.

Mục đích cao nhất là quyền lợi chính đáng của nhân dân

Thứ Hai, 04/07/2016, 08:01 [GMT+7]

Đầu tháng 4-2016, hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã gây nên thảm họa môi trường chưa từng có ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi Nhà nước nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp, nhằm xác định nguyên nhân, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, khắc phục hậu quả,... lại có một số kẻ coi đây là cơ hội để vu cáo Nhà nước Việt Nam, tiến hành nhiều hoạt động gây mất ổn định xã hội, qua điều mà họ gọi là “cách mạng cá”...

Trong mấy tháng đầu năm 2016, hiện tượng cá chết hàng loạt đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Có thể dẫn các số liệu cá chết như: Tại Chi-lê khoảng 100.000 tấn; tại In-đô-nê-xi-a hàng trăm tấn ở hồ Tô-ba; tại Bra-xin có 200 tấn trong một hồ nước ở An-phe-na; tại Cô-lôm-bi-a hơn 70 tấn tại khu vực Xi-e-na Đề-pay; tại Cam-pu-chia có 65 tấn ở Kam-pông Thom... Đáng lưu ý là dù nỗ lực, song không phải quốc gia nào cũng nhanh chóng xác định nguyên nhân của hiện tượng. Bởi, để đạt kết luận chính xác, phải tiến hành hàng loạt biện pháp đồng bộ, khảo sát, kiểm định, nghiên cứu, nhất là phải làm theo trình tự một cách khoa học, đúng quy định pháp luật trong nước và quốc tế. Trường hợp nguyên nhân cá chết có thể liên quan cơ sở sản xuất, khu công nghiệp nào đó thì kết luận càng đòi hỏi sự chính xác, vì chỉ có qua đó mới xác định được trách nhiệm, giải quyết hậu quả, các biện pháp đền bù cho người thiệt hại, khắc phục môi trường,...

Ở Việt Nam, chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện hiện tượng thủy sản nuôi trồng, thủy sản và hải sản tự nhiên chết bất thường, không rõ nguyên nhân, ngư dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn, do cá biển đánh bắt không thể tiêu thụ, phải bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí hoạt động tàu, thuyền ra khơi, đồng thời môi trường biển bị ô nhiễm, trực tiếp ảnh hưởng ngành du lịch,...

Trước tình hình đó, Chính phủ đã tiến hành một kế hoạch đồng bộ, kiên quyết, cụ thể để xử lý, kịp thời có giải pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh; phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, huy động tối đa các nhà khoa học, kể cả nhà khoa học nước ngoài để sớm tìm ra nguyên nhân; tập trung thu gom, xử lý hải sản chết, bảo đảm vệ sinh môi trường; hướng dẫn, thông báo cho ngư dân về thời gian, ngư trường đánh bắt an toàn, nuôi trồng thủy hải sản; tổ chức rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất xả thải trong khu vực; xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức đánh giá hậu quả do sự cố gây ra với môi trường biển...

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, không loại trừ cá nhân, tổ chức nào. Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải sớm có kết luận khách quan, khoa học về nguyên nhân sự cố, một nhóm gồm hơn 100 nhà khoa học được thành lập, ngoài các nhà khoa học Việt Nam, còn có những chuyên gia đến từ CHLB Đức, I-xra-en, Nhật Bản... phối hợp nghiên cứu, xác định nguyên nhân.

Tuy nhiên, với các thế lực thù địch và các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, thảm họa môi trường dẫn tới cá chết lại là cơ hội để họ tiếp tục âm mưu tiến công Đảng, Nhà nước Việt Nam; coi đây là thời cơ để gây rối loạn xã hội. Bằng sự phối hợp trong - ngoài chặt chẽ, tổ chức khủng bố “Việt tân” là đầu não chủ mưu ra đời cái gọi là “cách mạng cá”, lấy sự kiện cá chết châm ngòi cho các cuộc biểu tình, khi có cơ hội sẽ biến thành bạo loạn. Lợi dụng việc các nhà khoa học cần thời gian để khảo sát, nghiên cứu, cơ quan chức năng cần có thời gian đấu tranh xác định trách nhiệm với bên có liên quan,... họ mở ra trên in-tơ-nét, đặc biệt là qua facebook, một chiến dịch vu cáo, bịa đặt, dựng đứng nhiều vấn đề, được đặt cùng các câu hỏi, có thể khiến người tiếp xúc nghi ngờ Nhà nước Việt Nam. Một số tay chân của tổ chức khủng bố “Việt tân” trong nước được huy động đến địa phương “đưa tin”, theo ý đồ được xác định từ trước, và BBC, RFA, RFI, VOA,... cũng tích cực tham gia phối hợp.

Sau khi tiến hành cái gọi “chuẩn bị dư luận” để kích động người nhẹ dạ, cả tin, các thế lực thù địch đứng đầu là tổ chức khủng bố “Việt tân” chuyển sang giai đoạn kế tiếp, là kích động biểu tình vào các ngày 1-5, 8-5, 15-5, 22-5. Nực cười là trong các cuộc tụ tập xuống đường nhân danh “bảo vệ môi trường”, nhưng các đối tượng này giơ biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho người vi phạm pháp luật đang chịu án tù! Trong khi thành viên các tổ chức bất hợp pháp như “anh em dân chủ”, “con đường Việt Nam”, “mạng lưới blogger”, “No-U”, “The VOICE” tất tả ngược xuôi vận động tổ chức biểu tình, thì từ nước ngoài, hai thành viên của tổ chức khủng bố “Việt tân” là Nancy Nguyễn (nick: Bánh ngọt), Khưu Hiền Duyên (nick: Mã Tiểu Linh) lập tức từ Mỹ về Việt Nam, mang theo tài liệu “cẩm nang xuống đường”, cùng tiền bạc, để hỗ trợ hoạt động của phe nhóm.

