.
Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2015):

85 năm Đảng Cộng sản Việt Nam (tiếp theo)

Thứ Sáu, 09/01/2015, 08:25 [GMT+7]

* Đảng bộ Quảng Bình 85 năm xây dựng và trưởng thành

I- Đảng bộ Quảng Bình ra đời lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền

1- Sự ra đời của các tổ chức cách mạng và tổ chức đảng đầu tiên ở Quảng Bình

Trong những năm đầu thế kỷ XX, tinh thần yêu nước, yêu quê hương trỗi dậy mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân ta. Cùng cả nước, nhân dân Quảng Bình đứng lên hưởng ứng các phong trào chống Pháp. Phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Bình trước khi có Đảng đã dần dần tiếp cận với xu hướng dân chủ và theo tinh thần yêu nước mang màu sắc mới. Đó là một trong những điều kiện, yếu tố quan trọng tạo tiền đề cho các tổ chức tiền thân của Đảng thâm nhập vào Quảng Bình.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tổ chức của Đảng cũng được khẩn trương xây dựng từ Trung ương đến cơ sở. Tại ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, đồng chí Lê Viết Lượng- xứ ủy viên được Xứ ủy Trung kỳ giao nhiệm vụ xây dựng các tổ chức đảng. Ở Quảng Bình, ngày 22 tháng 4 năm 1930 đồng chí Lê Viết Lượng đến ga Bố Trạch chuyển Ban vận động Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành tổ chức Đảng Cộng sản.

Năm 1929, một số thanh niên ở thôn Bãi Đức, xã Hương Hóa, Tuyên Hóa ra học ở huyện Hương Khê. Được tổ chức đảng ở đây giáo dục, 7 thanh niên ở Bãi Đức đã giác ngộ lý tưởng Cộng sản. Tháng 1 năm 1931, dưới sự lãnh đạo của Tổng ủy Xuân Khánh (Hà Tĩnh), chi bộ Bãi Đức được thành lập.

Ở  hai làng Mỹ Thổ và Trung Lực, một số thanh niên được tổ chức đảng ở Quảng Trị giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng. Tháng 10 năm 1931, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị, chi bộ Mỹ Thổ - Trung Lực (còn gọi là chi bộ Mỹ - Trung) ra đời, chi bộ gồm 3 đồng chí do đồng chí Lê Thuận Chất làm bí thư.

Trải qua những năm chống khủng bố, đàn áp và tiến hành đấu tranh để khôi phục và phát triển phong trào, các chi bộ đảng Quảng Bình tuy có những tổn thất nhưng vẫn đứng vững. Nhiều chi bộ mới tiếp tục ra đời để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân trong tỉnh như: Ở Quảng Trạch có Chi bộ Lũ Phong- Quảng Phong (tháng 10 năm 1933), chi bộ Thổ Ngọa - Quảng Thuận (1937), chi bộ Lộc Điền - Quảng Thanh (1937), chi bộ Trung Thôn- Quảng Trung (1939); Tuyên Hóa có chi bộ Thanh Thủy - Tiến Hóa (1939); Lệ Thủy có chi bộ Thạch Bàn - An Xá (1939); cũng năm 1939, thành lập Ban vận động Phủ ủy lâm thời Quảng Trạch. Tháng 6-1942, Ban Chấp hành Phủ ủy lâm thời Quảng Trạch  được thành lập.

Các chi bộ và tổ chức cơ sở đảng tại Quảng Bình bước đầu đã lãnh đạo phong trào cách mạng thu được nhiều thắng lợi. Từ phong trào, các tổ chức đảng được củng cố và phát triển ở một số địa phương, lực lượng quần chúng cách mạng được tập hợp. Đó là những tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho việc thành lập một Đảng bộ tỉnh thống nhất.

2- Đảng bộ Quảng Bình thành lập, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền

Cùng với sự phát triển chung của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức cơ sở đảng ở Quảng Bình cũng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, do bắt mối và chịu sự chỉ đạo từ nhiều nguồn khác nhau nên một thời gian dài các tổ chức cơ sở đảng ở tỉnh ta hoạt động độc lập, chưa phối hợp được với nhau để lãnh đạo phong trào.

