.
Nhân một năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Hồng Thanh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy:

Một đời tận tụy, sáng trong

Thứ Hai, 15/06/2015, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Anh Nguyễn Hồng Thanh, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đi vào cõi vĩnh hằng đã tròn một năm. Trong ký ức của nhiều người, anh như vẫn còn đó, với giọng nói trầm ấm, tác phong chân chất, bình dị, gần gũi với mọi người...

Đồng chí Nguyễn Hồng Thanh (ngoài cùng bên trái) động viên BĐBP trên cánh đồng Rục Làn.
Đồng chí Nguyễn Hồng Thanh (ngoài cùng bên trái) động viên BĐBP trên cánh đồng Rục Làn.

Vào một ngày chủ nhật cách đây hơn 5 năm trước, tôi đến nhà anh Nguyễn Hồng Thanh ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch. Lúc bấy giờ anh mới nhận nhiệm vụ Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và 10 năm trước đó, anh là Bí thư Huyện ủy Bố Trạch. Tôi thầm nghĩ: làm Bí thư một huyện lớn nhất tỉnh thì cái nhà riêng có lẽ rất bề thế, nhưng khi bước vào sân thì tôi biết mình đã nhầm: đó là một căn nhà cấp 4, xây dựng đã lâu năm mà chưa tô hom, trông cũ kỹ...

Ngồi trò chuyện, tôi có cảm giác đó là một bác thợ cày dân dã, chứ không phải Bí thư Huyện ủy hay Trưởng ban Dân vận tỉnh. Ngồi mấy tiếng đồng hồ, chỉ nghe anh kể mỗi chuyện làm dân vận, không kể chuyện riêng tư. Nhưng cũng từ việc dân vận bình thường ấy, tôi đã chắt lọc được chân dung của anh. Hình ảnh bình dị của anh đã khắc sâu trong lòng nhiều người, nhất là bà con nông dân và đồng bào các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Năm 2010, huyện Bố Trạch đề nghị tỉnh và Trung ương tặng cho anh Huân chương Lao động hạng Ba, anh đã từ chối và không làm hồ sơ khen thưởng. Anh cán bộ Tuyên giáo huyện đành phải “chấp bút” thay. Tôi đến Phòng Nội vụ huyện tìm bản thành tích của anh. Bản đánh máy 5 trang nhưng phần lớn chỉ nêu thành tích của... tập thể, còn cá nhân anh chỉ vỏn vẹn có mấy dòng: “Gương mẫu trong cuộc sống, sâu sát kiểm tra, xử lý kịp thời các vướng mắc ở cơ sở, nghiêm túc trong sinh hoạt và công tác, thẳng thắn chân tình trong phê bình”.

Để tìm hiểu kỹ về một tấm gương trong sáng nổi tiếng nhưng... kín tiếng, tôi đã tìm gặp những người cùng hoạt động lâu năm và gần gũi với anh. Đó là những cán bộ xã Vạn Trạch, cán bộ huyện và Bộ đội Biên phòng. Kể cả trưởng bản, già làng và đồng bào các xã Tân-Thượng Trạch, nơi miền biên ải heo hút cũng đã dành cho anh những lời đầy kính trọng, họ xem anh như người bác, người anh, rất gần gũi.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng kể rằng: Khi bộ đội giúp đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch tập trồng lúa nước, ban đầu còn thiếu thốn rất nhiều thứ, nhất là về nông cụ. Biết vậy, khi lên công tác, anh ghé qua nhà bảo vợ gom hết dụng cụ của gia đình, nào cuốc, xỉa, bàn cào... bỏ sau xe u-oát lên tặng bà con.

Từ sự quan tâm rất đời thường ấy, người Ma Coong hay ARem càng quý anh hơn. Mỗi lần anh lên thăm Đồn Biên phòng Cà Roòng hay Đồn Biên phòng Cồn Roàng, cánh lính trẻ thường gọi anh bằng bố, tình cảm ấm áp chân thành như cha con. Các con của anh học hành xong đều tự xin việc làm. Anh bảo, Các con mới ra trường, phải xung phong lên vùng cao, vùng sâu công tác, vất vả ban đầu rồi sẽ nên người.

Việc riêng như vậy nhưng việc chung thì anh luôn sâu sát, nhất là với các cơ sở, đặc biệt là những xã vùng cao, vùng có đạo. Làm Bí thư Huyện ủy 2 nhiệm kỳ liền, cũng như hồi làm chủ nhiệm HTX, anh lăn lộn với từng cánh đồng, ruộng mía, đồi cây. Ở xã Sơn Trạch, đất bồi ven sông Son rất tốt nhưng hồi ấy xã ngại khó, đổ lỗi cho đất. Anh xắn quần lội xuống từng thửa ruộng, bốc từng nắm đất, bảo anh kỹ sư nông nghiệp đem về nghiên cứu để trồng mía, trồng lạc. Tổ chức trồng thử, mía và lạc tốt bời bời, từ đó cán bộ xã chăm xuống ruộng hơn. Bà con nông dân ai cũng rất mến phục anh Bí thư “chân đất”.

