.

Vươn ra biển lớn

Thứ Sáu, 08/07/2016, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm tháng miền Bắc XHCN đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa, Quảng Bình - vùng đất giáp giới đi vào lịch sử cả nước qua lời khen ngợi của Bác Hồ “Chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Quảng Bình càng rạng danh hơn từ các phong trào: Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, buồm Quang Phú, trống Bắc Lý, cờ Ba Nhất...

Những ngày tháng sáu, kỷ niệm 59 năm Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16-6-1957 - 16-6-2016), tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Xuân Diều, nguyên Chủ nhiệm HTX đánh cá cấp cao Quang Phú, người cùng Đảng bộ, nhân dân xã Quang Phú gây dựng nên phong trào “Buồm Quang Phú” dẫn đầu ngành thủy sản toàn miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1966.

Tất cả để xây dựng HTX kiểu mới

Ông Nguyễn Quang Diều sinh năm 1938, đảng viên 55 tuổi đảng, hiện tại đang nghỉ hưu tại thôn Tây Phú, xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới. Gợi nhớ về một thời: “Rừng là nhà, biển cả là quê hương, bãi cát rừng dương là bức tường vững chắc”; “Lặng đánh cá, động phá hoang”... đưa Quang Phú từ vị trí tập đoàn đánh cá cấp thấp tiến lên HTX đánh cá cấp cao được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến, ông Diều khẳng định: “Đó là sự đồng thuận, đoàn kết, sự chỉ đạo đúng hướng, hợp lòng dân từ Trung ương đến tận mỗi một người dân”.

Cảnh tấp nập mỗi khi tàu cá cập bến của HTX đánh cá cao cấp Quang Phú trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Cảnh tấp nập mỗi khi tàu cá cập bến của HTX đánh cá cao cấp Quang Phú trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1959 từ các tập đoàn đánh cá manh mún, dưới sự chỉ đạo của Ty thủy sản Quảng Bình, Phòng nghề cá huyện Quảng Ninh, chi bộ thôn Phú Hội thành lập 4 HTX ngư nghiệp cấp thấp: Tân Tiến, Tân Lập, Bắc Ninh, Quách Xuân Kỳ. 100% hộ dân Phú Hội tự nguyện vào HTX trên tinh thần “Hợp tác xã là nhà, biển cả là quê hương”. Tài sản ngư lưới cụ, thuyền bè, chum vại trở thành công sản chung, không chút so bì, tị nạnh.

Theo đà phát triển của quan hệ sản xuất, tư liệu sản xuất, Tỉnh ủy, UB Hành chính tỉnh, trực tiếp là các đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Bội, Chủ tịch UB Hành chính tỉnh cùng xuống cơ sở “bắt tay chỉ việc”. Tháng 11-1960, HTX đánh cá cấp cao Quang Phú ra đời do ông Lê Trạm làm Chủ nhiệm, ông Nguyễn Liệu làm Bí thư chi bộ.

Nhân dân Phú Hội bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới. Với phương châm thắt lưng buộc bụng, xây dựng HTX từng bước tiến lên, khi lực lượng sản xuất thống nhất, ý chí trong chi bộ Đảng thống nhất, cán bộ, đảng viên vận động xã viên phải vươn xa, vươn khơi, đánh bắt dài ngày “xuất quân hạ trại, sắm nghề khơi bám biển ngày dài”.

Ban đầu HTX cử các đảng viên, xã viên ưu tú đi tham quan những mô hình đánh giã đôi tại tỉnh Thanh Hóa; Cửa Hội (Nghệ An). Đặt đóng hai cặp giã đôi ở Cửa Hội mang về do ông Nguyễn Xão, Phó Chủ nhiệm HTX, Nguyễn Trọng Hiếu, Nguyễn Khuê, Nguyễn Hoách chịu trách nhiệm khâu kỹ thuật. Hình thành nên 4 đội sản xuất, xuất quân đánh bắt tại biển Ngư Thủy cách Đồng Hới 70km.

