.

Linh hồn của phố

Thứ Sáu, 01/08/2014, 16:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Giữa ngày mùa hạ nắng như đổ lửa, bỗng dưng tôi chợt nhớ những ngày cuối đông. Ấy là khi chợ Đồng Hới ngập tràn hoa trái và tràn ra tận gốc sung cổ thụ gần tượng đài Mẹ Suốt. Phiên chợ tết dường như mang màu sắc ấm nồng và đầy hoài cổ khi những bà, những chị, những mẹ ngồi bán na chuối, bưởi bòng dưới gốc cây sung tỏa bóng...

Cây sung cổ thụ và hàng nghìn cây xanh trên từng nẻo đường, con phố... đã và đang mang lại màu xanh tươi mát cho thành phố trẻ. Và hơn thế nữa, đó là điểm nhấn không thể thiếu để tạo nên vẻ đẹp của đô thị trẻ. Mà như ai đó từng ví von, rằng cỏ cây là linh hồn của phố.

Và không chỉ giản đơn là linh hồn của phố, mà cây xanh, với xu hướng kiến trúc xanh của thế kỷ 21, đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Để có một không gian sống đạt những yêu cầu cơ bản của kiến trúc xanh, việc sử dụng các năng lượng tự nhiên ngày càng được chú trọng. Ở một chừng mực nào đó, thành phố Đồng Hới đã bắt đầu có những đổi thay đáng kể.

Nhìn từ trên cao, những vệt màu xanh đang ngày một dài hơn, rộng hơn trên những con đường Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Thanh  Niên, Hà Huy Tập... Và công viên Đồng Mỹ, công viên Đồng Sơn... đủ sắc màu cỏ cây bốn mùa khoe sắc. Cùng với những phượng, bàng, bằng lăng, hoa sữa... đang bắt đầu mang dáng hình cổ thụ, là nhiều loại cây mới được trồng dọc đường  Nguyễn Du, Quách Xuân Kỳ cùng nhiều tuyến đường nhỏ khác. Hai hàng hoa sữa dày đặc dọc tuyến đường Lý Thường Kiệt, Quang Trung một thời đồng loạt tỏa hương khiến không ít người khó chịu, hậu quả của “thời kỳ quá độ” những năm 90, giờ cũng đã được tỉa thưa, phù hợp với không gian thành phố.

Hàng xà cừ cổ thụ cạnh công viên Đồng Sơn trên đường Hà Huy Tập.
Hàng xà cừ cổ thụ cạnh công viên Đồng Sơn trên đường Hà Huy Tập.

Trao đổi về vai trò và thực trạng của cây xanh thành phố Đồng Hới, kiến trúc sư (KTS) Hoàng Tròn, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Quảng Bình cho biết: Với chức năng là lá phổi xanh trong đời sống con người, tăng thẩm mỹ, tạo sự êm dịu về màu sắc và khí hậu, đặc biệt là đối với những khu đô thị, những năm gần đây, cư dân thành phố đã có ý thức bảo vệ và chăm sóc cây xanh, dù là ở công viên hay trong mỗi gia đình. Và so với một số đô thị khác trong khu vực, về cơ bản cây xanh thành phố Đồng Hới đang trong giai đoạn phát triển và mang lại những điểm nhấn cho đô thị trẻ. Nhiều loại cây mới đã được trồng, phù hợp với các tuyến đường, khu dân cư, tạo không gian đẹp và trong lành cho cư dân thành phố.

Cùng với những ưu điểm nói trên, thì theo KTS Hoàng Tròn, tại một số địa điểm trong thành phố, việc trồng cây xanh vẫn còn những bất cập, chưa tuân thủ triệt để những quy định về cây xanh đô thị của cơ quan chức năng. Điển hình là tại đường Quách Xuân Kỳ, cây trúc đào, một loại cây chứa nhiều độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong nếu ăn phải, đặc biệt là đối với trẻ em.

Về việc cây trúc đào được trồng tại đây, người dân và phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần phản ánh, nhưng đến thời điểm này, cây trúc đào vẫn còn tồn tại. Xét về mặt thẩm mỹ thì cây trúc đào đã tạo nên không gian đẹp trong khu vực, tuy nhiên đây lại là địa điểm thu hút nhiều trẻ em vui chơi nên lại trở thành một mối nguy đối với các em.

Cùng ý kiến với KTS Hoàng Tròn, chị Trần Thị Hương, phường Đồng Phú cho biết: Buổi tối, chị và gia đình thường đi dạo trong khu vực. Nhưng việc cây trúc đào hiện diện tại đây khiến chị không khỏi lo lắng bởi nếu vô tình ăn một chiếc lá đã có thể gây tử vong, đặc biệt là trẻ em. Điều đáng nói nữa là không phải tất cả người dân đều hiểu hết về sự nguy hại của cây trúc đào để phòng tránh, nên về lâu dài, cần phải quy hoạch và trồng mới loại cây khác thay cho loại cây tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm này...

