.

Níu giữ những mạch nguồn văn hóa làng xưa...

Thứ Tư, 08/10/2014, 07:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú trong cuốn “Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình” (NXB Thuận Hóa, 2007) đã khẳng định “Như hết thảy mọi người Việt Nam, người Quảng Bình không ai rời khỏi khái niệm làng xóm. Mặc dù ngày nay, qua bao nhiêu sự đổi thay về hành chính, nào là nhập, nào là tách, nào là để nguyên địa hình, địa giới tỉnh, huyện, xã với nhiều tên gọi mới, thì những khái niệm: họ với làng, làng với nước, cha với mẹ... vẫn không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm người Quảng Bình"... Phải chăng chính vì vậy, mà dù cho vật đổi sao dời, trước bao nhiêu biến cố của đời người, những mạch nguồn xưa của văn hóa làng vẫn luôn âm ỉ, soi sáng cho biết bao thế hệ con dân đất Quảng tìm về với mảnh hồn xứ sở.

Làng Văn La xưa (Lương Ninh, Quảng Ninh) được mệnh danh là một trong "bát danh hương" của Quảng Bình và đã có hơn 450 năm hình thành, phát triển. Với nhiều huyền thoại về thế “thượng sơn hạ thủy”, các nàng tiên nữ tắm ở giếng Hang..., những địa danh vang danh một thời qua các cuộc chiến tranh của đất nước, các phong tục tập quán, lễ hội mang bản sắc riêng, Văn La chính là một trong những hiện thân của làng quê thuần Việt và đang không ngừng có những tiếp biến để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.

Ông Lê Xuân Hồng, Trưởng thôn Văn La, chia sẻ, bên cạnh một số lễ hội đặc sắc, do điều kiện khách quan, chủ quan đã mai một (như: lễ hội hái bắp ở Cồn Soi, lễ hội tát nước ở Bàu Rồng...), Văn La vẫn duy trì nhiều hoạt động lễ hội truyền thống. Tiêu biểu nhất là lễ hội rằm tháng giêng hàng năm. Đây là lễ hội lớn, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Văn La, thu hút đông đảo bà con trong làng, con em xa xứ và cả nhiều người dân ở những nơi khác.

Ngoài phần lễ nghiêm trang, kính cẩn, phần hội sôi nổi, thu hút với các trò chơi dân gian, như: kéo co, chơi ô ăn quan, thi nấu cơm, thi làm chổi đót, thi làm bánh... Đặc biệt, lễ chạp mả làng, nét văn hóa đặc sắc riêng có của làng Văn La, vẫn được duy trì đến tận bây giờ.

Giếng Hang vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ người dân Văn La (Lương Ninh, Quảng Ninh) từ xưa đến nay.
Giếng Hang vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ người dân Văn La (Lương Ninh, Quảng Ninh) từ xưa đến nay.

Lễ diễn ra vào ngày 24 tháng 12 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ, cầu hồn cho hơn 1.600 ngôi mộ của những người vô danh đã ngã xuống vì độc lập dân tộc trong nhiều thế kỷ qua. Với những lễ đơn giản gồm hoa quả, rượu, người dân Văn La còn cầu mong một cuộc sống an bình, ấm no.

Niềm tự hào của người dân Văn La còn nằm ở hệ thống giếng Hang nổi tiếng, tồn tại vững bền như minh chứng cho sức sống bất diệt của nét văn hóa làng xưa. Nay, tuy người dân đã quen dần với nước máy, nước giếng khoan, giếng Hang vẫn có sức hấp dẫn khó cưỡng với bà con, không chỉ do nguồn nước ngọt lành, thơm mát, mà còn bởi đây là nơi sinh hoạt cộng đồng quen thuộc, nơi sẻ chia bao câu chuyện vui buồn của người dân Văn La và các vùng phụ cận.