Để thống nhất tổ chức đảng ở miền Trung, chấm dứt tình trạng phân tán diễn ra sau nhiều đợt khủng bố của địch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban thống nhất Trung kỳ đã ra lời kêu gọi những người cộng sản miền Trung thống nhất lại dưới lá cờ của Đảng, chuẩn bị lãnh đạo cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.

Thực hiện lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban thống nhất Trung kỳ, ngày 2 tháng 7 năm 1945, Hội nghị cán bộ đảng được triệu tập tại chùa An Xá (Lệ Thủy). Hội nghị quyết định củng cố các tổ chức đảng ở những nơi đã có, mở rộng và phát triển Đảng vào các vùng trọng yếu nhất là thị xã Đồng Hới; thống nhất lực lượng Việt Minh trong toàn tỉnh; chuẩn bị mọi điều kiện cho khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị đã thành lập Ban vận động thống nhất Đảng toàn tỉnh do đồng chí Đoàn Khuê làm Trưởng ban.

Từ đây, Quảng Bình đã có cơ quan lãnh đạo thống nhất. Việc mở Hội nghị thống nhất Đảng là bước ngoặt lịch sử quan trọng mở ra thời kỳ mới - thời kỳ thống nhất tổ chức, thống nhất lãnh đạo, thống nhất hành động trong toàn tỉnh; tạo ra sức mạnh mới, niềm tin mới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vươn lên, quyết tâm giành thắng lợi quyết định trong giai đoạn cách mạng mới.

Thượng tuần tháng 8 năm 1945, Tỉnh bộ Việt Minh dời trụ sở về khu căn cứ Võ Xá gần thị xã Đồng Hới để trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tại Võ Xá, Tỉnh bộ Việt Minh đã mở một số lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh cho các phủ, huyện; thành lập và huấn luyện đội nghĩa binh của tỉnh, tự vệ các phủ, huyện, thị. Tỉnh bộ Việt Minh đã tổ chức một cuộc mít tinh tại Võ Xá với hàng ngàn người dự để nghe cán bộ Việt Minh phổ biến tình hình và nhiệm vụ mới.

Lúc này điều kiện cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Quảng Bình đã xuất hiện, đội tiên phong và quần chúng cách mạng đã sẵn sàng, tầng lớp trung gian ngã theo cách mạng, chỉ đợi thời cơ và tình thế cách mạng xuất hiện là cuộc khởi nghĩa có thể nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, cơ sở Việt Minh ở thị xã Đồng Hới nắm được tin Nhật đầu hàng đã báo cho Tỉnh bộ Việt Minh ở khu căn cứ Võ Xá. Ngay trong ngày, Tỉnh bộ Việt Minh đã mở hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa, Hội nghị nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã đến và cử người xin ý kiến của Trung ương và Xứ ủy.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh được triệu tập tại thị xã Đồng Hới để tiếp nhận lệnh khởi nghĩa của Trung ương do đồng chí Tố Hữu trực tiếp truyền đạt. Hội nghị quyết định:

- Lấy ngày 23 tháng 8 năm 1945 làm ngày khởi nghĩa chung cho toàn tỉnh.

- Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Đồng Hới và các phủ huyện trong cùng một ngày, cùng một lúc, sau đó giải quyết hệ thống chính quyền tổng, xã.

Mười hai giờ đêm 22 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh quyết định ban bố lệnh khởi nghĩa. Mặt trận Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa lãnh đạo quần chúng trong toàn tỉnh đồng loạt vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

8 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, tại buổi mít tinh, Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh làm lễ ra mắt, tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng và thông báo trước đồng bào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh ta đã góp phần cùng đồng bào cả nước đập tan ách thống trị đế quốc, phong kiến, giải phóng nhân dân ta thoát khỏi cuộc đời nô lệ, đói khổ, lầm than.

II- Đảng bộ lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Ngày 7 tháng 10 năm 1945, Hội nghị cán bộ đảng toàn tỉnh tại thị xã Đồng Hới họp quán triệt chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những phương hướng và biện pháp đầu tiên xây dựng chế độ mới, đối phó với các lực lượng đế quốc và phản động đang âm mưu tiến vào chiếm đất nước ta.

