.

GS Hồ Ngọc Đại: Đổi mới giáo dục phải từ nhu cầu "thực" của học sinh

Thứ Hai, 17/04/2017, 11:01 [GMT+7]

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phải vì lợi ích, nhu cầu thực sự của học sinh, chứ không để học sinh phải chạy theo người biên soạn.

Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh trước khi ban hành chính thức.

Phóng viên VOV.VN  phỏng vấn Giáo sư (GS) Hồ Ngọc Đại - nhà khoa học, người sáng lập ra Trung tâm Công nghệ Giáo dục để thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người hiện đại (cả về lý thuyết lẫn thực tiễn).

Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa có sự thay đổi về căn bản
Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa có sự thay đổi về căn bản

Dự thảo vẫn chưa có sự thay đổi về căn bản

PV: Xin GS cho biết nhận định và ý kiến về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT công bố?

GS Hồ Ngọc Đại:  Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vẫn không thay đổi gì về bản chất.

Dự thảo không có tư tưởng mới và thực thi bằng công nghệ mới. 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi được đưa ra trong dự thảo là những cái cũ nhưng  được xào xáo lại bằng ngôn ngữ gần gũi hơn. Dự thảo vẫn còn như kiểu: “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”.

Khi thay đổi một chương trình giáo dục thì phải thay đổi cơ bản cả về tư tưởng chỉ đạo lẫn về công nghệ thực thi. Mặc dù dự thảo đưa ra một số phẩm chất và năng lực nhưng lại không đề cập lấy cái gì để tạo ra, tạo ra bằng cách nào.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới phải là Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Ví dụ như từ đi bộ chuyển sang đi xe đạp là sự thay đổi căn bản và toàn diện, với một công nghệ mới. Còn nếu để người dân đi từ xe đạp đơn giản sang xe đạp đắt tiền hơn thì đâu phải là sự thay đổi căn bản.

Thế mà Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chỉ có thể ví như yêu cầu người dân chuyển đổi từ chiếc xe đạp này sang chiếc xe khác sang hơn thì không thể có sự thay đổi căn bản.

Lịch sử cho thấy, người dân chuyển đổi từ đi bộ sang đi xe đạp là sự thay đổi căn bản, thay đổi tận nguyên lý. Ô tô hơn xe đạp, máy bay hơn ô tô cũng là hơn hẳn về nguyên lý... Nói như vậy để thấy rằng, nhân loại tiến lên là dựa trên nguyên lý mới. Do đó, việc đổi mới một chương trình giáo dục là phải thực thi bằng công nghệ mới, dựa trên nguyên lý mới.

Chân dung học sinh tương lai được giới thiệu trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Chân dung học sinh tương lai được giới thiệu trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Dự thảo phải giúp con người phát triển được chính mình

PV: Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều môn học mới chưa từng được nhắc tên dự kiến có thể giảng dạy ở các cấp từ tiểu học đến THPT. Liệu rằng, các trường học có thể giảng dạy như thế nào, thưa GS?

GS Hồ Ngọc Đại: Giáo dục là những gì có sức mạnh giúp con người phát triển thành chính mình. Đứa trẻ muốn phát triển phải tự làm được mọi việc. Nếu mẹ cho bú thì đứa trẻ phải bú được, hấp thu được, chứ nếu như đứa trẻ đó không chịu ăn, thì sự chăm sóc đó là vô tác dụng.

Sự phát triển thật của học sinh dựa chủ yếu trên 3 lĩnh vực: Lý trí, tình cảm, niềm  tin. Theo tôi, ở cấp tiểu học chỉ cần học sinh hiểu rõ và học tốt các môn: Toán, tiếng Việt. Ngoài ra, học sinh có thể học thêm 1 môn Ngoại ngữ. Còn lại, thời gian để các em trải nghiệm một lối sống hiện đại.

Những môn học ở cấp tiểu học phải được định hướng để các em có thể sống thực, sống hạnh phúc trong đời sống hằng ngày ở nhà và ở trường.

Trong dự thảo, cấp THCS có các môn học bắt buộc và môn học tự chọn, có sự phân hóa. Sự phân chia này còn “mù mờ”, rối rắm...

