.

Chợ Họa nét duyên quê

Thứ Ba, 12/07/2016, 13:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Nói đến văn hóa làng Thổ Ngọa-một làng quê nhỏ của phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) không thể không nhắc đến chợ Họa (có thể do người xưa đọc chệch chữ Ngọa sang chữ Họa). Chợ nằm bên một nhánh của dòng sông Gianh mà người trong làng thường gọi là “rào” bày bán đủ các mặt hàng, đặc biệt là các sản phẩm mang thương hiệu của chính quê mình và các địa phương lân cận như nón lá, mắm ruốc, thúng, mủng, nong, nia, rổ, rá, bánh đa... cùng rất nhiều thủy, hải sản đánh bắt từ sông quê. Đây cũng là nơi thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của vùng đất vốn đã có tên trong tứ danh hương của phủ Quảng Trạch xưa “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ”.

Chợ được hình thành từ năm nào là vấn đề mà các bậc cao niên-những người tâm huyết với văn hóa làng đang tìm tòi nghiên cứu để làm rõ, chỉ biết rằng, trong Đại Nam nhất thống chí có ghi “chợ Thổ Ngõa ở huyện Bình Chính, họp hai buổi, phần nhiều bán tôm, cá, hàng quán đông đúc”. Đình chợ xưa có ba gian lợp ngói, tường xây vững chãi. Giữa chợ có một cái giếng, gọi là giếng Chợ. Giếng nằm ở gần sông Gianh song nước rất trong và ngọt.

Chợ xưa tuy nhỏ, song vì vị trí giao thông thuận lợi, nhất là đường thủy nên việc buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân rất thuận lợi. Nơi đây, ngoài các sản phẩm của làng còn bày bán đủ các loại mặt hàng thủy hải sản, trái cây, hàng thủ công truyền thống và đặc sản của các làng khác như Thọ Đơn, Lộc Điền, các làng quê của huyện Tuyên Hóa với cam, bưởi, rổ ra, nong, nia, bánh đa, bánh đúc...

Một góc chợ Họa.
Một góc chợ Họa.

Ấn tượng nhất ở chợ Họa là chợ nón và chợ hải sản. Chợ nón trước đây thường được bắt đầu khi trời chưa kịp sáng, người mua phải sử dụng đèn pin để kiểm tra hàng. Góc chợ nón lúc nào cũng nhộn nhịp, người mua, người bán đều là người làng nên gặp nhau là chào hỏi đủ thứ chuyện. Chợ nón nổi bật giữa một không gian lấp lánh ánh đèn, nhấp nhô từng chồng nón trắng bên cạnh những gian hàng bán nguyên liệu làm nón như lá nón, vành nón, cước, kim... Chợ nón kết thúc cũng là lúc trời vừa hửng sáng.

Theo thời gian, chợ nón ngày nay không còn diễn ra vào lúc tờ mờ sáng như trước mà thay vào đó là thời điểm chừng 9-10h và lúc nào cũng tấp nập kẻ bán, người mua. Đông vui nhất vẫn là bến thuyền nơi người dân quê quen gọi là chợ cá. Tuy thế, các mặt hàng ở đây không chỉ có cá mà còn có các loại trái cây như chuối, mít, dứa... được treo lủng lẳng lên các cọc cao hay xếp lớp trên thuyền chờ vào bờ cung cấp cho khách mua của chợ Họa.

Bến sông cũng là nơi diễn ra cảnh mua bán trông gần giống với hình ảnh chợ nổi của các làng quê vùng miền Tây Nam bộ. Khi những con thuyền neo đậu sát bờ, từng chủ hàng lần lượt chuyển hàng lên bến và ngay lập tức đã có người mua chờ sẵn.

Hải sản chợ Họa ngoài các loại được nhập từ nơi khác như cá thu, cá bớp thì phần lớn được đánh bắt từ sông quê. Để có các rổ cá chuyển vào chợ mỗi buổi sớm mai là công sức vất vả suốt cả đêm của những người sống bằng nghề chài lưới. Cá vào chợ lúc nào cũng tươi roi rói, thi nhau búng, quẫy ra khỏi chiếc thúng tròn. Người dân ở đây chủ yếu dùng phương pháp đánh bắt nhỏ lẻ và có được bao nhiêu đều cung cấp cho chợ quê bấy nhiêu, bởi vậy người dân trong làng luôn được dùng hải sản tươi sạch từ sông nhà để chế biến các món ăn ngon bảo đảm chất dinh dưỡng.

Trong bữa ăn thường ngày của người Thổ Ngọa thường có món canh chua gồm quả chay hay dưa muối hoặc rau vườn nhà nấu với tôm, cá cơm và món cá kho "một lả". Tuy đơn giản là thế nhưng nhìn tổng thể đã đủ để cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho con người.

Chợ Họa còn là nơi bày bán đủ các loại bánh, cháo được xem là “đặc sản” của làng như bánh chì, bánh xèo, bánh cuốn, bánh ít, bánh gai, bánh mật, bánh trôi, cháo canh... Tất cả được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị, không ít món bánh dần có thương hiệu từ thực khách như bánh cuốn bà Bông, bánh xèo bà Hòe, bánh đa chị Quế... Góc hàng ăn ở chợ Họa khá nổi bật bởi những lò than đỏ rực và mùi thơm của món cháo canh nấu cá, món bún sả thịt bò, bánh cuốn nhân tôm... cứ thế lan toả thay cho lời mời gọi của các chủ hàng.

Đối với người Thổ Ngọa, chợ không chỉ là nơi trao đổi, buôn bán mà còn là nơi lưu giữ những nét đẹp mộc mạc, gần gũi của quê nhà. Bên cạnh những hàng, sạp có mái che của các tiểu thương, chợ có khá nhiều khoảng đất trống dành cho những người buôn thúng bán bưng. Họ là những người dân quê tranh thủ đi chợ sớm để đem mớ rau, buồng chuối, những quả cau nho nhỏ, vài lá trầu xanh từ vườn nhà đi bán nên thường có giá rẻ. Nhiều khi chủ hàng gặp người quen thì biếu luôn không bán chợ lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Những câu chuyện lại được kể, chuyện gia đình, chồng con, chuyện làm ăn, chuyện người hàng xóm... cứ thế dài ra và cũng nhờ thế mà tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt.

Đối với nhiều người, chợ Họa được ví như một làng Thổ Ngọa thu nhỏ để rồi mỗi ai đi xa lại nhớ và mong ngày trở về, dẫu chỉ để ngắm nhìn bến thuyền chợ cá hay hít hà hương vị thơm nồng quen thuộc từ các gian hàng ăn, hoặc chỉ để gặp lại nụ cười, ánh mắt người xưa trong vành nón lá... Trải qua thời gian, dẫu cuộc sống người dân có nhiều đổi thay song chợ Họa vẫn còn lưu giữ dường như vẹn nguyên nhiều giá trí văn hóa độc đáo, là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của quê hương.

Nhật Văn