Hội nghị đã rà soát lại đội ngũ cán bộ và đảng viên, rà soát lại các tổ chức cơ sở đảng, chủ trương thành lập ngay các huyện ủy, thị ủy ở những huyện, thị chưa thành lập để kịp thời lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc ở địa phương, chủ trương phát triển Đảng trong hàng ngũ thanh niên, phụ nữ, lực lượng vũ trang... Hội nghị bầu ra Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Đình Chuyên làm Bí thư.

Hội nghị còn đề ra việc củng cố và phát triển các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh ở cơ sở, thu hút toàn dân vào các hội cứu quốc và thành lập Mặt trận Việt Minh ở các làng, xã. Hội nghị cũng chủ trương xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng mỗi huyện, thị một đại đội tự vệ chiến đấu tập trung, mỗi xã một trung đội; xây dựng xưởng quân khí ở Quy Hậu, Lệ Thủy; gửi quân Nam tiến, Tây tiến chi viện cho Nam bộ và biên giới Việt Lào; thành lập đại đội Phú Quý.

Việc mở Hội nghị thống nhất Đảng có tính chất như một Đại hội, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ đã khẳng định tính thống nhất tổ chức, thống nhất lãnh đạo, thống nhất hành động trong toàn tỉnh, là bước ngoặt lịch sử mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, quân và dân Quảng Bình khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, thi hành chính sách tiêu thổ kháng chiến để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 6 tháng 1 năm 1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất họp tại hang Lèn thôn Đại Hóa, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đại hội đã khẳng định lại tầm quan trọng của công tác dân vận, rút bài học kinh nghiệm qua công tác bám dân, bám làng tổ chức chiến đấu. Đại hội quyết định cử cán bộ, đảng viên trung kiên vào trong lòng địch gây dựng cơ sở nòng cốt, hướng dẫn quần chúng đấu tranh, xây dựng cơ sở kháng chiến trong vùng địch hậu. Sau Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng ở Thuận Đức và đặc biệt sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, cán bộ, đảng viên trung kiên đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong lòng địch, phong trào chiến tranh du kích diễn ra mạnh mẽ, nhiều làng, xã chiến đấu kiểu mẫu như  Cự Nẫm (Bố Trạch), Cảnh Dương (Quảng Trạch), Hưng Đạo (Lệ Thủy)... xuất hiện.

Ngày 19 tháng 5 năm 1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Bình lần thứ II họp tại làng Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Tuyên Hóa (huyện Minh Hóa ngày nay). Đại hội ghi nhận sự cố gắng to lớn của cán bộ, đảng viên, quân và dân tỉnh nhà trên mặt trận kháng chiến kiến quốc. Đại hội tập trung thảo luận xem xét diễn biến và thực trạng tình hình, khẳng định sự đúng đắn của Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Thuận Đức và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất (tháng 1 năm 1948).

Dựa trên cơ sở lý luận của Đảng về đường lối kháng chiến kiến quốc và từ thực tiễn cuộc kháng chiến ở địa phương, sau khi phân tích đánh giá tình hình, Đại hội quyết định: Phát động cao trào “Quảng Bình quật khởi” với phương châm hành động: “Rời chiến khu thực hiện hạ sơn, bám dân, bám làng hoạt động”. Toàn quân, toàn dân thực hiện khẩu hiệu: “Miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh”. Cuối tháng 6 năm 1949, nhận thấy sơ hở của địch là chủ quan ỷ vào hệ thống đồn bốt dày đặc ở Quảng Ninh và Lệ Thủy, Tỉnh ủy Quảng Bình họp bất thường, quyết định phát động tuần lễ “Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”, phong trào “hạ sơn”, “đốt chiến khu về đồng bằng”; nhân dân đồng bằng làm lễ “hạ rầm” vùng dậy cứu nước, cứu nhà và lấy ngày 15 tháng 7 năm 1949 làm ngày “Quảng Bình quật khởi”.

Kết thúc tuần lễ “Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”, quân và dân Quảng Bình đã đánh 120 trận lớn nhỏ, diệt 49 tên Pháp, 128 tên Việt binh đoàn, làm bị thương 120 tên khác (kể cả Pháp và ngụy), phá 22 xe quân sự, giải tán 225 hội tề trong tổng số 268 ban. Hệ thống ngụỵ quyền bị quét sạch ở nhiều nơi, 8 xã trong vùng tạm bị chiếm ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy được giải phóng. Quần chúng phấn khởi trở về quê hương làm ăn, vùng du kích được mở rộng.

Sau tuần lễ Quảng Bình quật khởi, phong trào chiến tranh du kích ở Quảng Bình phát triển mạnh. Chiến thắng Xuân Bồ (tháng 2 năm 1950), tiếp theo là chiến thắng Chợ Chè, Sen Bàng, Mỹ Hòa, Ba Đồn, Phú Trịch... tạo nên một chuỗi thắng lợi liên hoàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Năm 1952, huyện Quảng Trạch được giải phóng, hậu phương của ta tiếp tục được mở rộng nối liền với vùng tự do Thanh - Nghệ Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của quân và dân Quảng Bình.

Trước những thắng lợi về mọi mặt của cuộc kháng chiến, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ III diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 8 năm 1951 tại Bến Tiêm (Quảng Ninh). Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ III đã vạch ra phương hướng khắc phục khó khăn về các mặt, nhất là mặt trận kinh tế, cổ vũ động viên toàn dân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến. Đại hội nhấn mạnh các biện pháp xây dựng thực lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những định hướng do Đại hội đề ra vạch đường chỉ lối cho toàn quân, toàn dân Quảng Bình, mở ra một giai đoạn mới để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của công cuộc kháng chiến.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các tổ chức đảng ở địa phương, nhân dân cùng lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã nổi dậy bao vây, tiến công khống chế uy hiếp kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Trong Đông-Xuân 1953 - 1954, bộ đội địa phương và dân quân du kích loại khỏi vòng chiến đấu 763 tên, bắn bị thương 137 tên, bắt sống 66 tên, thu nhiều súng đạn các loại, phá hủy nhiều xe cơ giới. Riêng lực lượng du kích đã tổ chức hoạt động 217 lần, diệt 58 tên, bắn bị thương 56 tên, phá hủy 4 xe vận tải. Những thắng lợi liên tiếp cuối năm 1953 đã đưa phong trào kháng chiến ở Quảng Bình tiến lên một bước trong chiến lược và chiến thuật tấn công địch.

Thắng lợi to lớn trong chiến cục Đông- Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng vang dội ở Điện Biên Phủ đã tạo thế cho phái đoàn Chính phủ ta đang họp Hội nghị Giơ-ne-vơ tấn công trên mặt trận ngoại giao. Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở ba nước Đông Dương được ký kết.

Ở Quảng Bình, sau lệnh ngừng bắn ngày 1 tháng 8 năm 1954, Tỉnh ủy họp và quyết định thành lập Ủy ban quân chính chuẩn bị tiếp quản vùng giải phóng và thị xã Đồng Hới. Ngày 18 tháng 8 năm 1954, dưới sự chỉ huy của tên quan năm Ô-ri-ôn, chuyến tàu cuối cùng chở những tên lính viễn chinh Pháp lặng lẽ ra cửa biển Nhật Lệ, chấm dứt sự xâm lược của thực dân Pháp trên đất  Quảng Bình. 15 giờ cùng ngày, bộ đội và nhân dân vào tiếp quản thị xã Đồng Hới. Ngày 20 tháng 8 năm 1954, Ủy ban quân chính ra mắt trước ba vạn đồng  bào.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Quảng Bình thắng lợi là kết quả của sự vận dụng linh hoạt, đầy sáng tạo các chủ trương, đường lối của Trung ương vào hoàn cảnh cụ thể của các cấp ủy đảng từ tỉnh xuống các cơ sở, tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, mưu trí sáng tạo của các lực lượng vũ trang và sức mạnh của nhân dân trong quá trình tiến hành cuộc kháng chiến.

Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

(Còn nữa)