.

Giáo sư sinh ra từ làng

Thứ Ba, 02/02/2016, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi biết Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Vương từ thuở nhỏ. Tôi cùng anh lớn lên ở làng quê Minh Lệ và chơi thân với các bạn bè cùng trang lứa.

 Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Vương (bên phải) về dự Hội làng Minh Lệ tại đình làng cùng tác giả Hoàng Minh Đức.
Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Vương (bên phải) về dự Hội làng Minh Lệ tại đình làng cùng tác giả Hoàng Minh Đức.

Hồi đó Trần Ngọc Vương có các bộ sách “Tam quốc diễn nghĩa” và “Đông Chu liệt quốc”. Trí nhớ tuyệt vời, tài hùng biện, diễn thuyết của anh đã chinh phục lũ con nít. Mỗi buổi, chăn bò, đứa nào cũng phải nhổ một nắm cỏ cho bò anh ăn mới được nghe anh kể chuyện. Chúng tôi thường vào bìa làng ngồi dưới bóng cây nhìn ra cánh đồng. Chúng tôi thay nhau đi đuổi bò không được để ăn lúa hợp tác xã. Có những người lớn hơn anh một vài tuổi cũng đi đuổi bò cho anh để được nghe đọc truyện Tam quốc.

Năm 1968, Minh Lệ trở thành cái túi lửa. Mỗi người dân quê tôi tay cày tay súng, ông Trần Quých, bố anh Vương, bị bom bi Mỹ giết chết giữa cánh đồng Lòi. Mẹ anh lại bị bệnh ốm liệt giường nên khó khăn càng chồng chất, đè nặng lên đôi vai của mấy chị em. Mùa mưa, ban đêm anh đi thả trúm mang lươn về cho mẹ nấu cháo. Không biết vì buồn hay vì “sợ ma” mà anh vừa đi vừa lẩm bẩm đọc truyện Kiều một mình. Anh thuộc làu truyện Kiều. Nghe anh đọc, chúng tôi biết chỗ anh thả trúm nhưng không ai nỡ lấy của anh.

Nhà bữa rau bữa cháo mà cả bốn chị em ai cũng học giỏi. (Cả bốn chị em đều tốt nghiệp đại học sư phạm). Học đến cấp 3, tiếng tăm Trần Ngọc Vương đã nổi cả một vùng. Anh không những giỏi về các môn học xã hội mà còn rất giỏi toán. Rất nhiều bài toán anh có cách giải khác thông minh, ngắn gọn hơn thầy.

Tốt nghiệp lớp 10, anh thi vào đại học Tổng hợp văn Hà Nội. Bài thi đại học của anh được chọn in vào tuyển tập những bài văn hay. Năm 1976, luận văn tốt nghiệp đại học: “Sự thống nhất giữa các mâu thuẫn trong tư tưởng sáng tác của Tản Đà” được in trong “Tuyển tập Văn học Việt Nam” và anh được giữ lại trường. Gần bốn chục năm giảng dạy đại học, anh được sang Nga bảo vệ luận án Tiến sĩ, đến năm 2013 anh được phong hàm giáo sư. Anh có những công trình nghiên cứu sâu sắc và quy mô về văn học Việt Nam trung cổ và cận đại cũng như văn hóa phương Đông.

Những tác phẩm nổi tiếng của anh như: “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung”; “Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam”; “Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX những vấn đề lí luận và lịch sử; “Thực thể Việt nhìn từ tọa độ chữ”...

Anh còn có hơn bốn chục đầu sách chuyên khảo và sách tham khảo được các nhà xuất bản hàng đầu in và phát hành. Anh tham gia giảng dạy đại học và sau đại học ở các nước Nga, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ, là trưởng đoàn của Việt Nam dự hội thảo về Trần Nhân Tông ở Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Hiện nay anh đang Chủ nhiệm bộ môn Văn học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Anh có hàng trăm bài báo được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.

Về thăm quê hương, anh thường tổ chức nhiều cuộc nói chuyện thời sự với bà con và lãnh đạo địa phương. Anh gợi ý nên trùng tu sửa chữa lại những công trình di sản, bảo tồn văn hóa làng xã. Chính nền văn hóa của cha ông là cái gốc lâu bền, phát huy được sức mạnh ngàn đời của dân tộc.

Hoàng Minh Đức