh Thắng nhận xét rồi tiếp-Ôm bạn Hiến hôn ba cái”. Thằng bé ngỡ ngàng, quay lại nhìn bố. Nhưng giọng nói chưa hết giận vẫn cương quyết y lệnh: “Hôn ba cái, thắm thiết như người ta hôn trên ti vi ấy!”. Tuồng như vẫn còn sợ, vừa hôn bạn, Xỉn vừa đảo mắt nhìn trộm bố.

Cả nhà cùng dõi theo bố con Thắng đi ra cổng. Bất chợt Hiến ôm mẹ: “Ngày mai, con có thưa với cô là Xỉn xô con ngã không, hả mẹ”. “Thôi con ạ, bạn ấy biết lỗi rồi mà”. “À, cô giáo bảo biết nhận lỗi cũng là ngoan, mẹ nhỉ?” “Ừ”. Nói rồi Hiến rời mẹ, chạy ra với đám bạn đang chơi trò “trốn tìm” phía bên kia đường. Nó cầm tay cu Xỉn, cùng hòa vào cuộc vui, như hoàn toàn không có chuyện đổ máu trước đó.

Nhìn cảnh ấy, cả anh chị cùng cúi xuống. Lúc ngước lên, hai đôi mắt chạm nhau, lúng túng...

Truyện ngắn Nguyễn Trọng Hoạt