Bố Trạch có diện tích rất rộng, trong đó có một số xã miền núi đi cả ngày đường chưa hết, vậy mà xã nào anh cũng đã đến thăm nhiều lần. Riêng hai xã Tân-Thượng Trạch giáp đường biên, xa nhất và đường sá khó đi nhất, nhưng hầu như tháng nào anh cũng lên thăm, động viên và bày vẽ cách làm ăn. Bà con dân tộc thiểu số thấy anh đến thăm nhiều lần nên quá quen, già bản nào cũng quý, muốn kéo anh về nhà mình. Họ mời thưởng thức rượu cần, hoặc nhờ anh đặt tên cho đứa trẻ mới sinh. Ở xã Tân Trạch, bà con nghe lời anh tham gia dự án trồng cây huê, bảo vệ rừng Di sản. Nay vườn huê đã xanh tốt, sắp cho thu hoạch mà anh đã đi xa, nhìn cây nhớ người, bà con đặt tên là “Vườn rừng bác Thanh”.

Thương yêu dân hết lòng nhưng đối với việc phê bình, nhất là với cán bộ, đảng viên còn sai sót, anh rất thẳng thắn và kiên quyết. Có một dạo, Chi bộ thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch yếu kém do nội bộ mất đoàn kết. Trăn trở về một vùng quê có tiềm năng kinh tế nhưng không mạnh về công tác Đảng và chính quyền, anh đã giành nhiều thời gian về dự sinh hoạt với chi bộ, phân tích chỉ rõ đúng sai, sắp xếp lại một số cán bộ. Từ đó lòng dân ý Đảng đồng thuận, xây dựng Thanh Khê phát triển vững mạnh như ngày hôm nay.

Tác phong giản dị và đức tính cần kiệm, không muốn làm phiền ai, đã trở thành nếp sống quen thuộc của anh. Nhiều lúc đi công tác xa, anh dặn vợ, con gói cơm nắm, muối vừng để tự túc. Lên các xã miền núi đường sá khó khăn, có khi xe hỏng dọc đường mới thấy giá trị nắm cơm muối vừng anh mang theo. Việc tặng và nhận quà đối với một số người là lẽ thường, nhưng đối với anh Thanh, đó là điều cấm kỵ. Bất cứ là do quý nhau hay nhờ vả điều gì, làm thế nào để anh nhận quà của mình, đó là vấn đề không dễ. Có người thấy anh nghiện thuốc lá nên biếu cả cây, anh vui vẻ nhận nhưng hôm sau biếu lại cho anh em.

Điều làm anh Thanh tâm đắc nhất là sau hơn 15 năm đổi mới, Đảng bộ huyện Bố Trạch trong sạch vững mạnh, đời sống của đa số bà con khá lên trông thấy. Phấn khởi nhất là kinh tế miền núi, vùng bán sơn địa cằn cỗi năm xưa nay đã phủ một màu xanh no ấm. Rừng cao su, thông lấy nhựa, rừng tràm, bạch đàn bát ngát cả miền tây huyện. Bà con các xã miền núi, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đang dần thoát khỏi đói nghèo, dẫu còn nhiều khó khăn. Nói chuyện về bà con dân tộc, anh Thanh hào hứng kể về mô hình lúa nước của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa.

Anh đã lên đó từ những ngày BĐBP làm thủy lợi, hướng dẫn bà con cách gieo thẳng và chăm sóc lúa. Bây giờ thì những ruộng lúa ở Rục Làn đã cho nhiều mùa vàng. Mỗi khi bưng bát cơm ăn, bà con người Rục nhớ mãi hình dáng đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy xắn quần lội ruộng bùn, “cầm tay chỉ việc” cho bà con.

Đầu năm 2014, mặc dù bệnh tình đã nặng nhưng vừa chữa bệnh anh vừa nén cơn đau để làm việc. Trước khi qua đời chỉ vài ngày thôi, anh vẫn cố gắng đến cơ quan để làm việc với Thường trực Hội CCB tỉnh, rồi anh đi thăm các cơ quan, phòng ban, anh em, chào mọi người như thể chuẩn bị cho một chuyến đi xa... Ngày anh "lên đường", có đôi dép rọ và chiếc mũ cứng dãi nắng dầm sương theo cùng. Đoàn người nối dài tiễn biệt lưu luyến mãi hình ảnh một con người luôn sống rất thủy chung, bình dị, sáng trong...

Trần Thị Luận
(Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy).