.

Người kể chuyện làng

Thứ Sáu, 15/04/2016, 08:20 [GMT+7]

(QBĐT) - 86 tuổi, ông nhận mình đã đi qua hết những nổi nênh của cuộc đời, đã chứng kiến tất thảy những buồn vui của làng quê qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử. Suốt cuộc đời chắt lọc tri thức, gom góp kinh nghiệm, khi sắp sửa đến cuối cuộc hành trình đời mình, ông vẫn miệt mài viết, miệt mài chép sử làng như cách để tri ân mảnh đất quê hương.

Ông Võ Thanh Tùng (An Thủy, Lệ Thủy) coi công việc viết sử làng là đam mê, là niềm vui mà “đã vui thì ắt hẳn cũng là niềm hạnh phúc”. Vậy nên dẫu đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe, tuổi tác chẳng còn ủng hộ nhưng ông vẫn đều đặn viết sách, làm thơ.

Nhiều người dân quê coi ông lão có mái tóc bạc phơ, hiền lành, phúc hậu ấy như một cuốn sử sống của làng. Muốn tỏ tường về lịch sử làng, cứ đến gặp ông lão. Lão sẽ kể vanh vách từng chiến công, từng trận đánh, từng bước thăng trầm đã dệt nên mỗi tên đất, tên làng. Ông kể bằng một vốn hiểu biết uyên thâm và may mắn thay, trí nhớ của một ông lão 86 tuổi vẫn còn vẹn nguyên như thuở nào.

Ông sinh ra ở mảnh đất phía tả ngạn sông Kiến Giang-làng Mỹ Lộc Thượng (An Thủy, Lệ Thủy), miền quê của trận càn Xuân Lai-Mỹ Lộc vang danh năm nào. Ông lão kể về làng quê mình bằng tất cả tình yêu và sự ngưỡng vọng hiếm có: “Làng quê này hay lắm, ít có làng nào như Mỹ Lộc Thượng, riêng thời phong kiến đã có 3 Thượng Thư và 7 vị Tiến sỹ, còn truyền thống đánh giặc, giữ làng thì cũng đáng tự hào”.

Và chính bởi cái sự ngưỡng vọng ấy mà khiến ông suốt cuộc đời thao thiết muốn tìm hiểu, muốn viết và ghi dấu lại lịch sử quê hương cho con cháu về sau. Để rồi đến ngày về hưu, ông lão bắt tay vào việc chép sử làng như cái cách ông tìm kiếm niềm vui tuổi già nhưng hơn cả là mong muốn để hậu thế không lãng quên lịch sử.

Ông say sưa nghiên cứu, từ “Ô châu cận lục” (Dương Văn An), “Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn), “Quốc triều hương khoa lục” (Cao Xuân Dục) đến những tài liệu nghiên cứu lịch sử của nhiều tác giả. Càng đọc càng say, rồi chịu khó liên hệ, đối chứng sách sổ, càng có hứng thú viết. Mà càng viết thì lại càng đam mê như thể nếu không viết ra, lịch sử sẽ trôi tuột, lẹ như một cái chớp mắt, như thể nếu không lưu lại, quá khứ sẽ bị vùi chôn đi giữa bao lớp bụi khắc nghiệt của thời gian.

Với ông, lịch sử là điều thiêng liêng và quý giá lắm nên ông đã từng “cự nự” với những người kể chưa đúng về chuyện xưa, chuyện nay, ví như tên người, tên đất hoặc thuật chuyện về thời chiến thiếu chuẩn xác. Chuyện về quê, ông nhớ rất kỹ, ví như trận đánh Xuân Lai-Mỹ Lộc năm xưa ai còn, ai mất, chuyện ông Phủ Tuấn-người làng Mỹ Lộc, đậu cử nhân dưới thời vua Tự Đức... Ông kể vanh vách cả về truyền thống của quê hương và những kỷ niệm mà ông có thời gắn bó.

Ông Võ Thanh Tùng-người chép sử làng.
Ông Võ Thanh Tùng-người chép sử làng.

Ông cho tôi xem những cuốn sổ tay ghi chép cẩn thận về trang sử quê mình. Những dòng chữ tỉ mỉ, tâm huyết. Những trang giấy thấm đẫm ân tình. Mấy chục năm cặm cụi viết sử, đã có bao cuốn sổ dày đặc chữ như thế ra đời. Ông viết rồi lại thuê người gõ lại. Đôi khi tiền công viết sách các làng, xã họ trả cho chả bù được tiền thuê người đánh máy, tiền đi lại. Nhưng ông lão chẳng mấy bận tâm: “tôi có lương hưu, con cái có công việc ổn định cả, chẳng phải bận bịu cơm áo, viết chỉ vì thích thôi”.

