.

Tăng cường thực hiện Dự án dân chấm điểm

Thứ Bảy, 14/10/2017, 12:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Dự án Dân chấm điểm M-Score chính thức khởi động tại Quảng Bình vào đầu tháng 1-2016. Từ khi đi vào hoạt động, dự án đã góp phần quan trọng trong cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực, trách nhiệm cho cán bộ cũng như hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, góp phần tạo sự hài lòng trong nhân dân.

Dự án Dân chấm điểm M-Score tại Quảng Bình chính thức khảo sát thái độ phục vụ và chấm điểm của cán bộ cấp huyện từ tháng 2-2016. Tính đến tháng 1- 2017, đơn vị đã thực hiện 12 đợt khảo sát cho các trường hợp hoàn thành hồ sơ trong năm 2016.

Trong khoảng thời gian này, dự án đã tiếp cận 12.599 người dân đang có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại các văn phòng một cửa cấp huyện. Trong đó, số người phỏng vấn thành công qua điện thoại là 9.875 người, đạt tỷ lệ thành công 79,91%. Riêng 8 tháng đầu năm 2017, dự án tiếp tục phỏng vấn thành công 5.152 người.

Địa phương có người dân được phỏng vấn nhiều như: huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa... Địa phương phỏng vấn ít nhất là thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn. Ngoài ra, tổng đài 18008006 đặt tại trụ sở HĐND tỉnh từ ngày 11-1-2016 cũng đã tiếp nhận được hàng trăm cuộc gọi từ người dân với mục đích tra cứu hồ sơ.

Bảng hỏi khảo sát dân chấm điểm bao gồm 3 câu hỏi và được chấm điểm trên thang điểm từ 0 đến 10 về mức độ hài lòng chung, thái độ phục vụ của cán bộ và hướng dẫn làm thủ tục. Tất cả các câu hỏi liên quan đến cán bộ được hỏi chung cho cả cán bộ tại bộ phận một cửa và cán bộ chuyên môn. Qua bảng hỏi, công ty phân tích thời gian thực đã thu thập thông tin về số lần người dân bị hẹn đi hẹn lại, thời gian hoàn thành thủ tục kể từ lúc nộp đầy đủ hồ sơ...

Dịch vụ hành chính công tại huyện Minh Hóa được người dân chấm điểm cao nhất trong năm 2017.
Dịch vụ hành chính công tại huyện Minh Hóa được người dân chấm điểm cao nhất trong năm 2017.

Kết quả khảo sát cho thấy, mức điểm trung bình của cả ba chỉ số dao động tương đối ít, từ 8,6 đến 9,2 điểm. Biên độ dao động qua các tháng chỉ ở mức từ 0,1 đến 0,2 điểm. Nếu so với trước đây thì chất lượng dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh ta tăng cao qua điểm chấm của người dân.

Cụ thể, số điểm chỉ số M-Score chung đạt cao nhất là huyện Minh Hóa với 9,45 điểm/390 người chấm, Tuyên Hóa đạt 9,19 điểm/600 người chấm. Điểm thấp nhất là Đồng Hới 8,33/382 người chấm. Về thái độ nhân viên, huyện Minh Hóa đạt 9,4 điểm, Tuyên Hóa đạt 9,3 điểm. Đơn vị thấp nhất là thành phố Đồng Hới, đạt 8,66 điểm. Hướng dẫn thủ tục, huyện Minh Hóa vẫn đạt điểm số cao nhất với 9,46 điểm và Đồng Hới thấp nhất khi đạt 8,63 điểm.

Từ khi dự án được triển khai, đa phần người dân tham gia chấm điểm đều tỏ ra hài lòng bởi dịch vụ hành chính công ngày càng được nâng lên. Ông Hoàng Văn T, ở huyện Bố Trạch chia sẻ: “Từ khi tỉnh ta triển khai Dự án Dân chấm điểm qua tổng đài, tôi thấy cán bộ ở Trung tâm giao dịch một cửa liên thông huyện làm việc tốt hơn, thái độ rất hòa nhã, lễ phép với nhân dân. Hồ sơ yêu cầu giải quyết của tôi được tiếp nhận và giải quyết nhanh gọn nên tôi chấm điểm cao”.

