.

Vụ thảm sát chợ Gộ

Thứ Ba, 13/01/2015, 12:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 14-7-1947, quân viễn chinh Pháp đã gây nên vụ thảm sát ở thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. 120 người dân vô tội, trong tay không có một tấc sắt đã bị giết hại dã man. Hành động điên cuồng của quân xâm lược thể hiện sự bất lực trước lòng kiên trung “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” của những người con đất Việt trên vùng quê Quảng Bình...

Bối cảnh những năm tháng đau thương mà anh dũng...

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Nam bộ, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Nhận thấy vùng đất Quảng Bình có vị trí chiến lược trong tham vọng tái chiếm đất nước ta, ngày 27-3-1947, thực dân Pháp dùng các lực lượng thủy quân, bộ binh, không quân đổ bộ lên cửa biển Nhật Lệ, đánh chiếm thị xã Đồng Hới. Quân và dân Đồng Hới nói riêng, Quảng Bình nói chung và Tiểu đoàn Lê Trực đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng, đánh trả quyết liệt, chặn bước tiến quân giặc, giữ cho lực lượng của ta rút vào hậu cứ bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Để hoàn thành kế hoạch đánh chiếm và bình định Quảng Bình, sau khi chiếm đóng thị xã Đồng Hới, thực dân Pháp tiếp tục tiến quân vào các huyện lỵ khác. Trong đó Quảng Ninh là một địa bàn chiến lược quan trọng, là vành đai bao vây ba phía của tỉnh lỵ- nơi đóng chốt các cơ quan đầu não của thực dân Pháp, cũng là nơi có địa hình chia cắt gây khó khăn cho các cuộc hành quân bình định lấn chiếm và chi viện lẫn nhau của địch nhưng đó là nơi thuận lợi để xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài của ta. Do vậy, thực dân Pháp đã quyết tâm đánh phá và chiếm đóng vùng này để giữ đất, giành dân, xây dựng tuyến phòng thủ an toàn sau lưng Đồng Hới, cắt liên lạc Bắc - Nam.

Chiều 27-3-1947, thực dân Pháp đưa một lực lượng khoảng 100 tên hành quân đánh chiếm Quán Hàu, đến 5 giờ chiều chúng đã chiếm và đóng quân ở đây. Ngày 28-3-1947, địch tiếp tục hành quân đánh chiếm Quảng Ninh theo hai hướng: một hướng từ Thuận Lý theo đường sắt tiến về ga Xuân Dục, khống chế các xã vùng ven rừng núi, hướng khác vượt sông Nhật Lệ đánh chiếm các xã Võ Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh, Gia Ninh.

Từ đó địch nhanh chóng đánh rộng ra, nhằm tạo vùng kiểm soát với mục đích ép lực lượng du kích lên vùng đồi, cắt đứt liên lạc giữa các vùng, khống chế các trục đường giao thông. Tuy vậy, đi đến đâu, tấn công vào làng xã nào thì quân giặc cũng gặp phải sự đánh trả quyết liệt của dân quân du kích và quần chúng nhân dân.

Không thực hiện được âm mưu mua chuộc, khủng bố, đe dọa, lùng sục tìm bắt cán bộ Việt Minh và du kích, giặc Pháp điên cuồng tổ chức các trận càn lớn vào các làng xã, tàn sát đốt nhà, giết người vô cùng dã man.

Một cuộc thảm sát dân lành

Chợ Gộ là một thôn thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chợ Gộ cũng như các địa phương khác của huyện Quảng Ninh đấu tranh kiên quyết với địch không chịu lập tề và bộ máy bù nhìn cấp cơ sở. Đây cũng là địa bàn có nhiều cơ sở cách mạng, nơi chuyển tải những thông tin bằng đường sông, đường bộ giữa vùng núi với đồng bằng, giữa vùng bị tạm chiếm với chiến khu của huyện Quảng Ninh.

Vì vậy, khi không thực hiện được âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh”, kẻ địch đã có ý đồ tàn sát, hủy diệt Chợ Gộ để đe dọa và hòng làm nhụt tinh thần, ý chí chiến đấu của người dân Chợ Gộ nói riêng, của nhân dân các xã trong huyện Quảng Ninh nói chung, cắt đứt đầu mối giao liên, chia cắt lực lượng kháng chiến của ta.

