.

Để di sản "phục vụ"... di sản

Thứ Ba, 14/10/2014, 13:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta tự hào với hai di sản thế giới được UNESCO công nhận là Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và ca trù. Với sự nỗ lực không ngơi nghỉ của chính quyền các cấp và sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, cả hai loại hình di sản đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy theo đúng lộ trình. Mặc dù vậy, đối với việc tăng cường quảng bá giá trị và góp phần vào sự phát triển của du lịch tỉnh nhà, ca trù Quảng Bình vẫn chưa thực sự khai phá hết tiềm năng của mình.

Bước sang tuổi 75, nghệ nhân dân gian Việt Nam Hồ Xuân Thể (Đông Dương, Quảng Phương, Quảng Trạch) vẫn bày tỏ mong muốn quảng bá ca trù đến với du khách thập phương
Bước sang tuổi 75, nghệ nhân dân gian Việt Nam Hồ Xuân Thể (Đông Dương, Quảng Phương, Quảng Trạch) vẫn bày tỏ mong muốn quảng bá ca trù đến với du khách thập phương

Vừa trở về từ Liên hoan ca trù toàn quốc tại Hà Nội với một huy chương đồng, một giải khuyến khích, nghệ nhân dân gian Việt Nam Hồ Xuân Thể (75 tuổi, Đông Dương, Quảng Phương, Quảng Trạch) vẫn còn nguyên vẹn niềm vinh dự, tự hào khi là một trong những đại diện xuất sắc của Quảng Bình tham dự sân chơi của ca trù Việt Nam.

Cả cuộc đời gắn bó với ca trù, nay, nghệ nhân Hồ Xuân Thể vẫn tích cực truyền dạy cho các thế hệ trẻ, với ba lứa học viên xem như đã thành thục các thể cách, phím đàn. Hỏi cụ về việc đã bao giờ được một doanh nghiệp làm du lịch nào mời biểu diễn cho du khách chưa, cụ hồ hởi kể, hình như năm 2006 hay 2007, một resort ở Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) đã mời câu lạc bộ ca trù Đông Dương đến biểu diễn và đó là lần duy nhất từ đó đến bây giờ. Còn lại, câu lạc bộ chủ yếu tự luyện tập ở nhà hay tham gia biểu diễn tại các Liên hoan trong và ngoài tỉnh mỗi khi được mời.

Nguồn kinh phí của hai câu lạc bộ cao tuổi-trung tuổi và thiếu nhi ở làng Đông Dương chủ yếu là do các thành viên tự đóng góp, chính vì vậy, quá trình hoạt động khá khó khăn, chật vật. Ca nương Dương Thị Điểm, câu lạc bộ ca trù Đông Dương chia sẻ thêm, các nghệ nhân cũng mong muốn được góp phần vào sự phát triển của du lịch tỉnh nhà, nhất là để quảng bá giá trị, nét đẹp của ca trù đến với đông đảo du khách thập phương. Qua đó, câu lạc bộ vừa chủ động được nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ, vừa tạo thêm sân chơi cho các hội viên. Đó chắc chắn không chỉ là mong muốn của các nghệ nhân ca trù ở Đông Dương, mà còn nhiều nghệ nhân khác ở TX.Ba Đồn, Quảng Trạch, Tuyên Hóa hay Minh Hóa.

Ông Ngô Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TX.Ba Đồn cho biết, hiện tại thị xã có 3 câu lạc bộ ca trù ở xã Quảng Trung, Quảng Minh và Quảng Phong. Các hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của ca trù mới chỉ tập trung chủ yếu vào công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ ca nương, nghệ nhân chơi đàn các thế hệ, chú trọng vào thế hệ trẻ. Các câu lạc bộ thường được mời biểu diễn trong những liên hoan, lễ, tết truyền thống của địa phương nhằm phục vụ bà con.

Trên thực tế, mặc dù vùng đất ven sông Gianh có nhiều trầm tích văn hóa lâu đời và ẩn chứa không ít tiềm năng du lịch văn hóa, ẩm thực, sinh thái, nhưng cả TX.Ba Đồn và Quảng Trạch vẫn chưa có một sản phẩm du lịch hấp dẫn nào, nhất là có liên quan đến các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian. Một dẫn chứng cho thấy, du khách thập phương sau khi ghé thăm nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến, có thể quay lại nghỉ qua đêm tại TX.Ba Đồn, nhưng theo như lời của ông Ngô Quốc Cường, thị xã về đêm vẫn chưa có điểm nhấn ấn tượng nào đủ để níu chân du khách.

Tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2014, ca trù Quảng Bình khẳng định vị thế với 1 giải đồng và 1 giải khuyến khích
Tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2014, ca trù Quảng Bình khẳng định vị thế với 1 giải đồng và 1 giải khuyến khích

Theo một đề án của Trung tâm đang xây dựng, năm 2015, tuần văn hóa TX.Ba Đồn sẽ được tổ chức, qua đó góp phần quảng bá các giá trị văn hóa du lịch của địa phương, đồng thời phát huy thế mạnh của ca trù, tạo sự liên kết giữa các vùng có ca trù trong toàn tỉnh. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều phải làm trong nỗ lực quảng bá nét đẹp văn hóa của vùng đến với du khách thập phương, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Hai cái khó để ca trù đồng hành cùng du lịch Quảng Bình được ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) chia sẻ, đó là tính đặc thù của ca trù và nhu cầu của khách du lịch. Không gian của ca trù thường là ở đình làng, do đó, nếu tách bạch ra khỏi không gian này, nhiều ý kiến cho rằng sẽ làm vơi bớt đi giá trị của loại hình nghệ thuật này, thêm nữa, có một thực tế là ca trù khá kén công chúng và không phải ai cũng có thể thưởng thức, thẩm thấu hết. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách du lịch đối với ca trù đang ở mức độ nào vẫn còn là điều cần bàn, bởi chúng ta vẫn chưa có một cuộc khảo sát, điều tra nào về nhu cầu này và cũng chưa có một đơn vị kinh doanh du lịch nào mạnh dạn thử nghiệm đưa ca trù vào tour của mình.

Hơn nữa, dù lượng khách tham quan đến tỉnh ta khá lớn, nhưng số lượng khách lưu trú ở lại qua đêm còn ở mức thấp. Một phần nguyên nhân được lý giải là do chúng ta chưa thực sự có sản phẩm du lịch nổi bật để hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, không chỉ ở TP.Đồng Hới mà còn ở các điểm du lịch khác. Vòng luẩn quẩn (thiếu sản phẩm du lịch-khách lưu trú thấp-khó phát triển sản phẩm du lịch) đó khiến lộ trình đưa ca trù góp phần phát triển du lịch đã khó lại càng thêm khó.

Theo đề tài “Bước đầu nghiên cứu, định hướng bảo tồn và phát huy giá trị vốn di sản văn hóa hát ca trù ở Quảng Bình” của Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh năm 2011, một trong những giải pháp được hướng đến là từng bước tổ chức khai thác giá trị của ca trù để phục vụ cho du lịch. Theo đó, trong xu hướng du lịch phát triển theo hướng tìm hiểu đặc trưng văn hóa truyền thống bản địa, các bảo tàng, nhà lưu niệm danh nhân, các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng (resort), khách sạn lớn nên có kế hoạch liên kết (hoặc thậm chí xây dựng riêng) các câu lạc bộ ca trù trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách, sau khi họ đã tham quan các sản phẩm du lịch khác. Bên cạnh đó, việc đưa ca trù vào các tour du lịch, “sánh vai” cùng với nhiều điểm du lịch sinh thái độc đáo và các loại hình văn nghệ dân gian tiêu biểu khác cũng là một hướng mở rất thuận lợi cho mỗi địa phương, đón đầu nhu cầu hưởng thụ của du khách.

Đưa di sản “phục vụ” di sản, phát huy thế mạnh vốn có của các loại hình di sản, để chúng hỗ trợ, liên kết cùng phát triển luôn là một tất yếu trong du lịch. Điều quan trọng là việc xác định đúng lộ trình phù hợp, xây dựng bước đi cụ thể và có “người tiên phong”.

Mai Nhân

Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 là minh chứng cho sự tiếp nối thế hệ trong ca trù và khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam trong bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này. Chính vì vậy, ca trù đang được Việt Nam làm hồ sơ gửi lên UNESCO để được chuyển từ danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại” sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.