Sau một thời gian thâm nhập ngư trường, đội xuất quân đã gây được tiếng vang lớn. Nhân dân Ngư Thủy hết lòng ca ngợi về cách thức đánh bắt mới, tinh thần đoàn kết chịu thương, chịu khó của ngư dân Quang Phú. Từ khi có đơn vị xuất quân Quang Phú, Ty Thủy sản Quảng Bình thành lập trạm thu mua đặt tại thôn Trung Chính.

Trong phong trào đánh cá, những đảng viên như: Lê Út, Lê Lạp, Dương Phiên, Nguyễn Bưỡi... một lòng một dạ vì HTX, vì phong trào, họ bám biển bằng phương châm “năng nhặt, chặt bị”, vừa đánh bắt, vừa tuần tra canh phòng vùng biển từ Ngư Thủy về đến Gia Ninh.

Tháng 6-1961, đội xuất quân chuyển sang vùng đánh cá mới tại Bắc Tân Định, xã Gia Ninh và vùng biển phía nam xã Bảo Ninh có trữ lượng cá lớn hơn. Song song với nhiệm vụ đánh bắt, 4 đội sản xuất còn tiến hành xây dựng lán trại tập trung tính kế bám biển lâu dài. Sản lượng đánh bắt duy trì ổn định, năm sau cao hơn năm trước.

Hết lòng vì HTX, đó là ý chí chung toàn dân Quang Phú. Chị Nguyễn Thị Xảnh đi nhặt từng gánh sứa về bán nhập vào HTX để chấm công điểm. Bà Phạm Thị Bởn, gia cảnh nghèo khó cũng lên rừng hái sim lấy tiền đưa vào quỹ chung... Giai đoạn 1960-1963 là thời kỳ “vàng son” của HTX đánh cá cấp cao Quang Phú và nhân dân Phú Hội: năm 1960, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; 1961-1962, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, công nhận HTX Quang Phú lá cờ đầu của ngành thủy sản. Ngày 25-8-1961, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm. Tháng 3-1962, vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 13-2-1963, đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng...

Ngoài ra, đã có hàng chục cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành; lãnh đạo tỉnh, các địa phương trong nước; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước các nước XHCN, khách quốc tế... đến tham quan, học tập mô hình HTX đánh cá cấp cao Quang Phú.

Sáng tạo trong lao động, anh hùng trong chiến đấu

Dòng hồi ức của ông Nguyễn Xuân Diều cũng giúp tôi hình dung ra một HTX đánh cá anh hùng, hiên ngang trước biển, trước mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ, duy trì vị thế “ngọn cờ đầu” suốt những năm tháng chiến tranh phá hoại. Sản lượng đánh bắt năm sau cao hơn năm trước. Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965), tổng sản lượng đánh bắt 2.135 tấn, đạt 120% kế hoạch.

“Thời kỳ này, tôi được bà con xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX. Càng vinh dự hơn khi trở thành đại biểu “Hai giỏi” tham dự Đại hội “Hai giỏi” tỉnh Quảng Bình tại chiến khu Ba Rền” - Ông Nguyễn Xuân Diều kể.

Bước sang năm 1967 kéo dài cho đến năm1973, chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Với vị trí nằm phía bắc thị xã Đồng Hới, sát sân bay Hữu Cung, Quang Phú là “tọa độ lửa”, người Quang Phú tản cư lên Tuyên Hóa chỉ để lại lực lượng dân quân du kích trực chiến, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. HTX Quang Phú vẫn ổn định quân số “vững tay chèo, chắc tay súng”. Sản lượng đánh bắt giai đoạn 1968-1973 đạt 2.650 tấn, bằng 130% kế hoạch; thực hiện nghĩa vụ nhà nước đạt 121%.

