.

Đồ chơi an toàn cho trẻ: Bao giờ mới hết lo?

Thứ Sáu, 01/08/2014, 10:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồ chơi là sản phẩm không thể thiếu đối với trẻ nhỏ. Việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ đang là vấn đề quan tâm lớn đối với các bậc phụ huynh, nhất là trong thời gian vừa qua một số sản phẩm đồ chơi gây sát thương cho trẻ.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng phát hiện một số đồ chơi trẻ em như bong bóng bay, bom thối, hạt nở, thú nhún... có chứa chất phtalate. Phtalate là chất làm mềm nhựa, sử dụng như chất kết dính nên rất dễ bị chảy ra khi ở gần nguồn gây nhiệt. Phtalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể. Đối với trẻ em nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng, các sản phẩm đồ chơi độc hại không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan trên địa bàn tỉnh ta.

Hẳn mọi người vẫn chưa thể quên vụ tai nạn xảy đến với các em học sinh Trường Chu Văn An, thị trấn Đức An, Đắck Song (tỉnh Đắck Nông) xảy ra vào chiều 16- 1- 2014. Các túi đồ chơi giống hình lựu đạn phát nổ làm 32 em học sinh bị choáng váng, ngất xỉu phải nhập viện. Ngày 20- 1, 6 học sinh trong số này tiếp tục phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật. Hay gần đây, chiều 13- 5- 2014, 50 học sinh các lớp 2, 3 và 4 của Trường tiểu học Tiến Thành (tỉnh Bình Thuận) trong lúc vui chơi đã làm vỡ chai thủy tinh có chứa dung dịch lỏng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chỉ ít phút sau các em phải nhập viện vì ngộ độc.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ tai nạn do đồ chơi độc hại, sản xuất kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, chưa kể đến tác hại của những đồ chơi bạo lực như dao, gươm, súng, lựu đạn... ảnh hưởng đến quá trình phát triển và hình thành nhân cách, tác phong của trẻ sau này. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn hiện nay đó là các sản phẩm đồ chơi này vẫn đang được bày bán rộng rãi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các khu vực bán đồ chơi cho trẻ ở chợ Đồng Hới, chợ Ga, chợ Bắc Lý... thì hầu như hàng Trung Quốc chiếm 90%, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, màu sắc bắt mắt rất hấp dẫn đối với trẻ nhỏ từ búp bê, bong bóng, thú nhựa... cho đến các sản phẩm đồ chơi đầy bạo lực, kích động ảnh hưởng nhân cách cũng như sức khỏe của trẻ nhỏ như súng, lựu đạn, dao, kiếm... có giá dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Theo một chủ quầy hàng bán đồ chơi trên đường Mẹ Suốt thì hàng Trung Quốc với thế mạnh là mô hình lắp ráp, đồ chơi điện tử được bán chạy nhất có giá từ 150.000 – 300.000 đồng/sản phẩm. Còn các sản phẩm như búp bê, thú nhựa... lại càng rẻ hơn với giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng một sản phẩm. Khi được hỏi vì sao không lấy hàng Việt Nam về bán, thì chị cho biết: “Có lấy nhưng hàng Việt Nam rất đắt, mẫu mã ít lại đơn điệu, không hấp dẫn được trẻ em, do đó rất khó bán, lúc đầu chị cũng có nhập, nhưng có tháng không bán được sản phẩm nào, nên giờ cũng ít lấy”.

Chị Phùng Thị Luyên (phường Bắc Nghĩa) cho biết: "Dù nghe nhiều cảnh báo về đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc độc hại, nguy hiểm nhưng hàng Việt Nam rất khó tìm lại đắt đỏ, trong khi đó tâm lý  trẻ con mau chán, chơi được một thời gian là bỏ, nên không nhất thiết là phải mua đồ đắt tiền".

Điều đáng nói, dù trong thời gian qua báo chí truyền thông đã cảnh báo nhiều về vấn đề đồ chơi cho trẻ, nhất là những sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay những mặt hàng đồ chơi của Trung Quốc mang tính độc hại. Tuy nhiên, hiện nay tại tỉnh ta những loại đồ chơi nguy hại đó rất dễ mua tại những tiệm tạp hóa, các xe bán hàng đồ chơi lưu động... ngay cả trong siêu thị hay nhà sách với giá chỉ vài nghìn cho đến vài trăm nghìn đồng.

Đáng chú ý, các mặt hàng độc hại này thường được bán trước cổng trường học. Gần cổng Trường tiểu học Đồng Phú, Trường tiểu học số 3 Nam Lý... luôn có 4 - 5 người bán hàng đồ chơi trẻ em. Sản phẩm họ bán là súng bắn nước, mặt nạ quái thú, giá trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/sản phẩm; hạt nở giá từ 500 - 1.000 đồng/bịch khoảng 50 hạt.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN 3:2009/BKHCN) có hiệu lực từ ngày 15- 4- 2010, các loại đồ chơi trẻ em (sản xuất trong nước và nhập khẩu) lưu thông trên thị trường bắt buộc phải có dấu chứng nhận hợp quy (tem CR). Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các loại đồ chơi bán trên thị trường đều chưa thực hiện quy định này.

Trước thực trạng trên, các bậc phu huynh không nên dễ dãi trong việc chọn đồ chơi cho con, nhất là những loại đồ chơi đã được cảnh báo mang tính độc hại hoặc bạo lực. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh trò chơi trẻ em xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh các sản phẩm đồ chơi độc hại.

Phạm Hà