.

Khu mộ vụ thảm sát Hòa Luật Nam (Cam Thủy): Bao giờ mới chính danh lịch sử?-Bài 2

Thứ Năm, 04/08/2016, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Trưa tháng 7 nắng chát chúa trên đồi cát chênh chao, bước chân chúng tôi bước chậm trên lối nhỏ dẫn vào khu nghĩa trang đặc biệt ấy. Trên những lối đi lẫn hòa trong cát, không hiểu sao đôi bàn chân cứ day dứt và đầy ám ảnh dẫu hơn nửa thế kỷ qua, nơi đây, khói hương vẫn nghi ngút như an ủi, vỗ về những ngôi mộ cát vô danh.

>> Bài 1: Đồn Hòa Luật Nam-chứng tích bi hùng

Bài 2: Ước nguyện trên đồi cát

Dẫn chúng tôi đến đây, đồng chí Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cứ nhắc hoài câu nói: đến bao giờ, nghĩa trang này mới được công nhận là di tích lịch sử về chứng tích tội ác chiến tranh, để phần nào an ủi những người đã khuất và làm ấm lòng những người còn sống?

Trăn trở của người đang sống

Trong những dòng hồi tưởng đầy đau thương về những năm tháng ấy, điều khiến ông Ngô Thanh Nghị (77 tuổi), nguyên là Chủ tịch UBND xã Cam Thủy những năm 1964-1966 ám ảnh mãi không chỉ là những hình ảnh chết chóc kinh hoàng, mà ông còn nhớ mãi câu chuyện về tấm lòng kiên trung, chứa chan tình cảm của người xứ cát quê ông.

“Đó là một buổi trưa hè nắng nực, bọn lính Pháp dẫn một người phụ nữ ra chỗ bắn. Tôi nhớ lúc đó bà mặc bộ áo dài đen, đội nón lá. Họng súng ngay sát sau gáy nhưng trên gương mặt bà ấy không hề có chút run sợ. Đi qua cánh đồng, thấy người đang làm ruộng, đầu trần giữa cái nắng chang chang, bà đã bỏ chiếc nón lá trên đầu rồi nói: Tui sắp chết rồi, chị cầm mà đội. Nói rồi, bà lại hiên ngang ngẩng cao đầu bước tiếp”, câu chuyện ông kể bị ngắt quãng đôi ba lần bởi những nghẹn ngào chỉ chực trào ra nơi khóe mắt. Sau tất cả những kìm nén, giọt nước mắt mặn mòi tuổi già chậm rãi lăn xuống đôi gò má đã chằng chịt vết nhăn. Trong những giọt nước mắt đớn đau lẫn tự hào có cả sự day dứt khôn nguôi!

Rồi ông lão nén xúc động nói tiếp: “Họ sống kiên trung như rứa, mạnh mẽ như rứa nên nếu con cháu hôm nay, sống trong hòa bình mà lại lãng quên họ là điều không thể chấp nhận được. Tôi cứ nhớ mãi những ngày đó, rồi lại ám ảnh, lại khóc”.

5 ngôi mộ tập thể với gần 2.000 bộ hài cốt.
5 ngôi mộ tập thể với gần 2.000 bộ hài cốt.

Những năm sau đó, chính ông là người trực tiếp tham gia vào những đội cất bốc, quy tập hài cốt và cũng chính ông, trong những năm hòa bình, vẫn miệt mài đi gõ cửa cơ quan chức năng, tìm gặp những nhân chứng còn sót lại để mong khu nghĩa trang này có được sự ghi nhận xứng đáng. Ông đã đi khắp các vùng quê ở Lệ Thủy, tìm thân nhân những người đã khuất, rồi tìm đến các cơ quan chức năng cấp tỉnh, cấp huyện cậy nhờ sự giúp đỡ. Một hội nghị ngay sau đó đã được diễn ra có sự tham gia của các nhân chứng lịch sử, của các cơ quan văn hóa nhưng vẫn chưa thể đi đến kết luận.

Từ năm 2010  đến 2012, ông liên tục gửi kiến nghị đến UBND tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch để tìm kiếm câu trả lời cho việc công nhận khu nghĩa trang Hòa Luật Nam là di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Cũng như ông lão, nhiều năm qua, chính quyền xã Cam Thủy đã có nhiều nỗ lực để khu nghĩa trang vô danh này có được sự ghi nhận xứng đáng. Thế nhưng, như lời của đồng chí Chủ tịch UBND xã Nguyễn Bá Trọng thì “Tất cả đều trở về trong vô vọng. Theo như lập luận của các cơ quan cấp trên thì đây chưa thể gọi là một vụ thảm sát bởi số lượng hài cốt quy tập được là rất lớn nhưng trong đó, tên tuổi nạn nhân lại rất ít ỏi. Việc này sẽ càng ngày càng khó khăn hơn khi nhân chứng thời kỳ đó đều đã lần lượt về với tiên tổ”.

