.

Địa phương nào để tội phạm lộng hành, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ

Thứ Ba, 07/03/2017, 16:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là nội dung phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác năm 2016, triển khai chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2017 được tổ chức vào ngày 7-3. Tại điểm cầu Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới", Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ đã tập trung phối hợp, tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành các chủ trương, chiến lược, kế hoạch chỉ đạo nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người.

Nhờ vậy, trong năm 2016, nhiều mục tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra như: số vụ phạm pháp hình sự giảm 4,4%; tỷ lệ điều tra phá án đạt trên 78%, tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm đạt 90,15%; đã triệt phá được nhiều băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, các vụ án nghiêm trọng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tội phạm dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là tội phạm có tổ chức như cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê; tội phạm giết người; tội phạm về kinh tế, tham nhũng; tội phạm ma túy... Đặc biệt, một số loại ma túy mới như "cỏ Mỹ", "tem giấy", "bùa lưỡi" xuất hiện trong thời gian gần đây đang trở thành trào lưu trong giới trẻ nhưng chế tài xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm trong thời gian tới. Trong đó, tập trung triển khai Quyết định số 199 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả quan trọng mà Ban Chỉ đạo 138/CP và các địa phương đã đạt được. Đồng chí cũng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tích cực triển khai trong thời gian tới, gồm: tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về công tác phòng chống tội phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác phòng chống tội phạm gắn với phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác phòng chống tội phạm cần bám sát các kế hoạch, chỉ tiêu đã phê duyệt, tập trung thực hiện trong quý I-2017; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị, địa phương, đồng thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tội phạm; chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu giải quyết kịp thời các vụ việc từ cơ sở, địa phương nào để tội phạm hoạt động lộng hành, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trong quá trình tham gia phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên bao che cho các hoạt động của tội phạm…

Ngọc Mai