.

Khu mộ vụ thảm sát ở Hòa Luật Nam (Cam Thủy): Bao giờ mới chính danh lịch sử?-Bài 1

Thứ Tư, 03/08/2016, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Có một khu mộ tập thể ở miền cát Lệ Thủy, nơi đó, xương cốt của hàng nghìn con người quyện hòa vào nhau, lẫn sâu vào trong cát. Nghĩa trang nơi họ yên nghỉ nằm yên bình dưới những hàng dương rì rào gió. Nhìn những bia mộ không tên tuổi, chẳng quê quán, những ai đã một lần đặt chân đến đây đều đau đáu một niềm trăn trở: đến bao giờ, nơi đây mới được lịch sử ghi nhận?

Bài 1: Đồn Hòa Luật Nam-chứng tích bi hùng

Sáng tháng 7, nắng chát chúa trên những động cát dài. Bước chân trên những con đường chênh chao cát, nghe quá khứ bi hùng của người dân xứ cát lại vọng về, nhức nhối. Nơi đây, hơn nửa thế kỷ trước, đồn Hòa Luật Nam là nơi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của quân và dân xứ Lệ trong đấu tranh chống giặc Pháp xâm lược.

Đồn lính Pháp lớn nhất Lệ Thủy

Những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, trên địa phận xã Cam Thủy, giặc Pháp tiến hành xây dựng hệ thống đồn bốt, lô cốt, doanh trại, kéo dài từ làng Đặng Lộc đến làng Mỹ Duyệt Thượng. Trong đó, đồn Hòa Luật Nam là đồn trung tâm, lớn nhất trong toàn huyện Lệ Thủy và lớn thứ hai trong tỉnh Quảng Bình. Đồn được xây dựng trên một địa điểm cao 38 mét so với mực nước biển, đứng sừng sững trên động Trôốc Voi, thuộc làng Hòa Luật Nam.

Khu vực đồn Hòa Luật Nam có diện tích hơn 1km2, trong đó có một lô cốt chính cao ngất ngưỡng, mà nhiều nhân chứng còn sót lại ví rằng có thể cao gần bằng một ngôi nhà năm tầng hiện nay. Xung quanh lô cốt chính ấy có một hệ thống các lô cốt nhỏ yểm trợ.

Dọc lối đi, chúng cho xây dựng hệ thống lô cốt ngầm với dày đặc lỗ châu mai chĩa về các hướng. Bên trong các lô cốt được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. Để phối hợp tác chiến, quân Pháp còn xây dựng một sân bay trực thăng ở làng Đặng Lộc tiếp tế vũ khí, lương thực và tăng cường yểm trợ quân khi có chiến dịch hành quân càn quét.

 Ông Vũ Xuân Ngữ kể lại cho phóng viên những câu chuyện về đồn Hòa Luật Nam.
Ông Vũ Xuân Ngữ kể lại cho phóng viên những câu chuyện về đồn Hòa Luật Nam.

Người dân Hòa Luật Nam kể lại rằng, sau khi đồn được xây dựng kiên cố, đêm đêm, quân Pháp cho bắn pháo cối cầm canh đến các làng lân cận để uy hiếp tinh thần của nhân dân. Ban ngày, chúng cho các tốp lính tuần tra, tuần tiễu, bắt bớ nhân dân các thôn trong xã tra tấn, thăm dò hoạt động của đội du kích và động thái của ta. Đồn Hòa Luật Nam từng là sở chỉ huy của địch trong trận càn quét lớn của Pháp ở Xuân Bồ vào ngày 20-5-1950. Trong trận đánh vang dội này, quân Pháp đã gặp phải sự kháng cự mãnh liệt và tinh thần dũng cảm kiên cường của quân và dân ta, 500 tên lính Pháp đã bị tiêu diệt.

Là một căn cứ quân sự được xây dựng kiên cố, đồn Hòa Luật Nam còn là lò sát sinh man rợ nhất của thực dân Pháp. Các nơi trong huyện Lệ Thủy, không xã, thôn nào là không có người bị địch bắt bớ và bắn giết. Ngoài việc bắt, giam cầm những chiến sỹ cách mạng, nhân dân các vùng lân cận cũng thường xuyên bị bắt về đồn tra tấn man rợ.