Bà con vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt xưa và chia hệ thống giếng Hang làm giếng tắm giặt của đàn ông, phụ nữ, giếng chỉ lấy nước uống. Về lâu về dài, theo ông Lê Xuân Hồng, việc bảo tồn hệ thống giếng Hang vẫn rất cần được hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để đổ bê tông lối vào, chỉnh trang lại khuôn viên sạch đẹp hơn. Duy chỉ có cây đa xưa cằn cỗi đã không còn và giờ đây được thay thế bởi những cây đa đơm sắc mới.

Đình làng Văn La xưa làm từ các loại gỗ quý, như: lim, dạ hương, gụ... với 5 gian nguy nga tráng lệ, tiếc thay theo sự tàn phá của chiến tranh nay cũng không còn. Đình làng mới xây từ năm 2010 với nguồn vốn do người dân đóng góp. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên đình chủ yếu xây dựng bằng cách “bê tông hóa” hiện đại, không sử dụng các loại gỗ, tuy vậy, vẫn sẽ là nơi lưu giữ vẹn nguyên nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng quê này.

Bên cạnh đó, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, hiếu nghĩa, vẫn được người dân Văn La duy trì hiệu quả, từ phong trào khuyến học, khuyến tài, yêu thương đùm bọc nhau trong cộng đồng... cho đến sự xông xáo, nhiệt tình trong công việc chung, riêng. Ông Lê Xuân Hồng chia sẻ, chẳng hạn, một đám tang ở Văn La chi phí không quá 1,3 triệu đồng, bởi mọi công việc đều được sự hỗ trợ tích cực của bà con chòm xóm, xem như một việc chung của làng, của Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân..., tuyệt nhiên không ăn uống phiền phức, kéo dài.

Đình làng Lệ Kỳ (Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) đang được hoàn thiện.
Đình làng Lệ Kỳ (Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) đang được hoàn thiện.

Cách đó không xa, làng Lệ Kỳ (nay gồm 3 thôn Lệ Kỳ 1, 2, 3 thuộc Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) cũng không ngừng nỗ lực để níu giữ những mạch ngầm văn hóa có tự bao đời nay. Mặc dù không ít nghề truyền thống (trồng bông, dệt vải, tơi nón, làm bún...) đã không còn tồn tại, nhưng các phong tục tập quán, lễ hội làng, phong trào hiếu học... vẫn không hề mai một theo thời gian.

Ông Phan Xuân Mai, Trưởng làng Lệ Kỳ cho biết, với sự đóng góp của hơn 600 hộ thuộc 3 thôn và sự chung sức của con em làm ăn xa quê, đình làng Lệ Kỳ đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc của làng.

Hệ thống các làng, xã xưa của Quảng Bình theo thời gian con tạo xoay vần đã không ngừng biến đổi, nhiều giá trị vật thể đã mất đi, không ít giá trị phi vật thể lạc lõng giữa cuộc sống hiện đại, nhưng cái cốt lõi tinh thần bên trong của nét văn hóa làng vẫn còn trường tồn vĩnh cửu. Đúng như nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng đã chiêm nghiệm, các làng xã luôn có một chiều sâu, chiều rộng vững chãi đủ bền để níu giữ những nét đẹp cổ truyền xưa, từ lễ hội, câu ca, điệu hát... cho đến phong tục tập quán, nếp sống văn minh...

Đó luôn là thành lũy vững chắc nhất, bảo vệ cho bất cứ sự xâm nhập ngoại lai không phù hợp nào. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tú cũng bày tỏ nhận định trong cuốn “Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình” (NXB Thuận Hóa, 2007): “...

Rõ ràng, nếp sống văn hóa của mỗi làng khi đã truyền từ ngàn năm thì dù có du nhập một nền văn hóa nào khác cũng không dễ một chốc mà mất đi những tinh hoa của nó và trái lại có khi lại phong phú hóa cho cái cũ...”. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay nằm trong tay các bạn trẻ, bởi chính họ mới là người nuôi dưỡng và quyết định sự sống còn của chính những giá trị trường tồn đó.

Mai Nhân