.

Gặp người hai lần được phong danh hiệu dũng sỹ diệt xe tăng Mỹ

Thứ Sáu, 06/05/2016, 09:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những ngày tháng tư lịch sử của đất nước, theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh, chúng tôi tìm về ngôi nhà đơn sơ tọa lạc trong con hẻm nhỏ ở đường Hai Bà Trưng, phường Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) để được gặp nhân chứng sống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ hào hùng của dân tộc ta. Ông là Trần Doãn Sơn (SN 1948), người anh hùng hai lần được phong danh hiệu dũng sỹ diệt xe tăng Mỹ năm xưa.

Dáng người nhỏ thấp, giản dị, đậm chất nông dân, gặp CCB Trần Doãn Sơn, nếu không được giới thiệu trước chắc khó ai tưởng tượng ra trước mắt mình là vị anh hùng đánh giặc ngoại xâm cứu nước với những chiến công lẫy lừng. Ở tuổi 68, ông Sơn vẫn đầy dẻo dai và bền bỉ. Sức bền bỉ được dày công tôi luyện trong chiến trường năm xưa và cuộc sống đời thường hôm nay. Biết thế hệ trẻ chúng tôi muốn tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc, ông vui lắm.

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy còn đọng mãi trong tâm thức CCB Trần Doãn Sơn. Nụ cười luôn ánh ngời trong đôi mắt, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mấy mươi năm theo Đảng, theo Bác Hồ, cùng đồng đội vào sinh ra tử để bảo vệ đất nước và những tháng ngày chiến đấu với “giặc đói”, “giặc nghèo” khi xuất ngũ trở về địa phương.

Xuất thân trong một gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ, cậu bé Trần Doãn Sơn đã tự hun đúc trong mình lòng căm thù giặc sâu sắc. Tháng 10-1966, chàng thanh niên lực điền vốn quen với ruộng vườn, đồng áng hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Niềm vui hiện tại của CCB Trần Doãn Sơn là chăm sóc vườn rau của gia đình.
Niềm vui hiện tại của CCB Trần Doãn Sơn là chăm sóc vườn rau của gia đình.

Sau 5 tháng đầu quân vào đơn vị B300, Thị đội Đồng Hới, ông được biên chế về đội đặc công C13 Quảng Bình. Tháng 10-1968, đơn vị ông được lệnh Nam tiến, cùng chia lửa với quân dân Trị Thiên. Mang trong mình bầu nhiệt huyết sục sôi cùng tình yêu đất nước cháy bỏng, người chiến sỹ trẻ luôn nung nấu khát khao được tận tay tiêu diệt kẻ địch. Và khao khát ấy đã thành hiện thực khi Trần Doãn Sơn tham gia chiến dịch đập tan vỏ thép Abrams của Mỹ tại cao điểm 122 và cao điểm 85 Quảng Trị năm 1970.

Giữa những năm 1970, Mỹ bắt đầu triển khai chương trình phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới nhằm thay thế dòng xe tăng M48, M60 thế hệ cũ. Loại xe tăng Abrams lúc đó được xem là “cỗ máy diệt tăng” đáng sợ của Mỹ với sức công phá dữ dội. Đêm 4-5-1970, phát hiện tiểu đoàn bộ binh cơ giới của Mỹ đóng quân tại cứ điểm 122, phía tây Quảng Trị, đại đội đặc công Quảng Bình nhanh chóng lên kế hoạch, phương án chiến đấu.

Đúng 1h30 phút rạng sáng ngày 5-5-1970, các mũi tiến công của quân ta vào vị trí chiến đấu. Nhiều đồng đội trong đơn vị của ông đã ngã xuống khi mang trong mình khát vọng hòa bình tự do. Chính từ đây, ông Sơn đã tự hứa với lòng mình phải cố gắng sống và chiến đấu hết mình thay phần của đồng đội đã hy sinh.

Bằng sự gan dạ, kiên cường, chỉ sau 15 phút giao tranh, đại đội đặc công Quảng Bình đã hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt được 15 xe tăng, 100 giặc Mỹ. Riêng chiến sỹ Trần Doãn Sơn tiêu diệt được hai xe tăng, một ụ hỏa lực. Phát huy chiến thắng tại cao điểm 122, đơn vị tiếp tục điều tra nắm tình hình địch.

