(QBĐT) - Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2011-2017 đã có 4 nạn nhân tử vong, 128 người bị thương tật trong những vụ việc liên quan đến BLHĐ và VPPL tại các cơ sở giáo dục- đào tạo toàn tỉnh. Trước thực trạng báo động này, ngành Giáo dục- Đào tạo, các cơ quan chức năng liên quan và toàn xã hội cần nhận diện rõ và sẵn sàng đối mặt để có những giải pháp khắc chế, vì một môi trường giáo dục an toàn, văn minh…
>> Bài 1: Những góc khuất học đường
Xin trích dẫn từ bản Kế hoạch phối hơp số 685/KHPH-CAT-SGDĐT, ngày 9-4-2018 giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục- Đào tạo về phối hợp, khảo sát, đánh giá thực trạng BLHĐ và VPPL tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Hệ thống camera giám sát giúp BGH Trường THPT Đào Duy Từ kiểm soát chặt chẽ mọi diễn biến trong nhà trường, một biện pháp hữu hiệu để phòng chống BLHĐ. |
Theo đó, cần phải đánh giá đúng thực trạng, tình hình, kết quả công tác phòng chống BLHĐ và VPPL. Trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; vận động mọi tầng lớp nhân dân kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, góp phần làm giảm VPPL tại các cơ sở giáo dục.
Từ bản Kế hoạch phối hợp số 685/KHPH-CAT-SGDĐT, các số liệu do Công an tỉnh cung cấp không khỏi khiến toàn xã hội giật mình: Từ tháng 11-2011 đến tháng 11-2017, toàn tỉnh xảy ra 308 vụ BLHĐ và VPPL tại các cơ sở giáo dục, liên quan đến 656 đối tượng; có 342 nạn nhân bị xâm hại; làm chết 4 người, bị thương 128 người.
Đi sâu vào các tình tiết những vụ BLHĐ và VPPL tại các cơ sở giáo dục cho thấy, trong giai đoạn 2011-2017 mỗi năm bình quân xảy ra 44 vụ. Năm 2011 xảy ra nhiều nhất với 49 vụ; các năm 2014, 2016 ít nhất với 39 vụ. BLHĐ và VPPL không những xảy ra trong nhà trường mà còn ở bên ngoài phạm vi nhà trường với 157 vụ.
Đặc biệt ở địa bàn nông thôn, vấn nạn HS gây gổ, đánh nhau, kéo bè, kết phái VPPL xảy ra nhiều hơn ở thành thị, chiếm tỷ lệ đến 83% với 257 vụ; khu vực miền núi chỉ có 14 vụ, ít hơn nhiều so với địa bàn thành thị, 37 vụ.
HS trong độ tuổi từ 12 đến 17, giai đoạn hình thành nhân cách con người, tâm sinh lý thay đổi lớn. Tác động xấu từ bên ngoài đến HS chỉ cần hành vi nhỏ cũng có thể kích thích tiêu cực khiến các em chọn cách hành xử cực đoan dẫn đến VPPL.
Thầy giáo Dương Văn Trai, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ: "Tôi cho rằng vai trò giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng trong vấn đề giáo dục, định hướng kỹ năng sống, nhân cách, đạo đức HS, vì giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi, gắn bó, hiểu tâm lý HS sâu sát nhất”. |
Điều này thể hiện rõ khi các vụ BLHĐ và VPPL tập trung tại các trường THPT, chiếm đến 70% với 217 vụ; THCS 79 vụ, trong lúc đó bậc TH và Mầm non chỉ có 2 vụ. Tính chất, mức độ các vụ BLHĐ và VPPL cũng không giống nhau, phần lớn HS gây gổ, đánh nhau chiếm 79,9% với 246 vụ; có 18 vụ uy hiếp tinh thần, đặc biệt xảy ra 2 vụ xâm hại tình dục.
Đối tượng gây ra BLHĐ và VPPL tại các cơ sở giáo dục chủ yếu là nam giới, lứa tuổi HS THPT có 508 đối tượng chiếm 77,4%; cá biệt giáo viên có 5 người, đội ngũ làm công tác quản lý bị liên quan 3 người. Trong các vụ BLHĐ và VPPL xảy ra giai đoạn 2011-2017, Cơ quan Công an tiến hành khởi tố 13 vụ; xử lý hành chính 131 vụ và áp dụng các hình thức khác 164 vụ.