Ông là tác giả của các cuốn: Lược sử Mỹ Lộc Hạ, Làng quê Mỹ Lộc Thượng và địa chí, Mảnh đất, con người Tân Lệ, Truyền thống Phú Thọ, Thạch Bàn một vùng quê... và tham gia viết Địa chí huyện Lệ Thủy, Lịch sử làng Thượng Phong, Văn nghệ huyện Lệ Thủy, Hò khoan Lệ Thủy... Viết về làng quê nào ông cũng cất công tìm hiểu, nghiên cứu kỹ, vì như ông bảo “viết sai là có tội với tổ tiên, có tội với cả các thế hệ con cháu về sau”.

Vậy nên, hễ đã nhận lời viết địa chí cho làng xã nào là ông lại đau đáu, trăn trở nhiều bận. Ông đọc sách để nghiên cứu chuyện hôm qua, cất công về tận nơi, ăn cùng, ở cùng với dân làng để hiểu thêm chuyện hôm nay, chỉ với mong muốn có thể lưu dấu lịch sử lại với con cháu ngày mai. “Viết cuốn Truyền thống Phú Thọ, tôi phải về đó ở tận vài tháng trời, địa phương bố trí luôn chỗ ở, rồi người nấu ăn cho.

Mình chỉ chuyên tâm đi tìm hiểu và viết thôi”, ông lão cười hiền. Kể chuyện cũ ra thế mà ông vui lắm, không phải hãnh diện vì bản thân được “đãi ngộ” mà mừng vì chính quyền các làng, xã họ thực sự quan tâm đến việc viết sử làng. Với ông lão, có gì hạnh phúc hơn sự đón nhận của thế hệ hôm nay với lịch sử của cha ông đi trước. Mấy chục năm ông chuyên tâm viết cũng vì lẽ đó.

Ngày nào cũng thế, trong căn nhà rường gợi nhiều thương nhớ xưa cũ, ông vẫn miệt mài viết. Bên bàn làm việc, ông ngồi đó giữa cơ man tài liệu, cùng một cặp kính lão, một ngòi bút và một cuốn sổ dày cộm, ông tỉ mỉ viết từng dòng, cẩn thận lật dở từng trang. Mỗi ngày, ông dành đến 8 giờ đồng hồ chỉ để đọc và viết. Bà Võ Thị Duệ, vợ ông đôi khi cũng đôi lời trách móc. Bà sợ ông không đủ sức, sợ ông ốm đau.

Nhưng hiểu niềm đam mê ấy của chồng, mấy chục năm qua, bà vẫn chăm sóc, lo toan mọi sự vẹn trọn chỉ để ông chuyên tâm viết. “Năm 2007, tôi tưởng mình chết hụt khi bị tai biến, liệt nửa người. May quá, trời thương, không chỉ cho tôi sống thêm mà còn chẳng để lại di chứng gì. Những phúc đức mà mình nhận được thì cũng sẽ trả lại đời bằng phúc, bằng đức thôi. Vậy là lại viết, sức viết còn khỏe hơn cả khi chưa ốm đau”, ông lão móm mém cười.

Ngoài viết sử, ông còn làm thơ. Nhiều năm liền là Chủ nhiệm CLB Thơ Đường huyện Lệ Thủy, ông Võ Thanh Tùng đã in được nhiều tập thơ, cũng cho ra đời vào đúng những sự kiện quan trọng của quê hương Lệ Thủy. Niềm yêu thích với thơ cũng đong đầy như niềm đam mê viết sử.

Hỏi ông lão rằng người đau đáu chép sử quê hương như ông có thấy buồn không khi giới trẻ ngày càng rời xa lịch sử, dửng dưng với lịch sử? Ông lão cười cười: Đừng vội trách con trẻ vì thời nay có nhiều chuyện đáng để chúng bận tâm quá. Sâu xa, chẳng ai muốn quay lưng lại với lịch sử cả vì đó là gốc gác, là nguồn cội của mỗi người. Tôi vẫn tin nếu chúng ta biết cách truyền lửa và tình yêu lịch sử với con trẻ, “lôi kéo” chúng bằng tất cả tấm lòng thì tình yêu ấy tự khắc sẽ tìm đến chúng, chỉ vậy thôi!

Lời ông lão chép sử làng thoạt nghe cứ nhẹ tênh nhưng ngẫm lại cũng chất chứa nhiều trăn trở và đau đáu lắm! Và ngày ngày, ông vẫn lặng thầm chép sử làng, kể chuyện làng như là cách để ông truyền lửa, truyền tình yêu lịch sử với bao thế hệ con cháu hôm nay.

Diệu Hương