.

Vui Tết với người Khùa

Thứ Sáu, 12/02/2016, 11:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đời sống vật chất, tinh thần của người Khùa ở xã Dân Hóa và Trọng Hóa (Minh Hóa) ngày càng được nâng cao. Họ tiếp thu, học hỏi thêm văn hóa của người Kinh rồi bắt đầu ăn Tết cổ truyền. Tuy nhiên, Tết của người Khùa hết sức độc đáo.

Hẹn với già làng Hồ Nhâm, ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa (Minh Hóa), sáng mùng 1 Tết năm trước, tôi lên với đồng bào Khùa. Chuyện đón Tết của người dân nơi đây bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là khi đời sống văn hóa, tinh thần của họ ngày càng được nâng lên, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, họ tiếp thu văn hóa của người Kinh rồi ăn Tết cổ truyền như bao dân tộc khác. Khi Tết đã cận kề, người Khùa cũng vào rừng lấy lá dong, lạt, chuẩn bị gạo nếp để gói bánh chưng, bánh đòn.

 Người Khùa treo cờ Tổ quốc chuẩn bị đón Tết cổ truyền.
Người Khùa treo cờ Tổ quốc chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc rồi xuống chợ mua sắm Tết. Ngày Tết, họ không cúng, không thờ các vị thần linh như các dân tộc thiểu số mà chỉ cúng ông bà tổ tiên và những người thân đã khuất. Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin cho biết: “Đời sống vật chất, văn hóa của bà con đang ngày càng nâng cao.

Năm hết Tết đến đồng bào ai cũng treo ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc để thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và cũng là trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước. Còn việc gói bánh chưng, trước đây người Khùa vẫn còn lạ lẫm, nhưng học theo người Kinh gói lâu rồi cũng quen. Đặc biệt là mấy năm nay, lúa rẫy được mùa nên nhà nào cũng gói nhiều bánh chưng, bánh đòn trong dịp Tết”.

Trong sáng mùng 1 Tết, nhà trưởng tộc Hồ Nhâm và các nhà trưởng tộc người Khùa, con cháu đến đông đúc để soạn sửa cúng tổ tiên và người thân đã khuất. Trước khi dâng lễ lên bàn thờ, Hồ Nhâm đưa ra một chậu nước sạch rồi thắp đăng lên mời tổ tiên về rửa tay, rửa mặt.

Sau đó, ông đặt mâm cúng lên bàn thờ. Trên mâm có một thủ lợn và các bộ phận của con lợn, một típ cơm nếp. Bài cúng đầu năm của người Khùa gồm có ba phần. Phần thứ nhất báo cáo với tổ tiên, ông bà rằng: trời đất đã giao mùa, năm cũ đã hết, năm mới bước sang. Phần thứ 2 mời những người đã khuất về dùng lễ và phần thứ 3 cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trong nhà luôn yên ấm sung túc. Lấy mâm cúng xuống, trưởng tộc Hồ Nhâm lại đặt lên bàn thờ một ấm nước sạch đã đun rồi mời tổ tiên uống. Sau đó, ông lại đặt lên bàn thờ bình rượu cần có 5 ống hút.

Ông bảo: “Người Khùa miềng sống ăn gì, uống gì, làm gì thì chết đi cũng phải làm như thế. Cúng ông bà tổ tiên không cần những thứ cao sang, miễn sao sạch sẽ, tinh khiết và quan trọng là thể hiện được tấm lòng thành kính với những người đã khuất”.

Cũng trong buổi sáng mùng 1, tất cả con cháu trong họ tập trung đến nhà Hồ Nhâm ăn Tết. Trong các mâm cơm ngày đầu năm, nhà ông chuẩn bị khá nhiều món như: thịt gà, thịt lợn, cá khe, canh măng và chuối rừng, bánh chưng, bánh đòn, kẹo... Đặc biệt, mỗi mâm đều có một bình rượu cần để cả họ chung vui, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Sau buổi liên hoan ở nhà Hồ Nhâm, chúng tôi đến nhà ông Hồ Nhung ở bản Ông Tú. Bà con trong bản cũng đã tập trung đông đủ. Hồ Nhung khề khà bảo: “Ơn trời, mấy năm nay nhờ mưa thuận gió hòa nên bà con thường xuyên được mùa rẫy, trong bản không mấy ai đau ốm nên năm nay đón Tết to và vui hơn các năm trước”.

Gói bánh chưng chuẩn bị Tết.
Gói bánh chưng chuẩn bị Tết.

Người Khùa thường ăn Tết khoảng 3 đến 4 ngày, mỗi ngày họ đến khoảng 6 đến 7 nhà để ăn. Gia đình nào có người cao tuổi nhất thì đến trước. Nhưng trước khi đến phải báo trước để người nhà chuẩn bị cơm, canh, rượu mời khách.

Vui Tết tại nhà Hồ Nhung và người dân trong bản, mỗi người chỉ được uống hai ly rượu trắng nhỏ để chúc nhau những lời tốt đẹp nhất, còn rượu cần uống thoải mái... Ngày đầu năm trên đại ngàn Trường Sơn rộn rã tiếng nói, tiếng cười của bà con, nắng xuân trải vàng khắp cả núi rừng khiến ngày vui thêm ấm áp. Trong bản, các em nhỏ được mặc quần áo mới, xách theo những chiếc bánh chưng, bánh đòn đi tung tăng khắp nơi.

Tôi gặp Hồ Phoong, anh mời tôi đến nhà. Bước vào cổng, vợ anh từ trong bếp vui vẻ bưng ra ba mâm cơm có khá nhiều món. Còn anh vào buồng xách mấy bình rượu cần và 1 chai rượu trắng rót đều mời khách. Trong mâm cơm ngày Tết của người Khùa, họ không được uống say và phải nói với nhau những điều tốt đẹp nhất trong ngày đầu năm mới. Bởi họ quan niệm rằng, ngày Tết say thì cả năm cũng say. Nói những lời hay ngày đầu năm thì cả năm sẽ được đón những điều tốt đẹp nhất...

Xuân Vương