Quá trình đi sâu tìm hiểu về tình trạng BLHĐ và VPPL tại các cơ sở giáo dục toàn tỉnh, một điều khiến chúng tôi băn khoăn là một số trường học “dày” số vụ BLHĐ qua các năm vẫn lọt vào danh sách đạt chuẩn “An toàn về an ninh- trật tự”.
Đơn cử, năm học 2015-2016, UBND tỉnh công nhận 39 trường đạt chuẩn “An toàn về an ninh- trật tự”; năm học 2016-2017, công nhận 36 trường đạt chuẩn “An toàn về an ninh- trật tự”. Trong lúc đó Trường THPT Lê Trực (huyện Tuyên Hóa) xảy ra 59 vụ BLHĐ và VPPL, đứng “đầu bảng”; Trường THPT Quảng Ninh 16 vụ; Trường THPT Phan Đình Phùng (TP. Đồng Hới) 14 vụ; Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Lệ Thủy) 13 vụ… vẫn có mặt trong danh sách được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn “An toàn về an ninh- trật tự”.
Trung tá Trần Ánh Dương, Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh phân tích nguyên nhân xảy ra BLHĐ và VPPL tại các cơ sở giáo dục: “Xét tự bản thân HS, trong độ tuổi từ 12 đến 17, độ tuổi hình thành nhân cách của các em, cùng với đó là tâm lý không ổn định, cái tôi cá nhân cao, chỉ cần không vừa ý một điều gì đó khiến các em bức bối, khó chịu dẫn đến không kiềm chế lời nói, hành vi.
Chỉ cần tác động kích thích tiêu cực từ bên ngoài sẽ khiến các em học theo. Do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, sai lệch trong ứng xử, non nớt trong kỹ năng sống dẫn đến nảy sinh cái sai trong nhận thức và hành động, đặc biệt là HS bậc THPT.
Về phía gia đình, phụ huynh HS thiếu quan tâm, giáo dục, định hướng cho con cái. Nhiều gia đình chỉ biết chu cấp đầy đủ tiền bạc cho con cái tiêu xài mà không quan tâm đến cuộc sống của con. HS cá biệt thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt: bố mẹ ly hôn, cha mẹ có thu nhập thấp, nghiện ngập, VPPL, bạo lực gia đình…
Ở góc độ nhà trường, gần như chỉ chú trọng đến dạy văn hóa, chạy theo bệnh thành tích, xem nhẹ giáo dục tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho HS, thiếu theo dõi, hướng dẫn, khuyên răn và không phát hiện, ngăn chặn kịp thời những mâu thuẩn trong nội tại các em. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gây gổ, ẩu đả, xô xát nhau. Việc giáo dục đạo đức cho HS đang rất có vấn đề. Mối quan hệ gia đình- nhà trường- xã hội thiếu chặt chẽ…”
Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, lý tưởng sống đẹp cho HS sẽ có một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. |
Chúng tôi có dịp trở lại thăm trường THPT Đào Duy Từ, một trung tâm đào tạo chất lượng bậc học THPT của tỉnh. Bàn về vấn đề BLHĐ và VPPL, cách phòng chống, hướng đến môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, tích cực, thầy giáo Dương Văn Trai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2017-2018, trường Đào Duy Từ có 33 lớp, 1.403 học sinh. Nhà trường nhận định đâu đó trong cuộc sống, giao tiếp giữa HS và HS đang còn ẩn chứa nhiều mâu thuẫn, nếu không kịp phát hiện, giải tỏa kịp thời sẽ dễ phát sinh BLHĐ và VPPL.
Hiện tại trong phạm vi toàn trường đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát, hình ảnh truyền trực tiếp đến các thành viên trong Ban giám hiệu, mọi hoạt động của giáo viên HS sẽ dễ dàng giám sát từ xa. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng BLHĐ và VPPL đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; giữa ngành Giáo dục và ngành Công an; huy động sự vào cuộc của tất cả các đoàn thể, tổ chức chính trị".
Thầy giáo Trần Đình Nhân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo khẳng định: “Sự phối hợp giữa nhà trường và các tổ chức chính trị- xã hội, chính quyền địa phương, tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giám sát, giáo dục HS là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả BLHĐ. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần phát huy vai trò, trách nhiệm của HS, lấy HS làm trọng tâm trong tố giác hình vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để nhà trường và gia đình có biện pháp ngăn chăn, xử lý kịp thời”.
Thanh Long