.

Thầy cô tôi ngày ấy...

Thứ Sáu, 13/05/2016, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Những chuyện cũ về thầy cô giáo thời tôi, có rất nhiều chuyện vô cùng “cao quý” mà lại giản dị, ngỡ như cha mẹ dạy con trong gia đình, bởi các cụ luôn dồn hết tâm trí và tài năng để làm giáo dục một cách chất phác, vô tư; vì thế nó vẫn "thời sự nóng hổi" cho cả tới ngày hôm nay.

Thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Thành (thứ 2 bên trái), thầy Nguyễn Quang Đăng (mặc áo vest ngồi giữa) cùng thầy cô và học trò các khóa đầu (ảnh chụp ngày 29-4-2007).
Thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Thành (thứ 2 bên trái), thầy Nguyễn Quang Đăng (mặc áo vest ngồi giữa) cùng thầy cô và học trò các khóa đầu (ảnh chụp ngày 29-4-2007).

Tôi rất may mắn, ngay từ lớp 8 (lớp 10 bây giờ) học ở Trường phổ thông cấp 3 Quảng Trạch (cấp 3 Ba Đồn), đã được học Trung văn do thầy giáo Nguyễn Quang Đăng dạy.

Dạo đó, thầy Nguyễn Quang Đăng ăn vận như một “ông Trung Quốc”. Tôi nhận ra vậy, bởi mấy năm trước, làng Hòa Ninh có vài ba “chuyên gia” người Trung Quốc (trọ ở nhà mệ Ngô – mạ nhà thơ Nguyễn Anh Tài, cách nhà tôi vài ngõ xóm) sang giúp bà con trong thôn trồng bông vải cao sản. Họ luôn trong bộ đại cán kiểu “Tôn Trung Sơn” 4 bâu hộp, mũ lưỡi trai đội đầu đều một màu xanh “công nhân” cả. Có lẽ áo quần của thầy cũng là mang từ bên Trung Quốc về nên mới “y trang” thế.

Về trường Nam, thầy Nguyễn Quang Đăng vẫn dạy Trung văn lớp 10 - mặc dù thầy là hiệu trưởng. Trường mới có 5 lớp, nhưng tôi cảm giác như thầy dành nhiều ưu tiên cho lớp 10 hơn cả. Thường kết thúc mỗi tiết học, thầy giáo không về ngay, vẫn nấn ná lại chuyện trò thêm với học trò vô vàn thứ. Vì thế, có lẽ ông là người thầy duy nhất thuộc đủ tên cả lớp tôi (32 người).

Tuy thầy giáo Lê Doãn Cần là chủ nhiệm lớp, nhưng (dạo đó) học trò rất khó gần ông. Có lẽ là thầy giáo mới, lại ít nói và tính (lẫn người)... “khô khốc” nữa hay sao ấy. Trái lại, cụ Đăng đã dạy bọn tôi 2 năm bên trường Bắc rồi. Nhưng quan trọng hơn, ông có cách riêng, độc đáo để gần gũi, thân thiết với học trò chẳng khác anh chị, cha mẹ chúng tôi ở nhà. Chất “nông dân” của thầy lồ lộ, thăng hoa một cách rất chi... “thánh thiện”, khiến bọn con trai con gái trong lớp đều khoái chí và yêu quý thầy.      

Từ lớp 1 lên tới lớp 10, chúng tôi đã qua bao thầy cô, nhưng trong lòng lớp 10 này, thầy giáo hiệu trưởng Nguyễn Quang Đăng được cánh chúng tôi trân quý hơn cả. Thầy đúng là “người bạn lớn” ở trường của anh chị em chúng tôi...

Thầy Hoàng Hiếu Nghĩa là “rể” của làng. Bọn tôi được hưởng tình thân của thầy như “lẽ đương nhiên”; cộng với tính thầy... “quá hiền” nên lớp 10 coi như “chiếm lĩnh” ông giáo này thành “của riêng” 100% luôn! Thế nhưng thật “oái oăm”, ông giáo lại dạy môn Toán – môn học cơ bản, là 1 trong 4 môn thi tốt nghiệp...nên “uy” của “cụ” lúc nào cũng ghê gớm.