Tôi đồng ý với việc ngoài tiếng Anh thì từ cấp THCS có thể đưa Ngoại ngữ 2 là môn tự chọn, nhưng việc học ngoại ngữ ở học sinh là phải thực chất, phù hợp với năng lực của các em, chứ không phải dựa trên sự lựa chọn của nhà trường, của phụ huynh.

Ở cấp THPT, tôi đồng ý với việc ngay từ lớp 10, học sinh được định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng của học sinh. Câu nói: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” càng phù hợp với xã hội có sự phân công hợp tác đến tận từng cá nhân. Mỗi người phải làm được công việc tốt nhất đối với bản thân và cho xã hội.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, GS Hồ Ngọc Đại nêu ý kiến là nên bỏ nốt kỳ thi THPT Quốc gia
Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, GS Hồ Ngọc Đại nêu ý kiến là nên bỏ nốt kỳ thi THPT Quốc gia

Nên bỏ nốt kỳ thi THPT Quốc gia

PV: Trong dự thảo cũng đưa ra 3 hình thức đánh giá học sinh như: đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia. GS có góp ý như thế nào về các hình thức đánh giá như trên?

GS Hồ Ngọc Đại: Đến nay, chúng ta đã bỏ được 2 kỳ thi tiểu học và THCS. Còn kỳ thi THPT Quốc gia, tôi cũng cho rằng nên bỏ nốt.

Việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh là phải dựa trên sự kiểm tra từng ngày, từng buổi, từng tiết học, chứ đâu phải chỉ để đến kỳ thi. Tự học sinh có thể kiểm tra kiến thức của bản thân, chứ không cần phải các cơ quan chức năng ở trên. Chúng ta phải làm sao để học sinh coi học tập cũng như việc ăn uống hằng ngày, phải có ích và vì sự sống của bản thân, chứ không phải để đối phó với người ngoài. Khi học để đối phó thì sẽ còn có sự giả dối, tiêu cực.

Học sinh có thể bước vào cuộc sống tốt được hay không hoàn toàn không phải dựa vào thi cử, mà phải dựa vào cái có thực của chính mình, đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Đổi mới là phải phục vụ nhu cầu thực sự của học sinh

PV: Theo GS, mỗi sự đổi mới về giáo dục, điều quang trọng nhất là gì và chúng ta phải làm như thế nào để thực hiện được điều đó?

GS Hồ Ngọc Đại: Mỗi sự đổi mới trong giáo dục có tác động lâu dài tới xã hội và đặc biệt đối với chính học sinh – người chịu tác động và thực hiện việc học tập. Khi tiến hành đổi mới một chương trình, chúng ta phải tôn trọng đời sống thực của học sinh, chứ không phải là đời sống học đường mơ hồ hay sự mơ tưởng của những người viết nên một đề án, dự thảo.

Khi thiết kế một chương trình và đưa ra đổi mới thì chúng ta phải vì lợi ích của học sinh, đáp ứng nhu cầu thực sự của học sinh. Đổi mới giáo dục chính là vì lợi ích của đất nước, của hôm nay, của cả một thế hệ tương lai.

PV: Xin cảm ơn GS !

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đề cập một số môn học mới như: Giáo dục kinh tế và pháp luật, ngoại ngữ 2, chuyên đề học tập, tiếng dân tộc thiểu số, trải nghiệm sáng tạo...

Dự thảo chương trình nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

10 năng lực cốt lõi (những năng lực mà ai cũng cần để sống và làm việc trong xã hội hiện đại), bao gồm:

Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn có điểm mới là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh (đặc biệt là là ở cấp THPT). Ngay từ lớp 10, học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp.

Đến lớp 11 và 12, học sinh sẽ tiếp cận nhiều hơn với thực tế nghề nghiệp trong tương lai nên ngoài một số môn bắt buộc, các em được chọn 5 môn phù hợp cho định hướng nghề nghiệp. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đều được kế thừa chương trình hiện hành.

Theo Bích Lan/VOV.VN (thực hiện)