Ám ảnh ký ức

Ông Vũ Xuân Ngữ (80 tuổi, thôn Hòa Luật Nam) là một trong số ít những nhân chứng lịch sử còn sót lại kể với chúng tôi câu chuyện của gần 70 năm về trước. Ký ức của cậu bé lên 10 ngày ấy tưởng như dễ bị lãng quên trong sâu thẳm những nổi nênh đời người, vậy mà ông vẫn nhớ như in, bởi “nó ám ảnh quá”. Nhiều năm sau đó, những ký ức ám ảnh mà ông nhắc đến vẫn cứ thoáng hiện về trong những giấc ngủ chập chờn. Bởi đã không ít lần đứng nấp phía sau những hàng dương, chính cậu bé Ngữ khi ấy đã tận mắt nhìn thấy nhiều người dân vô tội cùng làng và những làng lân cận bị lính Pháp bắn giết dã man.

“Người bị bắn, người bị đánh đập cho đến chết. Dã man hơn, chúng đào một hầm lớn ở động Trôốc Voi với diện tích khoảng 800m2, sau khi giết người xong, chúng không cho người nhà lấy xác chôn cất mà vứt luôn xuống hố”, giọng ông Ngữ đang kể bỗng dưng chùng xuống. Dường như, những ký ức ấy ám ảnh ghê gớm với một đứa trẻ lên 10 khi đó.

Tội ác giết người man rợ ấy kéo dài dai dẳng trong nhiều năm liền. Từ tháng 3-1947 đến cuối năm 1951, cứ mỗi ngày hai lượt (sáng từ 8-9h, chiều từ 16-17h), lính Pháp lại bắt một nhóm người đứng quanh miệng hố để bắn. Không biết bao nhiêu máu đã thấm xuống cát và cũng không rõ bao nhiêu thân người đã đổ gục xuống cát. Dưới miệng hố ghê rợn ấy, lớp xác này chồng lên lớp xác khác, người chết sau chồng lên người chết trước.

Ông Ngô Thanh Nghị (77 tuổi, quê Hòa Luật Nam) cũng kể lại rằng chính bố ông-một du kích cách mạng-bị giặc giết và vùi xác dưới cát. Không chịu nổi trước sự mất mát quá lớn, chính gia đình ông và nhiều gia đình khác đã nhiều đêm ra trộm xác người thân về chôn nhưng vì xác người chất quá nhiều nên không thể tìm thấy. Phải đến cách đây gần 10 năm trước, nhờ các nhà ngoại cảm, gia đình ông Nghị mới tìm thấy thi thể bố mình ở ngay dưới một gốc cây lớn.

Ông Nghị nhớ lại, năm 1952, khi hố chôn tập thể ấy bị ô nhiễm quá mức, nhân dân đã vận động Hội Phật giáo làng Hòa Luật Nam ở chùa Hội Quán đứng ra thu dọn và chôn cất hài cốt. Hội đã chọn ra 10 người gan dạ, có sức khỏe, làm việc liên tục trong ba ngày mới dọn hết xương cốt trong hầm. Nhưng rồi, đau đớn thay khi không thể phân biệt được hài cốt của ai nên phải chia đều ra chôn cất ở nhiều hầm nhỏ. Ước tính phải có gần 2.000 bộ hài cốt được an táng lại. Vậy là từ đó cho đến nay, trên động Trôốc Voi, dưới những hàng dương rì rào gió, gần 2.000 con người đã yên nghỉ. Họ là những linh hồn vô danh.

Đồng chí Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết, năm 2003, bằng sự nỗ lực nội tại, chính quyền và nhân dân trong xã đã đầu tư gần 100 triệu đồng để cất bốc, xây dựng lại khu nghĩa trang. Ngoài 5 ngôi mộ tập thể khá lớn, còn có hàng trăm ngôi mộ nhỏ khác được xây dựng lại kiên cố, vững vàng trên đồi cát chênh chao nắng. Tất cả những ngôi mộ lớn nhỏ ấy đều không tên tuổi, chẳng rõ quê quán.

Với đồng chí Chủ tịch UBND xã Cam Thủy, đó là những ký ức mãi mãi không thể nào quên khi chính anh là người trực tiếp đứng ra tổ chức sự kiện đặc biệt ấy. Hình ảnh những bộ hài cốt hòa lẫn vào nhau, quyện vào trong cát, chẳng có nổi một kỷ vật ghi tên tuổi, địa chỉ cứ ám ảnh anh suốt những ngày dài sau đó. Để rồi gần 15 năm qua, anh đã chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình tôn tạo, tưởng nhớ những người đã khuất, chỉ mong phần nào an ủi được những linh hồn vô danh.

Diệu Hương

Bài 2: Ước nguyện trên đồi cát