“Vì sao trong bối cảnh trên bom dưới đạn, vậy mà HTX Quang Phú vẫn ổn định được sản xuất, bám biển dài ngày, lấn dần tàu địch ra xa bờ biển?” Ông Diều nhấn mạnh- “Chúng tôi sáng tạo ra cách đánh cá bằng ánh sáng. Sau khi đội rà phá thủy lôi tiến hành xong công tác rà phá. Đảng viên cùng xã viên lên thuyền, căng buồm vươn khơi. Mỗi tổ đánh cá bằng ánh sáng (chủ yếu là đèn măng-sông) gồm 3 thuyền.

Đêm đến, khi ra ngư trường, bố trí cho 2 thuyền đánh bắt hoạt động cách xa thuyền ánh sáng. Máy bay địch, pháo hạm bắn từ tàu cứ nhằm thuyền có ánh sáng mà bắn phá. Đạn bom vậy, có trúng thì cũng không tổn thất về người. Ở 2 thuyền còn lại an tâm công việc, trên thuyền chỉ có 3 người nhưng thực hiện đủ 3 loại nghề: đánh lưới, câu mực, giã vây”.

Ngư dân Quảng Bình ra khơi bám biển.
Ngư dân Quảng Bình ra khơi bám biển.

“Đêm hôm sau, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc như thế, địa điểm đánh bắt tiến xa hơn một chút, thuyền ánh sáng tiến tới gần tàu địch thêm một chút... Cứ thế... cứ thế... sản lượng khai thác tăng lên, tổn thất về người giảm đi, ngư trường, vùng biển của ta lấn ra xa hơn...” - ông Nguyễn Xuân Diều cười đầy tự hào.

Vươn ra biển lớn

“Nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định rồi: “Bây giờ sông nước về ta/Đi khơi đi lộng thuyền ra thuyền vào”.Biển này là của ta, bầu trời này là của ta. Phải  quăng ra biển lớn, không thể cứ bám lấy vùng lộng gần bờ được. Quang Phú anh hùng, thành phố Đồng Hới anh hùng, Quảng Bình hai giỏi anh hùng... cần vươn đến ngư trường rộng bằng tàu to, bằng ý chí, nghị lực, trí tuệ của những ngư dân thời đại mới.

Chuyện cá chết ở vùng biển các tỉnh miền Trung đã là chuyện quá khứ. Đảng viên chúng tôi và nhân dân hơn lúc nào hết vẫn một lòng tin vào Đảng, Nhà nước. Nhưng Đảng, Nhà nước cũng đừng phụ lòng tin vào nhân dân. Hiện tại nhân dân chờ câu trả lời dứt khoát để an lòng dân. Biển đã an toàn hay chưa? Con tôm con cá ngư dân đánh bắt đã ăn được chưa? Dân chỉ cần có thế.

Đảng, Nhà nước thương ngư dân miền Trung gặp phải sự cố quá lớn, sản xuất đình trệ, tàu thuyền nằm bờ. Du lịch, dịch vụ khủng hoảng vì vắng bóng du khách... nhân dân xót gấp trăm lần! Nhưng dân không thể ngồi không chờ mãi gạo cứu trợ của nhà nước.

Trong chiến tranh, bom đạn, chết chóc, hiểm nguy gấp trăm nghìn lần sự cố cá chết hiện tại nhưng nhân dân Quang Phú, nhân dân Đồng Hới, nhân dân Quảng Bình vẫn sẵn sàng đối mặt vì xác định đúng, rõ nguyên nhân, chấp nhận nguyên nhân đó, kể cả dâng hiến xương máu để dành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no. Còn bây giờ... Phải vươn ra biển lớn thôi ! Ông Nguyễn Xuân Diều khẳng định.

Đóng thêm tàu to, ngư lưới cụ hiện đại, phương tiện đánh bắt hiện đại, sá gì không khắc phục khó khăn cục bộ trong giai đoạn này.

Ngô Thanh Long