.
Kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2016):

Thu sang nhớ Người

Thứ Sáu, 19/08/2016, 06:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày đầu tháng tám, khi tháp tùng một đoàn công tác viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi tình cờ gặp đôi vợ chồng trẻ. Họ đến từ tỉnh Lạng Sơn xa xôi trên chiếc xe máy phân khối lớn và có mặt tại Vũng Chùa vào rất sớm. "Ngày Đại tướng ra đi, vợ chồng em đã mong muốn được về thăm nơi yên nghỉ của Người biết chừng nào. Nhưng mãi đến giờ mơ ước mới thành!", anh Đoàn Anh Đức chia sẻ. Tâm tư ấy, khát khao ấy, có lẽ cũng là nỗi niềm của hàng triệu người dân Việt Nam, nhất là khi mùa thu đang về và Ngày sinh nhật Đại tướng cũng cận kề.

Trong rất nhiều bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều đồng nghiệp của tôi thường kể về những lần gặp gỡ với những ký ức ngọt ngào. Tôi cũng không ngoại lệ khi ba lần may mắn được gặp Đại tướng đều lưu dấu trong lòng những kỷ niệm không thể nào quên.

Năm 1999, trong một lần Đại tướng về thăm Quảng Bình, tôi được cùng một số anh chị em và các đồng chí trong Ban Biên tập Báo Quảng Bình gặp Đại tướng tại khách sạn Phong Nha trên đường Trương Pháp. Lần gặp gỡ đầu tiên ấy khiến tôi không khỏi vui mừng và hồi hộp. Khi đoàn cán bộ của Báo đến, Đại tướng nhanh nhẹn bước ra và bắt tay chào.

Tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự giản dị, gần gũi của Người, bởi trong tôi, hình ảnh Đại tướng qua từng trang sách, qua những câu chuyện kể là một nhà chỉ huy quân sự và chính trị lỗi lạc, uy vũ sáng ngời và có phần nghiêm nghị. Đại tướng thân mật chuyện trò, hỏi về Báo Quảng Bình và công việc cuả anh chị em làm báo, về những đổi thay của quê hương Quảng Bình với niềm vui rạng ngời trên gương mặt của người con xa quê nay trở về và được chứng kiến những đổi thay của quê hương. Lần gặp gỡ đầu tiên ấy đã để lại trong tôi những cảm xúc khó quên.

Đến năm 2002, Đại tướng lại về thăm quê. Lần này Đại tướng có buổi gặp gỡ với thầy cô giáo và học trò Trường THPT chuyên Quảng Bình. Tháng tư, trời Quảng Bình nắng như đổ lửa. Từ sáng sớm, được tin Đại tướng về thăm trường, trên 1.000 cán bộ, giáo viên và học sinh háo hức đợi chờ. Tôi lúc ấy cũng mang tâm trạng ngóng đợi như những cô cậu học trò để rồi cảm xúc như vỡ òa khi Đại tướng xuất hiện ở cổng trường rồi bước đi giữa bạt ngàn áo trắng sân trường đang hồi hộp đón chờ với nụ cười tươi và cánh tay đưa cao vẫy chào...

Nhiều năm đã qua. Những lời Đại tướng căn dặn thầy trò Trường THPT chuyên năm ấy, đến bây giờ dường như vẫn vẹn nguyên trong ký ức nhiều người. Trong buổi trò chuyện, ông nói về niềm tự hào, vinh dự của học sinh trường Chuyên và mong các em tiếp tục học tập, tu dưỡng để trở thành những người có ích cho quê hương, đất nước.

Đại tướng nhắn nhủ: “Muốn làm được điều đó thì phải có cái đức, bởi cái đức là gốc của con người. Muốn trở thành thầy giáo giỏi, học sinh giỏi thì phải sống có đạo đức, có lý tưởng. Qua theo dõi các cuộc thi của học sinh Quảng Bình thời gian gần đây, tôi thấy học sinh Quảng Bình rất giỏi, rất đáng tự hào...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp về thăm Trường THPT chuyên Quảng Bình năm 2002.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp về thăm Trường THPT chuyên Quảng Bình năm 2002.

Trong chiến tranh, học sinh Quảng Bình học trong hầm, nhưng vẫn học rất tốt, bây giờ có điều kiện hơn trước cần phải phát huy hơn nữa tinh thần hiếu học ấy. Tri thức là của cải quý nhất của con người, của dân tộc và của nhân loại. Các cháu phải xác định học là để giúp nước, giúp dân, đưa tri thức tiến lên ngang tầm quốc gia, ngang tầm khu vực và thế giới...