Dự án đi vào hoạt động còn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tiếp nhận, hướng dẫn nhân dân giải quyết thủ tục hành chính. Chị Cao Thị Tố Nga, một cán bộ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Trung tâm giao dịch một cửa liên thông huyện Tuyên Hóa tâm sự: “Là một cán bộ thường xuyên tiếp xúc với dân trong điều kiện công việc rất nhiều, chúng tôi có thái độ hòa nhã với người dân. Khi người dân có thắc mắc vấn đề gì, chúng tôi đều tận tình giải thích cho họ hiểu và nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao!”.

Trong một báo cáo gần đây của Công ty phân tích thời gian thực RTA đã ghi nhận 1.209 trường hợp người trả lời bị hẹn đi hẹn lại trong quá trình làm thủ tục hành chính, trong đó, tỷ lệ cao nhất là huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Đồng Hới.... Các hồ sơ sai hẹn nhiều phổ biến nhất là lĩnh vực đất đai, chiếm hơn 70%.

Nếu so với thời gian đầu khi triển khai dự án thì tỷ lệ này có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Việc hồ sơ trễ hẹn còn khá nhiều khiến người đến giao dịch không hài lòng, giảm lòng tin của người dân đối với chính quyền cấp huyện. “Tôi thấy chưa thực sự hài lòng về chính quyền vì cấp giấy phép xây dựng cho mình trễ hẹn. Bởi đây là cơ quan công quyền, đã hứa với dân thì phải làm cho chính xác, đừng để dân đi lại nhiều, mất thời gian và công việc của dân”, anh Trịnh Văn T, ở thành phố Đồng Hới cho biết.

Mặc dù có những ý kiến trái chiều nhau, nhưng phần lớn đánh giá của người dân đối với cán bộ tốt nên chấm điểm cao. Đến thời điểm này có thể khẳng định, dự án đã phát huy hiệu quả khi nhận được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương đến người dân.

Qua đó, góp phần nâng cao năng lực CCHC của tỉnh, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Ngoài ra, dự án còn thúc đẩy những thay đổi tích cực về cơ sở vật chất, tăng cường nhân sự cũng như năng lực của các cán bộ tại bộ phận một cửa liên thông, bộ phận chuyên môn tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính tại địa phương, nâng cao chất lượng phục vụ cho nhân dân.

Mới đây, dự một cuộc họp về Dự án Dân chấm điểm M- Score, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống một cửa liên thông và dịch vụ hành chính công để thay thế cho hệ thống phần mềm một cửa đang sử dụng đã lạc hậu.

Đối với UBND cấp huyện phải chỉ đạo bộ phận “một cửa” và các phòng, ban chuyên môn thực hiện hiệu quả hoạt động, báo cáo Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ban quản lý dự án về những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai; rà soát lại những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính mà người dân và doanh nghiệp không hài lòng để chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác...

Từ yêu cầu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, phía Oxfam cũng đã hỗ trợ kinh phí cho tỉnh ta khảo sát, lắp đặt hệ thống ứng dụng phần mềm chấm điểm ngay tại bộ phận một cửa thuộc văn phòng HĐND và UBND các huyện, thành phố, thi xã. Dự kiến, hệ thống này sẽ đi vào hoạt động trong tháng 11 năm nay. Khi đi vào hoạt động, hệ thống sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính công trên địa bàn tỉnh.

Bởi khi đó, người dân được chấm điểm cán bộ ngay tại văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, phía tổng đài cũng như đơn vị phân tích sẽ mất ít thời gian hơn trong việc phỏng vấn, tổng hợp số liệu...

Xuân Vương