.

Quán Hàu vào xuân

Thứ Bảy, 06/02/2016, 22:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Dòng Kiến Giang vượt phá Hạc Hải về ngã ba Trần Xá hợp với Đại Giang tạo thành sông Nhật Lệ, dòng sông có bao dấu ấn bi hùng trong trang sử quê hương. Quán Hàu là vùng đất ở bên bờ Bắc dòng sông ấy...

 Di tích lịch sử bến phà Quán Hàu.                                             Ảnh: P.V
Di tích lịch sử bến phà Quán Hàu. Ảnh: P.V

Trên gạch nối đôi bờ “Văn- Võ”, Quán Hàu từng là thủ phủ của Quảng Ninh. Là trái tim của vùng quê văn vật nơi có “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên, Trường Sa vi bản”.

Nhớ thuở trước khi qua sông phải lụy chuyến đò ngang rộng gần 1.000m từ hai bờ Võ Xá - Văn La. Con đò ba mái cần mẫn tháng năm đưa khách qua lại. Khi gặp gió to phải đóng thêm mái nhì để bốn mái chèo đẩy thuyền vượt gió qua sông. Rồi bến phà Quán Hàu ra đời đưa bao chuyến xe qua lại. Nhắc lại điều này để nhớ về một thủa, khi sông Quán Hàu là một "vật chướng" trên đường xuyên Việt...

Chín năm chống Pháp, đất này ghi dấu những trận đánh đồn Võ Xá bờ nam, phục kích trên Quốc lộ 1... Bến đò Quán Hàu chứng kiến bao lần du kích vào trận.

Kháng chiến chống Mỹ, nơi đây bị máy bay Mỹ thả bom san bằng. Trong chiến tranh, phà Quán Hàu được biết đến như một nốt nhạc trong bản hùng ca đất nước còn mãi với thời gian. Với lợi thế đường sông và đường bộ, đất này còn là trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Các loại máy bay F4H, F105 cùng bom tấn bom tạ, bom bi rốc két thi nhau dội xuống.

Biết bao đêm pháo từ hạm đội 7 của hải quân Mỹ bắn vào đất liền gây bao tang tóc... Vượt qua bom đạn, người dân sông nước các thôn Phú Bình, xóm Nam Trị đã làm cho Quán Hàu thêm rạng rỡ. Cùng với Long Đại, Mỹ Trung, Quán Hàu thành “tam giác lửa” kiên cường đọ trí thi gan với giặc Mỹ.

Tháng 1-1973, Quán Hàu đón các cơ quan của huyện Quảng Ninh trở về dựng xây quê hương trong thời kì mới... Ngày 15-9-1973, sông nước Quán Hàu được chứng kiến những thời khắc lịch sử: Thủ tướng Cu Ba Phidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên đường “từ sân bay Đồng Hới vào Vĩnh Linh trên chiếc xe U- oát.

Khi qua phà Quán Hàu, ra giữa dòng sông, nhìn thấy nền trời, mặt nước trong xanh, núi non ngoạn mục, Thủ tướng Fidel yêu cầu cho phà quay lại một vòng, ngắm cảnh sơn thủy hữu tình của “non Mâu, bể Lệ” - Ở Cu Ba không có sông rộng như vậy”. (Theo hồi kí của ông Lại Văn Ly)

Sau chiến tranh, đất này lại hồi sinh. Từ vùng đất đầy bom đạn và bụi mù sỏi đá, Quán Hàu dần thay đổi. Hợp tác xã thủ công nghiệp Rạng Đông, Phú Bình làm ăn khấm khá, bộ mặt làng quê dần khởi sắc, cuộc sống ngày thêm phát triển...

Sau mười ba năm trong tên gọi Lệ Ninh, ngày 1-7-1990, huyện Quảng Ninh được tái lập... Quán Hàu lại thành vị thế trung tâm của huyện nhà... Cả vùng quê như một đại công trường. Mười năm đầu, Quán Hàu có những bước phát triển đáng mừng... của một trung tâm huyện lỵ.

Đề phù hợp với quá trình phát triển, ngày 1-7-1999 thị trấn Quán Hàu- đơn vị hành chính thứ 15 của huyện Quảng Ninh- được thành lập. Thị trấn mang trong mình dấu ấn thời gian của vùng quê truyền thống.

 Một góc thị trấn Quán Hàu hôm nay.                                   Ảnh: H.Trà
Một góc thị trấn Quán Hàu hôm nay. Ảnh: H.Trà

Những năm 2010 đến 2015, “phố mới” Quán Hàu thêm nhiều nét mới. Cùng với chỉnh trang đô thị, việc mời gọi đầu tư thêm mạnh mẽ để hôm nay khu làng nghề Quán Hàu thu hút nhiều doanh nghiệp; không khí sản xuất thêm sôi động. Dây chuyền may S & D thuộc Công ty May 10 và các doanh nghiệp khác thu hút hơn 1.000 lao động đã góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp và thủ công nghiệp của Quảng Ninh để đến năm 2015 chiếm 28,8% trong cơ cấu kinh tế của huyện...

Trong dòng chảy thời gian, truyền thống văn hoá được gìn giữ và phát huy. Mỗi độ xuân về, mỗi lần lễ hội, làng xóm tưng bừng sinh hoạt văn nghệ - thể thao. Phố thị Quán Hàu rộn ràng hội bài chòi ngày Tết, Tiểu khu 7- Trung Trinh- được công nhận “Đơn vị văn hoá” cấp tỉnh trong thời kì 5 năm đầu mới thành lập, mở đầu cho phong trào xây dựng làng văn hóa ở một miền quê "nhất cận thị nhì cận giang”...

Hôm nay đến Quán Hàu ngắm lại thị trấn trong ánh đèn rực rỡ, đứng trên cầu mới nối đôi bờ Nhật Lệ, nhìn làng quê tươi màu ngói đỏ, lòng bâng khuâng nhớ ngày gian khó. Thấy cuộc sống đổi thay ta thêm tự hào với truyền thống cha ông. Ngắm không gian bình yên, càng quý trọng hơn thành quả mà bao thế hệ đã đổ máu, mồ hôi và dày công vun đắp. Hơn 4.600 con người trong 1.212 hộ gia đình đang đoàn kết chung lòng dựng xây thị trấn..

Giữa thường nhật, việc “đền ơn đáp nghĩa” luôn được quan tâm... Đài tưởng niệm Bến phà Quán Hàu thành nơi giáo dục thế hệ trẻ. Mỗi lần khai hội đua thuyền truyền thống, ta như nghe vang vọng tiếng còi xe lên bến năm nao... Thân nhân liệt sĩ, thương binh và người có công của thị trấn thường xuyên được chăm sóc. Tỉ lệ hộ nghèo của thị trấn năm 2015 còn 4%. Giáo dục đào tạo được chăm lo. Các trường học luôn đạt chuẩn quốc gia; có 28 học sinh là con em thị trấn đạt học sinh giỏi quốc gia.

Giữa những ngày đầu xuân 2016, mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XII, quê ta rộn ràng niềm vui mới. Quê hương xuân mới đang về...

Lê Huấn