Thầy Hoàng Hiếu Nghĩa (Ảnh chụp tháng 12-2014.)
Thầy Hoàng Hiếu Nghĩa (Ảnh chụp tháng 12-2014.)

Ở khía cạnh như câu khẩu hiệu này: “Tất cả vì học sinh thân yêu”, thì bọn tôi cảm thấy ông giáo “dùi mài” thay học trò thực sự; “học thay” (?) học trò  nhiều thứ.

Thầy bày vẽ tỉ mẩn cách học lý thuyết, cách làm bài tập. Ông luôn nói: mỗi bài toán là “trực quan” cụ thể (phản chiếu) của lý thuyết nên các em càng tìm được nhiều lời giải bao nhiêu càng khắc sâu kiến thức bấy nhiêu và luôn nhấn mạnh (mục tiêu): “hiểu bài” chứ không phải “thuộc bài”!

Cách dạy của ông là thế. Ông luôn “lấy công làm lãi”, cốt sao học trò lĩnh hội được, sử dụng được chùm “chìa khóa” ông trao cho để tiến lên tiếp tục khám phá các bí mật toán học đang phía trước.

Mỗi giờ Toán của thầy như một “trận đánh”. Hồi hộp. Lo âu. Ganh đua. Vật lộn. Thắng. Thua. Mừng vui. Vỡ òa. Nước mắt và nụ cười... Kết thúc tiết học, nếu phát hiện có trò nào “còn có vấn đề”, thầy “quất” luôn giờ ra chơi, say sưa như đánh cờ vậy.

Ở thời đó, qua nhiều dịp “bộc bạch” (tự nhiên) trong từng giờ giảng hoặc sinh hoạt ngoài lớp, bọn tôi đã nhận thấy thầy giáo dạy môn Toán mà sao đầy ắp cả kho tàng văn hóa xã hội lẫn tự nhiên phong phú (giàu có) đến thế.

Ông rất rành văn chương đông - tây, kim - cổ; với viễn kiến và năng khiếu độc đáo về sáng tác, khảo cứu đủ mọi đề tài mọi lĩnh vực.

Do đó, sau ngày được nghỉ hưu, thầy giáo của chúng ta “quay ngoắt 180 độ” cho hoạt động văn hóa – nghệ thuật, như “sở trường” và lẽ sống bên kia dốc của cuộc đời mình.        

Mấy chục năm nay, nhà thầy ở ngay bên mép đường cái quan, mỗi bận về quê, rất tiện nên không một lần nào tôi không ghé qua thăm thầy.               

Cách dạy bộ môn Lịch sử với phong thái trầm tĩnh mà cuốn hút, lớp lang, bài bản; kết hợp cùng giọng điệu đậm chất miền Nam là của thầy Văn Hà Đa. Giờ Lịch sử của thầy là quá trình phát huy tâm lý, dẫn dắt khơi gợi trí não học sinh để "cùng thầy" và "tự mỗi chúng ta" khám phá những huyền tích trong mê cung tầng tầng lớp lớp thời gian nghìn năm lịch sử nhân loại cũng như lịch sử đất nước, lịch sử quê hương...

Cho nên, giờ học Sử ngày ấy sao nó thiêng liêng, hấp dẫn đến vậy. Đúng là thầy giáo của chúng tôi người chịu trách nhiệm cùng bản ngã giáo dục của thiên chức nhà trường "vén màn kho báu" bộc lộ ra vẻ đẹp huy hoàng những pho lịch sử bi hùng trước sự ngỡ ngàng của lớp trẻ.