Vướng tại hồ sơ

Đưa câu chuyện chưa có lời kết về khu nghĩa trang vô danh trên động cát Cam Thủy đến gặp bà Trần Thị Lý, Trưởng Ban quản lý di tích và danh thắng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, điều chúng tôi nhận được cũng là cái lắc đầu bất lực. Bà bảo, nhiều năm làm nghề và gắn bó với những di tích trong tỉnh, điều khiến bà băn khoăn và day dứt nhất chính là những địa chỉ hiển hiện cả trong quá khứ và thực tại nhưng lại chưa được công nhận vì... vướng hồ sơ. Vụ thảm sát Hòa Luật Nam cũng là một trong những địa chỉ khiến bà trăn trở.

Theo bà Lý, đã nhiều năm trước, cán bộ Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát địa điểm này. Nhất là năm 2003, sau khi tham gia lễ cất bốc, quy tập hài cốt ở động Trôốc Voi của xã Cam Thủy, tận thấy hàng trăm bộ hài cốt lẫn hòa vào nhau, lẫn luôn vào trong cát, họ đã đưa nghĩa trang Hòa Luật Nam vào diện có dấu hiệu di tích, tiếp tục tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ.

Thời gian sau đó là rất nhiều những hoạt động như sưu tầm hiện vật, tư liệu lịch sử, tổ chức hội thảo với mong muốn công nhận nơi đây là di tích lịch sử cấp tỉnh về chứng tích tội ác chiến tranh. Những nỗ lực ngày càng gấp gáp hơn bao giờ hết bởi sợ rằng những nhân chứng hiếm hoi còn lại không thể sống mãi cùng thời gian. Thế nhưng, trở ngại lớn là trong cuốn Lịch sử đảng bộ huyện Lệ Thủy và các văn bản chính thống khác lại không thấy nhắc đến vụ thảm sát này.

Theo Luật Di sản và các văn bản khác (Nghị định số 98/2010/NĐ–CP ngày 21/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá, Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh - PV) quy định rõ, một trong những mục chính của hồ sơ công nhận di tích là sự kiện, nhân vật lịch sử và thuộc tính di tích.

Cụ thể, theo bà Lý, để công nhận một địa điểm là di tích lịch sử về chứng tích tội ác chiến tranh, thì phải cung cấp số lượng, tên tuổi của các nạn nhân. Trong khi đó, tại Hòa Luật Nam, điều này lại không thể thực hiện được. Có lẽ tại bởi, trong chiến tranh loạn lạc, việc các chiến sỹ và cả dân thường khắp nơi trong huyện bị bắt bớ, giết hại trong bí mật và bị chôn chung trong cùng một hố cát khiến thân nhân họ không thể rõ ràng tung tích. Tên tuổi của hầu hết nạn nhân càng không tường tận.

Để ấm lòng những linh hồn vô danh

Năm 2003, nghĩa trang vô danh trên động Trôốc Voi được đầu tư xây dựng. Năm 2013, khu nghĩa trang đặc biệt này tiếp tục được tôn tạo khang trang hơn bằng nguồn đóng góp xã hội hóa. Trước đó không lâu, được sự nhất trí của UBND huyện Lệ Thủy, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Cam Thủy đã tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân. Một buổi lễ linh thiêng và trang trọng có sự tham gia của rất đông các tăng ni, phật tử, bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh. Với người đã khuất vô danh, đó là một sự an ủi ấm áp, riêng với những người đang sống hôm nay, đó là sự an ủi cần có cho một quá khứ không dễ bị lãng quên.

Theo ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy, thì dẫu khu nghĩa trang đặc biệt này có được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh hay không thì hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau, chính quyền và nhân dân vùng đất cát này vẫn chăm sóc nơi đây bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm của bậc hậu sinh.

Rằm tháng 7 hàng năm, Đoàn thanh niên xã Cam Thủy đứng ra tổ chức cho cán bộ ủy ban và nhân dân xã nhà thắp nến tri ân cho các phần mộ vô danh. Hơn 1.000 ngọn nến được thắp lên bằng tất cả sự biết ơn và tri ân sâu sắc. Những ngọn lửa nhỏ nhoi mong làm ấm lòng người đã khuất. Những ngày rằm, hay các dịp giỗ chạp, lễ Tết, người dân xã Cam Thủy lại ra động cát này hương khói cho những ngôi mộ vô danh như thể đang tưởng nhớ chính người thân của mình. Bởi họ biết rằng, trong lòng động cát quê hương kia, những ánh mắt người trẻ, những tiếng khóc người già vẫn còn vảng vất đâu đó đầy ám ảnh.

Trưa tháng 7, giữa hàng hàng những ngôi mộ không tên, khói hương bảng lảng trong rì rào gió, tôi hiểu, có những nỗi đau không dễ gì quên lãng! Hôm nay, những ngôi mộ tập thể vô danh vẫn đang hiện hữu hàng ngày và nỗi day dứt tâm khảm người đang sống mỗi ngày cứ ứ đầy thêm.

Diệu Hương