Để thực hiện âm mưu tàn ác đó, vào lúc 14h ngày 14-7-1947, địch đã dùng một lực lượng quân khá đông chia làm 2 mũi tiến vào Chợ Gộ (xã Vĩnh Ninh), một mũi bám theo đường bộ, mũi còn lại dùng ca-nô chở quân ngược lên theo sông Nhật Lệ. Từ hai mũi, chúng sục vào từng nhà bắt nhân dân dồn lại từng cụm rồi ngang nhiên hãm hiếp phụ nữ, ai chống lại chúng bắn chết tại chỗ, sau đó chúng dồn toàn bộ dân chúng ra khỏi thôn, bắt xếp thành hàng ngang ở ngoài đồng với mục đích bắt dân khai báo cơ sở Đảng và cán bộ Việt Minh, bắt hô khẩu hiệu chống lại Đảng, chống lại Việt Minh, chống lại phong trào kháng chiến.

Người dân Chợ Gộ phản đối bằng cách im lặng không khai báo, không hô khẩu hiệu. Bọn chúng tức giận, lồng lộn dí súng vào mặt từng người dân bắt phải hô “chống Việt Minh” nhưng không một ai nghe chúng.

Trong trái tim người dân Chợ Gộ đã thấm sâu lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Hồ Chủ tịch “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Bọn địch đã nhiều lần đe dọa, dí súng vào trán, vào bụng từng người nhưng vẫn không làm lay chuyển được ý chí người dân Chợ Gộ một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng. Họng súng và những tiếng gào thét đe dọa của quân thù không khuất phục được lòng dân Chợ Gộ. Bọn giặc điên cuồng bắn xối xả vào đám đông những người vô tội, xác dân thường ngã xuống nằm chồng lên nhau, một số người vùng bỏ chạy cũng không thoát khỏi họng súng tàn ác của kẻ thù, xác của họ đổ gục bên vệ đường, dưới mương thủy lợi, cả cánh đồng nhuốm đỏ máu dân lành.

Giết người xong, bọn địch đi đến từng nhà châm lửa đốt trụi, vơ vét hết của cải trâu bò mang đi. Chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, giặc Pháp đã biến một làng quê đang sống yên bình với tiếng cười rộn rã của trẻ thơ giờ đây đã ngập trong chết chóc, tang thương. Trong vụ thảm sát này, địch đã thiêu hủy 40 ngôi nhà, lấy đi sinh mạng của 120 người dân vô tội, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Nạn nhân trong vụ thảm sát không chỉ riêng người dân Chợ Gộ mà có thêm người ở những nơi khác như người làng Phúc Duệ đang chài lưới trên sông Nhật Lệ, người làng Vĩnh Tuy đang gieo lúa ngoài đồng và khách vãng lai cũng bị giặc Pháp thẳng tay bắn giết.

Từ đó, ngày 14 tháng 7 hàng năm  (tức ngày 25 tháng 5  âm lịch) đã được nhân dân Chợ Gộ lấy làm ngày “căm thù” khắc sâu tội ác của thực dân Pháp.

Di tích “Vụ thảm sát Chợ Gộ” có giá trị lịch sử to lớn, là bằng chứng về tội ác chiến tranh “trời không dung, đất không tha” của thực dân Pháp gây ra đối với nhân dân Quảng Bình nói chung và người dân Chợ Gộ nói riêng.

Phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống chống giặc ngoại xâm trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân làng Chợ Gộ đã cùng cả nước “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”, anh dũng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà.

“Vụ thảm sát Chợ Gộ” đã được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng là di tích cấp tỉnh theo quyết định số: 3346/QĐ-UBND ngày 20-11-2014 nhằm  ghi dấu sự kiện đau thương mà nhân dân Chợ Gộ phải gánh chịu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí kiên cường và lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, từ đó ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hoài Hương
    (Ban Quản lý Di tích tỉnh)