Hiện nay, bên cạnh việc trồng mới cây xanh trên các tuyến đường, việc bảo tồn cây xanh cũng đã và đang được quan tâm. Với đặc thù của vùng đất chịu nhiều tác động khắc nghiệt của thiên tai, trong quá trình phát triển, cây xanh thành phố Đồng Hới cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trước mỗi mùa mưa bão, cơ quan chức năng thường tiến hành cưa cành, tỉa nhánh cây xanh nhằm tránh bị đổ sập bởi gió bão. Cây sung chợ Đồng Hới là một ví dụ.

Nếu trước mùa mưa bão năm 2013, cây sum suê tỏa bóng, thì hiện tại, những cành lớn gần như đã bị cắt gọn để tránh bão, chỉ còn lại gốc cây cổ thụ. Cùng với việc cưa cành, tỉa nhánh, mùa mưa bão, cây xanh đã được chằng chống, bảo vệ để có thể đương đầu với thiên tai. Dù việc làm này khiến cho cây xanh thành phố phần nào hạn chế phát triển, nhưng đây là giải pháp bắt buộc phải chấp nhận để bảo tồn cây xanh, đặc biệt là đối với những cây cổ thụ có giá trị cao...

Chăm sóc cây xanh tại công viên Đồng Mỹ.
Chăm sóc cây xanh tại công viên Đồng Mỹ.

Để bảo tồn và phát triển lá phổi xanh cho cư dân thành phố, bên cạnh việc định hướng, quy hoạch và đầu tư cây xanh của cơ quan chức năng, thì việc nâng cao ý thức của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng vô cùng quan trọng. Không chỉ trồng và phát triển cây xanh ở khu vực công cộng, mà trong mỗi gia đình, việc giữ gìn, chăm sóc cây xanh cũng cần được xem trọng. Đối với cộng đồng, cần phải có ý thức chung tay bảo vệ.

Bên cạnh đó, việc trồng cây gì, ở đâu cũng cần có sự cân nhắc để phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh. Xin đưa ra đây một ví dụ về sự thiếu phù hợp và gây lãng phí trong việc trồng mới cây xanh ở một trường nọ. Ấy là khi nhà trường quyết định bỏ đi một số cây phượng, cây bàng trưởng thành trong sân trường và thay thế bằng cây lộc vừng, một loại cây được xem là “có giá” trong số những loài cây cảnh.

Việc làm này khiến cho không ít phụ huynh và học sinh cảm thấy nuối tiếc và hụt hẫng khi những cây phượng, cây bàng đã nhiều năm gắn bó bỗng dưng biến mất. Chưa kể đến những lãng phí, tốn kém và cả sự chờ đợi nhiều năm sau mới có được bóng mát từ những cây mới trồng này, mà cây lộc vừng, dù đẹp đấy, sang đấy, nhưng với học trò và trường học, thì có loại cây nào phù hợp hơn là phượng và bàng?

Xin khép lại bài viết bằng câu chuyện về cây sung Đồng Hới. Rằng trải qua bao gió bão, thiên tai và cả cuộc chiến tranh khốc liệt, thành phố nhỏ nằm ven sông Nhật Lệ gần như bị hủy hoại hoàn toàn, thì cây vẫn đứng đó, non tơ và kiêu hãnh. Để hơn nửa thế kỷ sau, khi Đồng Hới trở thành một đô thị trẻ duyên dáng và sầm uất, cây trưởng thành vững chãi, trở thành một nhân chứng không thể thiếu song hành cùng những thăng trầm của quê hương. Và để cây sung được đứng đó, kiêu hãnh đón bình minh và tiễn ráng chiều mỗi ngày, trong quá trình xây dựng lại Đồng Hới nhiều năm trước, người yêu phố, yêu cây đã phải trăn trở và cân nhắc nhiều. May mắn đến bây giờ, cây sung vẫn đứng đó, như một chứng nhân của quê hương trong hành trình hơn nửa thế kỷ...

Cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ để đưa thành phố Đồng Hới nói riêng, tỉnh nhà nói chung tiến nhanh và bền vững, việc chăm lo phát triển "lá phổi xanh", góp phần tạo không gian sống êm dịu, tiến tới đạt những tiêu chuẩn về kiến trúc xanh của đô thị, dù vẫn còn những tồn tại, bất cập nhưng cơ bản vai trò của cây xanh đã và đang được xem trọng. Tin tưởng rằng, tương lai gần Đồng Hới sẽ trở thành một đô thị xanh, mà sắc màu cỏ cây chính là linh hồn của phố, góp phần níu chân lữ khách qua lại chốn này...

Ngọc Mai