Sau hoạt động hung hăng, rầm rộ ban đầu, dần dần mục đích của các thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam ngày càng lộ rõ. Họ hoàn toàn không vì môi trường, không chia sẻ với khó khăn của ngư dân, không muốn chung tay cùng toàn dân khắc phục hậu quả,... mà rắp tâm gây rối loạn xã hội, thừa cơ lật đổ chính quyền.

Vì thế, sau khi trò biểu tình nhạt dần, mấy thành viên tổ chức khủng bố “Việt tân” không được nhập cảnh, một “nhà dân chủ” đã than thở về “một kịch bản rất xấu cho cách mạng cá”, rằng: “Chỉ một, hai tháng như vậy là Đảng và Nhà nước sẽ dẹp yên được dư luận… Không được tiếp lửa, biểu tình cũng nguội dần. Nếu số người tham gia mỗi tuần đều giảm đi thì biểu tình sẽ ngày càng nhạt, mất dần sự chú ý của dư luận. Tệ nhất là khi từ con số hàng trăm, sau vài chủ nhật, chỉ còn trơ lại một số gương mặt nổi nhất,... Sẽ không có cuộc “cách mạng cá” nào cả, như nhiều người đang mong đợi”!

Với mục đích cao nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, với tinh thần trách nhiệm trước đất nước, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, đã chỉ đạo, phối hợp giải quyết vấn đề một cách khẩn trương nhưng bình tĩnh, tỉnh táo, toàn diện, thận trọng,... đưa tới kết quả là ngày 30-6, tại cuộc họp báo của Chính phủ công bố nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền trung, vấn đề đã sáng tỏ. Tuy nhiên, sự việc không chỉ đến đó là kết thúc, mà cần tiếp tục các biện pháp để bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường.

Phía Công ty Formosa Hà Tĩnh phải nghiêm túc thực hiện những cam kết với Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Về phía Việt Nam, chúng ta phải nhanh chóng triển khai hoạt động cụ thể như: Tổ chức trồng san hô ở khu vực từng bị ô nhiễm, nhằm khôi phục môi trường biển; tìm các biện pháp để khôi phục, phát triển hoạt động du lịch, dịch vụ tại khu vực ven biển miền trung; chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho người dân gặp khó khăn; công bố các chỉ số an toàn thực phẩm với hải sản... Và sau sự kiện này, điều Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp thường trực Chính phủ sơ kết sáu tháng đầu năm với các địa phương vào ngày 30-6: “phải rút ra những bài học về kinh tế và môi trường là gì. Đây là những bài học rất quan trọng”, phải trở thành nguyên tắc cần tuân thủ khi triển khai các dự án.

Như vậy, nguyên nhân của sự việc đã sáng tỏ chỉ sau chưa đầy ba tháng, trách nhiệm của bên liên quan đã được xác định, lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh đã chính thức xin lỗi và cam kết đền bù, cũng như khẳng định trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả. Nhưng bất chấp các nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, trước ngày Chính phủ Việt Nam công bố nguyên nhân hiện tượng cá chết, trên mạng xã hội xuất hiện những luận điệu bóp méo sự việc, tiếp tục kích động người dân. Ngay chiều 30-6, nhiều lời kêu gọi biểu tình đã lan truyền trên in-tơ-nét. Như vậy, phải khẳng định, các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn không cam chịu thất bại, mà cố tìm mọi cách gây nghi ngờ, làm hoang mang dư luận, rối loạn lòng tin, bột phát hành vi vi phạm pháp luật.

Bức xúc trước các luận điệu, hành vi của những kẻ lợi dụng cá chết để thực hiện mưu đồ chính trị đen tối, từ Hà Tĩnh, bạn đọc Lan Anh viết trên mạng xã hội: “Nhiều băng-rôn, cờ hiệu đã được chuẩn bị sẵn, chỉ cần nguyên nhân được công bố là một số kẻ sẽ nhanh chóng kích động người dân biểu tình gây bạo loạn, đập phá cướp bóc dưới cái mác “yêu nước, yêu biển và yêu cá”...”. Còn độc giả Tống Giang bình luận: “cái gọi là “cách mạng cá” hay “xuống đường vì môi trường” cũng chỉ là chiêu trò lập lờ đánh lận mà các nhà dân chủ đang tiến hành để phục vụ cho mục đích chính trị chống phá đất nước”.

Yêu nước bằng “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”, đó là lời kêu gọi đã và đang được rất nhiều người chia sẻ trên các mạng xã hội. Thiết nghĩ đó là ý kiến đúng đắn, nghiêm túc, có trách nhiệm mà mọi người Việt Nam yêu nước luôn phải tâm niệm. Con đường phía trước còn nhiều thách thức, khó khăn, để đất nước ổn định và phát triển, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần luôn đồng lòng, chung sức đoàn kết thành một khối vững chắc, với ý chí của con dân nước Việt đã từng bên nhau vượt qua vô vàn khó khăn trong lịch sử.

Trước bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới và khi một số kẻ vì lợi ích cá nhân hẹp hòi mà “bán mình cho quỷ dữ” để phá hoại đất nước, chúng ta cần hết sức tỉnh táo để phân biệt đúng và sai, tốt và xấu, lương thiện và bất lương,... để đi tiếp con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Hơn lúc nào hết, để đạt lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình, mỗi người Việt Nam cần có hành động thiết thực để xây dựng Tổ quốc, và không lung lạc trước luận điệu của kẻ xấu.

Theo Hồng Quang và Đông Á (Báo Nhân dân điện tử)