Rồi cách dạy Hóa "bí ẩn" như bà phù thủy, như người làm “ảo thuật” khiến học trò phải "nín thở" đoán già đoán non qua bài giảng lý thuyết lẫn thực hành của cô giáo Lê Thị Hường (chính quê Hòa Ninh). Cả lớp chúng tôi vô cùng thích thú, cứ mỗi bài mỗi chất hóa học, mỗi định luật..., qua cách dạy của cô giáo Hường là những câu chuyện khai sáng văn minh trong lịch sử nhân loại.

Phong thái và cách dạy môn Địa lý của thầy giáo Mai Xuân Trang cũng là “để đời” cho chúng tôi. Nhớ khi học bài Địa lý về “Hệ thống sông Cửu Long”, mở đầu bài giảng thầy đọc cho nghe bài thơ “Cửu Long giang ta ơi...” của nhà văn Nguyên Hồng, với nhưng câu thơ hùng vĩ:

“Mê Kông sông dài hơn hai ngàn cây số
mông mênh
Nguồn tự Trung Hoa có Vạn Lý
Trường Thành
Có Hy Mã Lạp Sơn, Ðộng Ðình hồ,
Tây du, Thủy Hử
Mê Kông chảy
Cây lao đá đổ
Ngẫm nghĩ voi đi
Thác Khôn cười trắng xóa
Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương
Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn”.

Bài học về hệ rừng Trường Sơn “vừa che bộ đội, vừa vây quân thù” và những đồng bằng phì nhiêu trù phú 2 miền Bắc – Nam của nước ta, thầy đọc cho nghe mấy câu thơ trong bài “Bài ca Hắc Hải” của nhà

Cô giáo Lê Thị Hường (Ảnh chụp ngày 10-12-2015.)
Cô giáo Lê Thị Hường (Ảnh chụp ngày 10-12-2015.)

văn đa tài Nguyễn Đình Thi:

“Việt Nam đất nước ta ơi  
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn (dập dờn?)
Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều  
Quê hương biết mấy thương yêu  
Bao nhiêu đời đã đổ nhiều máu xương”.

Đăm chiêu qua đôi mắt cùng giọng đọc thơ chất Nghệ An trầm hùng mà thảng thốt, gieo vào tâm khảm học trò đến mê mẩn. Thầy đọc hay lắm, không thua kém giọng đọc diễn cảm của bất cứ một thầy giáo dạy Văn nào.

Thầy vừa giảng vừa vẽ bản đồ, loáng một cái là hiển hiện ra liền hình thù “năm châu bốn biển”, hình thù “nước Việt Nam liền một dải với cầu Hiền Lương – sông Bến Hải đang tạm thời chia cắt đôi miền”...

Nhiều thầy giáo khác, khi đứng lớp, một tay cầm phấn viết, một tay cầm giẻ lau, cứ nhồm nhoàm bụi phấn và lọ nghẹ.

Riêng thầy Trang, một tay vừa phấn vừa giẻ lau, còn tay kia thường dành cầm giáo án hay sách giáo khoa, sạch sẽ gọn ghẽ từ đầu chí cuối.

Hình ảnh “Bản đồ mới tường vôi cũng mới - Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao” và dáng người đậm nhưng “thư sinh” của thầy Trang ngày ấy trong cách ăn vận chiếc áo sơ mi vải “pô - pờ - lin” cổ cồn trắng muốt, quần ka ki vàng nhạt có nếp là sắc như dao cau và đôi sandal thầy đi cũng vàng nhạt da bò là hình mẫu lý tưởng, là ước ao được làm người “trí thức” trong giới trẻ nhà quê nam sinh bọn tôi.

Hóa ra, người thầy cũng phải luôn song hành với trò như một hình ảnh đạo đức, thẩm mĩ cao khiết khai sáng đầy lãng mạn để dần góp phần tạo nên hoài bão, ước mơ và nhân cách sống trong khoảng đầu đời vô cùng quan trọng của học trò.

Chắc chắn những chuyện tôi vừa kể sẽ là những bài học quý mà lại giản dị, dễ “thẩm thấu” cõi lòng lớp thầy cô bây giờ, chứ không chỉ là "chuyện cũ chép lại".

Lê Quang Vinh