.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập Công đoàn Quảng Bình (1-8-1946 - 1-8-2016):

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới

Thứ Bảy, 23/07/2016, 06:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2016) và 70 năm Ngày thành lập Công đoàn Quảng Bình (1-8-1946 - 1-8-2016), phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Lương Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; nội dung như sau:

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết đôi nét về quá trình xây dựng, phát triển của Công đoàn Quảng Bình và ý nghĩa của việc kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Công đoàn Quảng Bình?

- Đồng chí Nguyễn Lương Bình: Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, với việc triệu tập Đại hội Công hội cứu quốc và thành lập Liên hiệp Công đoàn Quảng Bình ngày 1-8-1946, đội ngũ công nhân lao động Quảng Bình đã được tập hợp trong tổ chức Công đoàn dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, mở ra một thời kỳ mới của phong trào công nhân và Công đoàn Quảng Bình.

Đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao Kỷ niệm chương doanh nghiệp vì người lao động cho các doanh nghiệp tiêu biểu.
Đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao Kỷ niệm chương doanh nghiệp vì người lao động cho các doanh nghiệp tiêu biểu.

Kể từ Đại hội lần thứ nhất (1-8-1946) đến nay, Công đoàn Quảng Bình luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc. 70 năm qua là cả chặng đường lịch sử đầy khó khăn, nhưng cũng rất vẻ vang đối với Công đoàn Quảng Bình. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Quảng Bình cũng đã phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng của mình, luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng và đã có những đóng góp to lớn vào quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân trong cả nước, tổ chức Công đoàn đã vận động cán bộ, CNVCLĐ tích cực tham gia bảo vệ chính quyền non trẻ, tham gia chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, thi đua lao động sản xuất, chiến đấu góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực đóng góp sức người, sức của để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Công đoàn Quảng Bình đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tuyên truyền, giáo dục trong CNVCLĐ; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thu hút, tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đông đảo CNVCLĐ.

Qua đó khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị và tiến bộ xã hội. Các cấp Công đoàn đã giáo dục, bồi dưỡng hàng chục nghìn đoàn viên công đoàn ưu tú giới thiệu với Đảng để xem xét kết nạp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tập hợp ý kiến của CNVCLĐ để tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền, chuyên môn giải quyết; tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là các chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động.

Công đoàn Quảng Bình đã thực hiện tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động; tập hợp, vận động đông đảo CNVCLĐ thực hiện đường lối của Đảng. Vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã được khẳng định trong Hiến pháp, các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Với những đóng góp của phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, Công đoàn Quảng Bình đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba, nhiều cờ thi đua và bằng khen của Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Công đoàn Quảng Bình có ý nghĩa to lớn, nhằm giáo dục cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Quảng Bình nói riêng. Đồng thời, làm cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, hoạt động của tổ chức công đoàn trong xã hội.

- Phóng viên: Thưa đồng chí, trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn được thể hiện như thế nào?

- Đồng chí Nguyễn Lương Bình: Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, Công đoàn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị và trên các lĩnh vực. Thông qua tổ chức Công đoàn, Đảng nắm được tâm tư, nguyện vọng của người lao động để hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn.

Vị trí, vai trò của Công đoàn còn được tiếp tục nâng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì Công đoàn không chỉ đại diện cho người lao động, mà còn là tổ chức trực tiếp tham gia giải quyết những tranh chấp khi lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động nảy sinh. Vai trò của Công đoàn trong lĩnh vực này ngày càng nổi bật, vị trí của Công đoàn ngày một nâng cao.

Đại hội Công đoàn Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2013-2018 đã xác định phương hướng, mục tiêu hoạt động trong thời gian tiếp theo, đó la: “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh, đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng quê hương Quảng Bình phát triển”.

Đồng chí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao quà và tiền hỗ trợ cho đoàn viên lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp ra quân Tháng Công nhân năm 2016.
Đồng chí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao quà và tiền hỗ trợ cho đoàn viên lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp ra quân Tháng Công nhân năm 2016.

- Phóng viên: Thưa đồng chí, các cấp Công đoàn phải làm gì để thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn vững mạnh?

- Đồng chí Nguyễn Lương Bình: Chức năng đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được đặt lên hàng đầu và cũng là chức năng trung tâm của tổ chức Công đoàn. Để thực hiện tốt chức năng này, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xác định: Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động công đoàn các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS; hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên làm đối tượng vận động; tập trung thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau: Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; chủ động tham gia xây dựng và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ như: BHXH, BHYT, BHTN, ATVSLĐ...; phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động; đại diện tập thể người lao động đối thoại, thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể;... tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động, nghị quyết của Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Các cấp Công đoàn làm tốt công tác tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, đoàn viên Công đoàn các cấp và CNVCLĐ nhận thức đúng đắn về những cơ hội, khó khăn, thách thức trong điều kiện hiện nay; nâng cao hiểu biết về mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích cá nhân, doanh nghiệp, xã hội; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo đặc điểm của từng loại hình cơ sở, từng thành phần kinh tế để đề ra các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức chỉ đạo thi đua cho cụ thể, phù hợp, chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến và tăng cường các yếu tố tạo động lực cho phong trào thi đua.

Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ Công đoàn; đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng; tăng cường các hoạt động xã hội để tập hợp, động viên được đông đảo công nhân, lao động trong tất cả các thành phần kinh tế; tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng trong công nhân, lao động;...

- Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !

Nguyễn Hoàng (thực hiện)