.

Phát triển Đảng ở vùng giáo huyện Bố Trạch: Cần những giải pháp đồng bộ

Thứ Tư, 06/07/2016, 09:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Bố Trạch là huyện có 8/30 xã, thị trấn có đồng bào công giáo. Tính đến năm 2016, toàn huyện có 525 đảng viên là người vùng giáo. Mặc dù hàng năm, các địa phương vẫn cơ bản hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên vùng giáo, tuy nhiên công tác này vẫn gặp bộn bề khó khăn. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng qua thực tế phát triển đảng tại các địa phương có tỷ lệ đồng bào theo đạo lớn, có thể thấy rằng, để làm tốt công tác này, cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ.

Bức tranh toàn cảnh

Ba xã có tỷ lệ người dân công giáo lớn là Phúc Trạch (95%), Xuân Trạch (66%) và Hưng Trạch (43%). Những năm qua, cùng với công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào theo đạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trạch cho biết: Đảng bộ xã hiện có 203 đảng viên sinh hoạt tại 11 chi bộ gồm 4 chi bộ trường học và 7 chi bộ còn lại đều thuộc vùng giáo. Tổng số đảng viên gốc giáo của xã là 50 đảng viên.

Thực hiện kế hoạch phát triển đảng viên nói chung, đảng viên vùng giáo nói riêng, Xuân Trạch cơ bản hoàn thành đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, hàng năm các chi bộ kết nạp từ 3-5 đảng viên vùng giáo, chiếm khoảng 50% chỉ tiêu phát triển Đảng trong toàn Đảng bộ, tương ứng với tỷ lệ giáo dân trên địa bàn. 

Cùng với Xuân Trạch, Phúc Trạch là xã có số đảng viên gốc giáo khá lớn, chiếm gần 1/3 số đảng viên gốc giáo toàn huyện với 148 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ. Cũng như Xuân Trạch, phát triển đảng viên vùng giáo là nhiệm vụ khá khó khăn đối với địa phương. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực và nhiều cách làm hay, những năm gần đây, Phúc Trạch vẫn đạt chỉ tiêu kết nạp đảng viên vùng giáo với từ 5 - 6 đảng viên.

Để tạo nguồn kết nạp, từ đầu năm đến nay, Đảng bộ xã đã và đang triển khai lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng cho 16 người, trong đó có 8 người vùng giáo. Đây là cơ sở quan trọng trong công tác phát triển Đảng nói chung và phát triển đảng viên vùng giáo nói riêng ở địa phương có 95% đồng bào theo đạo như Phúc Trạch.

Trong tổng số gần 5.000 giáo dân, Hưng Trạch hiện chỉ có 19 đảng viên gốc giáo sinh hoạt tại 7 chi bộ. Để không bị tái trắng chi bộ, xã đã tăng cường 12 đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ này. So với các xã trên địa bàn, Hưng Trạch có số đảng viên vùng giáo thuộc nhóm thấp, công tác phát triển Đảng gặp bộn bề gian khó.

Nguy cơ tái trắng chi bộ

Thoạt nhìn vào chỉ tiêu và kết quả kết nạp đảng viên vùng giáo hàng năm của các địa phương nêu trên có thể thấy rằng, dù khó, nhưng các địa phương cũng đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Tuy nhiên đi sâu vào thực tế mới thấy rõ những khó khăn mà các xã vùng giáo huyện Bố Trạch đang phải đối mặt.

Thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy Bố Trạch cho thấy, trong tổng số 525 đảng viên vùng giáo trên địa bàn, có 202 đảng viên vừa đồng thời sinh hoạt Đảng vừa tham gia đi lễ nhà thờ, số còn lại là những đảng viên có người thân tham gia đi lễ còn bản thân họ thì không.

Còn theo đồng chí Nguyễn Xuân Thanh, kết nạp được một đảng viên gốc giáo nhưng không đi lễ khó một, thì đảng viên tham gia đi lễ khó mười. Hàng năm, để tạo nguồn kết nạp, các chi bộ đã nỗ lực tìm kiếm, vận động thanh niên ưu tú nhưng vấp phải nhiều cái khó như trình độ văn hóa không đạt yêu cầu, không có ý chí phấn đấu vào Đảng, áp lực của gia đình, dòng họ...

“Chỉ một trong ba yếu tố trên đã khó, huống hồ có những địa bàn hội tụ luôn cả ba cái khó! Nên có những chi bộ 10 năm không kết nạp được được đảng viên như chi bộ thôn 10!”, đồng chí Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ.

Tại xã Phúc Trạch, mặc dù hàng năm vẫn phát triển được từ 3-5 đảng viên, trong đó có 1 đến 2 đảng viên vẫn tham gia đi lễ nhà thờ, nhưng những năm gần đây, công tác phát triển Đảng và tạo nguồn kế cận đã trở nên báo động. Đặc biệt, tại Chi bộ thôn 2 Thanh Sen là thôn công giáo toàn tòng, hiện chỉ còn 2 đảng viên với độ tuổi 78 và 56. Để tránh tình trạng tái trắng chi bộ, Đảng ủy xã đã tăng cường thêm 2 đảng viên về sinh hoạt.

“Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Một vài năm tới, khi những đảng viên kỳ cựu này nghỉ sinh hoạt Đảng vì tuổi cao, trong khi nguồn kết nạp không có, việc tái trắng chi bộ là điều hiển nhiên chứ không còn là nguy cơ nữa!”, đồng chí Nguyễn Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm.