Đến ngày 7-7-1970, đơn vị nhanh chóng triển khai phương án chiến đấu sau khi phát hiện một đơn vị xe tăng Mỹ đóng quân tại cao điểm 85, phía bắc Cam Lộ. Để địch lơ là phòng ngự, đơn vị quyết định tập kích nổ súng vào 3 giờ sáng ngày 8-7. Trong trận đánh này, đại đội đặc công Quảng Bình một lần nữa lập công lớn, tiêu diệu 8 xe tăng và 80 tên địch. Chiến sỹ trẻ Doãn Sơn tiêu diệt 1 xe tăng, thu một súng máy của Mỹ.

“Cảm giác lúc đó sướng chi lạ. Nhìn cảnh xe tăng địch bốc cháy mà đã con mắt. Ngày ấy, khi bước chân vào chiến trường, tôi cũng như bao người lính trẻ khác mang theo khí thế thời đại với ngọn lửa hừng hực cháy trong tim, quyết tâm chiến đấu cho dù trút hơi thở cuối cùng để giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Sống đến ngày hôm nay, tôi may mắn hơn nhiều đồng đội. Rất nhiều người đã ngã xuống và phần lớn trong số ấy đều đang độ tuổi 20. Mình phải sống sao cho xứng đáng với niềm tin của những đồng đội hy sinh đã gửi gắm”, ông Sơn bộc bạch.

Và cũng chính bởi tâm niệm như thế, người CCB ấy đã luôn chiến đấu, lăn xả hết mình tại nhiều chiến trường cam go, khốc liệt để cùng đồng đội “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Năm 1977, ông phục viên rời quân ngũ về công tác tại địa phương, giữ chức Bí thư Xã đoàn, Đảng ủy viên trực Đảng. Dù ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến năm 1979, Trần Doãn Sơn tái ngũ, tiếp tục cầm súng bảo vệ biên cương Tổ quốc cho đến năm 1988 mới xuất ngũ.

Trở lại đời thường với hai bàn tay trắng và những vết thương do di chứng chiến tranh để lại, cuộc sống của CCB Trần Doãn Sơn đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. “Lúc đó trong tay chẳng có gì ngoài mấy sào ruộng, mà làm nông thì cũng chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. Cuộc sống của hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ nhiều lúc tưởng như khó vượt qua được giai đoạn bĩ cực. Nhưng chẳng lẽ mình đánh thắng được bọn đế quốc Mỹ sừng sỏ mà lại bó tay trước “giặc đói, giặc nghèo”.

Nghĩ thế nên tui đã quyết tâm tìm hướng thoát nghèo cho vợ con đỡ khổ”, ông Sơn bộc bạch. Nghĩ là làm, ông lặn lội đi nhiều nơi tìm hiểu các phương thức làm kinh tế hiệu quả. Nghe ở đâu có mô hình kinh tế hay, gương làm kinh tế giỏi là ông đến tìm hiểu, học hỏi.

“Đi nhiều mình mới ngộ ra rằng, mình là nông dân trong tay lại chẳng có vốn thì chỉ còn cách bám vào ruộng vườn, lấy ngắn nuôi dài để cải tạo cuộc sống”. Nghĩ thế nên ông Sơn quyết định đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Ông cải tạo vườn nhà trồng rau, màu đem bán, đồng thời vay vốn xây dựng chuồng trại, mua giống phát triển chăn nuôi lợn, gà. Sự cần mẫn, chịu khó cùng chút táo bạo đã đưa đến thành công cho ông.

Chẳng những thoát được nghèo, cuộc sống của gia đình dũng sỹ hai lần diệt xe tăng Mỹ đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, con cái trưởng thành, ổn định cuộc sống. Với CCB Trần Doãn Sơn, giờ đây niềm vui sống chính là được quây quần bên con cháu, chăm sóc, bầu bạn với ruộng vườn và thỉnh thoảng được gặp gỡ, ôn lại những ngày tháng vào sinh ra tử với các đồng đội cũ.

Đ.V