Các cháu dù đã giỏi cũng phải luôn luôn phấn đấu. Ngoài việc học tập ở lớp, ở trường thì cần phải có tinh thần tự học, học suốt đời. Chúng ta phải theo gương Bác, học nữa, học mãi, học để cống hiến cho quê hương, đất nước, học để hoàn thiện bản thân mình. Tôi cũng thế, vẫn phải luôn luôn học!".

Cuộc gặp gỡ lịch sử tháng 4 năm 2002 đã để lại những ký ức tuyệt đẹp trong lòng thầy cô giáo và học sinh nhà trường, trở thành một động lực lớn lao và mạnh mẽ để họ nỗ lực gặt hái những thành quả lớn như niềm tin và kỳ vọng của Người.

Hai lần gặp Đại tướng đã để lại trong tôi những ký ức không thể phai mờ. Thế nhưng có lẽ mãi mãi trong đời mình và các bạn đồng nghiệp, lần gặp gỡ cuối cùng thực sự là kỷ niệm suốt đời mang theo. Tối ngày 4-10-2013, khi nhận được tin Đại tướng đã từ trần, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào dù luôn hiểu "sinh ly tử biệt" là quy luật muôn đời.

Thời điểm ấy, Quảng Bình đang ngổn ngang giữa bão lũ. Khi nỗi đau về thiên tai chưa nguôi, những người làm báo đang vật lộn cùng người dân vượt qua thiệt hại, chợt sững sờ bởi hung tin. Thế rồi bao câu chuyện, bao kỷ niệm đẹp về Đại tướng được kể lại qua những trang viết thấm đẫm yêu thương và nước mắt...

Và trong suốt những ngày đón đợi linh cữu của Người về đất mẹ, những người làm báo, trong đó có tôi, đã sống trong khoảng thời gian với bao cảm xúc dâng trào. Chúng tôi gặp gỡ những người lính từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lắng nghe những kỷ niệm về vị Tổng tư lệnh năm xưa.

Hay chỉ giản đơn một buổi chiều, lúc đang tất bật chuẩn bị bữa cơm gia đình để tranh thủ viết tiếp bài viết đang còn dang dở, chợt xúc động dâng trào khi gặp những người ngư phủ ngồi trầm tư bên ly rượu. Họ hẹn nhau mai này khi Đại tướng về Vũng Chùa, nhất định phải cùng nhau đi tiễn Người.

Và hình ảnh những cô cậu học trò trong màu áo Đoàn ôm di ảnh Đại tướng trước ngực, đứng lặng lẽ dưới mưa trong phút giây tiễn Người đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên trong lần gặp gỡ cuối cùng và cũng là ngày chia xa mãi mãi này.

Chúng tôi về An Xá, ngồi bên hiên nhà Đại tướng, đọc câu thơ chia biệt của một người lính "Bão trời tan, bão lòng đã nổi/Người đi rồi, tan nát những lời yêu" và nước mắt lặng lẽ rơi. Rồi dưới bầu trời đêm loang loáng ánh đèn của ngày tháng mười năm 2013, chúng tôi ngồi bên nhau, nghe sóng biển Vũng Chùa ưu tư vỗ vào vách núi trong nỗi buồn chia ly nhưng cũng đầy xúc cảm tự hào...

Thời gian đi qua. Đã có rất nhiều đổi thay từ những lần gặp gỡ với Đại tướng. Biển Nhật Lệ và khách sạn Phong Nha năm nào đón Người giờ đã mang dáng dấp một thành phố mới, sang trọng và hiện đại. Trường THPT chuyên tỉnh Quảng Bình giờ tự hào mang tên gọi mới là Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Và tự hào hơn, những cái tên của học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp đã được xướng lên tại các kỳ tranh tài quốc tế mà gần đây nhất là Nguyễn Thế Quỳnh, học sinh đầu tiên đoạt Huy chương vàng tại kỳ thi Olympic quốc tế môn Vật lý và Huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương năm 2016.

Và biển Vũng Chùa vắng lặng năm xưa giờ mỗi ngày đón bao người về thăm Đại tướng. Họ mang bao tình yêu và lòng mến mộ của mình về đây bằng những cỏ cây, hoa lá được trồng và chăm bẵm đang từng ngày lớn lên, tỏa hương và kết trái ở nơi an nghỉ của Người.

Ký ức về Đại tướng luôn tươi đẹp, đẹp như mùa thu đang về, gợi nhớ 105 năm trước, bên dòng Kiến Giang trong xanh, một người con ưu tú của quê hương đã cất tiếng khóc chào đời. Thời gian chẳng bao giờ dừng lại, nhưng mỗi bận thu về, giữa bao tất bật ồn ào của cuộc sống, chợt có một khoảng lặng miên man nhớ về Người, vị Đại tướng của lòng dân.

Ngọc Mai