Còn tại Chi bộ thôn Thanh Hưng 2 (xã Hưng Trạch), công tác phát triển Đảng cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Đây là chi bộ có số đảng viên là người địa phương cao nhất với 3 đồng chí.

Đảng viên cao tuổi nhất ở đây là ông Nguyễn Hữu Nghĩa, 80 tuổi, ông từng được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Đảng viên tiếp theo cũng đã 55 tuổi và người trẻ nhất 31 tuổi, tuy nhiên đồng chí này dường như không tham gia sinh hoạt. Để tạo nguồn kết nạp Đảng tại thôn có nhiều khó khăn đặc thù này, nguồn mà địa phương nhắm tới thường là cán bộ, giáo viên là con em trong thôn bởi họ đáp ứng được các tiêu chuẩn về trình độ, ý thức phấn đấu..

Tuy nhiên có những trường hợp là giáo viên mầm non, mặc dù được tuyên truyền, vận động để tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, nhưng do áp lực của gia đình, dòng họ, không ít người đã thoái thác.

Đâu là giải pháp?

Đối với việc chống tái trắng chi bộ, giải pháp phổ biến mà các địa phương ở huyện Bố Trạch đang thực hiện là tăng cường đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ thiếu đảng viên. Và đúng như đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch khẳng định, đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể áp dụng lâu dài bởi giải pháp này không mang lại hiệu quả thực chất.

Đối với công tác phát triển Đảng, các địa phương nơi đây đã nỗ lực với nhiều cách làm. Để tạo nguồn kết nạp, các tổ chức đoàn thể đã bám sát cơ sở, theo dõi, phát hiện và động viên những thanh niên có trình độ, có ý thức rèn luyện, phấn đấu để tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Do điều kiện kinh tế của những thanh niên này vẫn còn khó khăn, quá trình tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, các địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ từ 300 đến 500 nghìn đồng cho những người tham gia khóa học.

Tại xã Phúc Trạch, hiện có 16 thanh niên, đoàn viên ưu tú đang chuẩn bị tham gia lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, trong đó có 8 người là giáo dân. “Hy vọng từ số lượng nguồn kế cận này, năm 2016, chúng tôi sẽ hoàn thành tốt chỉ tiêu phát triển đảng viên vùng giáo!”, đồng chí Nguyễn Văn Lương cho biết thêm.

Để gỡ khó cho công tác phát triển đảng viên vùng giáo, một giải pháp nhiều địa phương ở huyện Bố Trạch đề xuất là sửa đổi Quy định 173-QĐ/TW ngày 11-3-2013 về kết nạp lại đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng, kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng. Bởi với đặc thù tín ngưỡng của đồng bào công giáo, có một số người đủ tiêu chuẩn vào Đảng nhưng lại vi phạm chính sách dân số, cụ thể là sinh con thứ ba, thứ tư.

Bên cạnh đó, ở những vùng khó, đối với những thanh niên có ý chí phấn đấu nhưng trình độ văn hóa không đạt theo quy định (tốt nghiệp THCS) thì nên chăng cần cân nhắc để có thể thuận lợi hơn trong việc tạo nguồn kết nạp.

Trao đổi về những giải pháp phát triển đảng viên và chống tái trắng các chi bộ vùng giáo, đồng chí Trần Tiến Sỹ, Phó Bí thư Huyện ủy Bố Trạch khẳng định: Việc tăng cường đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ thiếu đảng viên hay đề xuất sửa đổi Quy định 173 chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Về những đối tượng vi phạm chính sách dân số, qua rà soát trên địa bàn, số này không nhiều, do đó nếu Quy định 173 được sửa đổi, thì những cái khó trong công tác phát triển Đảng hay chống tái trắng chi bộ vùng giáo ở Bố Trạch vẫn sẽ không được tháo gỡ triệt để.

Cũng theo đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, yếu tố quan trọng nhất trong phát triển Đảng chính là công tác tạo nguồn. Một khi không có nguồn kế cận, thì những giải pháp còn lại cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Tuy nhiên trên thực tế các địa phương vùng giáo ở huyện Bố Trạch, công tác tạo nguồn kết nạp Đảng thực sự khó khăn bởi những thanh niên có chí hướng, có trình độ văn hóa thì đã theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và thoát ly. Số thanh niên còn lại ở địa phương hầu hết không đủ trình độ theo quy định và bản thân cũng không “mặn mà” với việc vào Đảng.

Do đó, muốn tạo nguồn đảng viên, cần có sự đầu tư nâng cao trình độ giáo dục cho con em các xã khó khăn nói chung, các xã vùng giáo nói riêng. Đây chính hướng đi đúng và là giải pháp lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ đoàn thể, bí thư, phó bí thư chi bộ các địa phương cũng cần đầu tư nâng cao trình độ và tâm huyết để làm thay đổi nhận thức của người dân vùng giáo, tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động những thanh niên vùng giáo tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Từ bức tranh toàn cảnh và những đề xuất, giải pháp cụ thể về công tác phát triển đảng viên vùng giáo của huyện Bố Trạch, hy vọng các cơ quan chức năng sẽ chung tay để cùng tạo ra những giải pháp đồng bộ. Làm được điều này, không chỉ góp phần tạo nguồn kết nạp đảng viên, mà quan trọng hơn là nâng cao dân trí của người dân vùng giáo, chung tay phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, củng cố niềm tin của bà con giáo dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Ngọc Mai