.

Vùng đất... "khát"

Thứ Sáu, 07/03/2014, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ khi có chiếc cầu nối liền đôi bờ sông Gianh, người dân xã Quảng Hải (Quảng Trạch) đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Họ có điều kiện giao lưu, buôn bán, phát triển kinh tế, xã hội. Đời sống nhờ đó mà được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, từ rất nhiều năm nay, hàng nghìn con người nơi đây vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh sống lao đao vì "khát" nước sạch. Hiện tại, mong muốn lớn nhất của người dân địa phương là sớm có nước sạch sinh hoạt.

Quanh năm cầu... mưa!

Chị Cao Thị Quý, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Hải đã tâm sự với chúng tôi như thế khi đề cập đến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn xã. Khi nguồn nước sạch trở thành "ước mơ xa xỉ" với người dân địa phương thì điều họ mong chờ nhất lúc này chính là... những cơn mưa. "Mặc dù nhiều lúc nước mưa cũng không thực sự bảo đảm, phải qua nhiều lần lắng lọc mới dùng được nhưng đối với chúng tôi, có được nước mưa để dùng đã là tốt lắm rồi", chị Quý bộc bạch.

Quảng Hải hiện có 730 hộ với 3.102 khẩu thì hiện tại cả chừng ấy con người vẫn đang ngày đêm mong chờ một dự án nước sạch được nối về địa phương. Đây chính là ước mơ được ấp ủ suốt nhiều năm qua của người dân Quảng Hải. Và có lẽ phải tận mắt chứng kiến cảnh bà con nơi đây chắt chiu từng giọt nước, không dám bỏ phí, cảnh họ chật vật lọc nước với các dụng cụ tự chế không bảo đảm, cảnh nhà nhà phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua nước trong khi kinh tế gia đình vẫn còn nhiều khó khăn mới thấu hiểu được những khó khăn của người dân nơi đây khi luôn phải đối mặt với cơn khát nước sạch triền miên.

Lâu nay, họ vẫn dùng nước giếng cho sinh hoạt hàng ngày, nhưng nguồn nước nơi đây đã bị nhiễm phèn nặng. Dù giếng có đào sâu đến hàng chục mét vẫn nhiễm phèn, vàng quánh như nghệ. Ngay cả khi đun sôi, dưới đáy ấm vẫn lắng lại một lớp cặn màu đỏ quánh, quần áo giặt xong đều ngả màu.

Một góc xã Quảng Hải.  Ảnh: P.V
Một góc xã Quảng Hải. Ảnh: P.V

"Quanh năm suốt tháng, người dân quê tôi phải chấp nhận sống chung với khát, với nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sống lâu cũng thành quen chứ người từ nơi khác đến nhìn thấy nguồn nước ở đây, ai cũng ngán ngẩm", chị Cao Thị Minh một người dân ở thôn Tân Thượng cho biết. Và để "chứng thực" lời mình vừa nói, chị dẫn chúng tôi ra giếng nước sau nhà, bơm nước vào một chiếc chậu nhôm màu trắng.

Quả thực nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi sẽ không thể nghĩ rằng đây là nước giếng mà lâu nay người dân Quảng Hải vẫn dùng. Trong chiếc chậu nhôm màu trắng là một thứ nước vàng quánh, bốc mùi tanh nồng của phèn, sắt. Chị Minh cho biết: “Hầu như tất cả các giếng nước trong làng đều bị nhiễm phèn như thế nên bà con không dám dùng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mọi người chỉ có thể dùng nước đó để tắm, giặt, rửa ráy chứ không thể dùng ăn uống. Ấy vậy mà vào mùa hè, ruộng khô thì giếng cũng khô, đến nước phèn cũng trở nên khan hiếm, cuộc sống của bà con hết sức khó khăn!”

Sống chung với tình trạng khát nước sạch triền miên nên người dân Quảng Hải lúc nào cũng mong cho trời mưa để hứng nước dùng. Ở đây, hầu như nhà nào cũng sắm rất nhiều xô, chậu, xây bể chứa để đựng nước mưa. Với họ, cơn mưa dường như đã trở thành niềm mong đợi thường trực. Năm nào mưa nhiều thì bà con nơi đây bớt khổ vì thiếu nước. Năm nào mưa ít thì y như rằng họ phải chịu cảnh lao đao, đặc biệt là vào mùa khô. Những ngày hè nóng nực, người dân Quảng Hải càng khổ sở vì "điệp khúc khát nước sạch". Để có nước dùng họ phải lấy nước từ hồ Tiên Lang (Quảng Liên). Dù không bảo đảm vệ sinh nhưng đó là giải pháp duy nhất của người dân nơi đây để đối phó với "cơn khát".

Bao giờ hết... "khát"?

Đó chính là nỗi băn khoăn thường trực suốt thời gian qua của chính quyền và nhân dân xã Quảng Hải. Để bảo đảm cho vấn đề an sinh xã hội, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương thì việc bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đối với nhiều địa phương nói chung và Quảng Hải nói riêng đó không phải là chuyện dễ dàng.

Để cải thiện chất lượng nước, nhiều hộ dân đã bỏ tiền đầu tư xây bể lọc. Tuy nhiên, mỗi công trình tốn ngót 7-8 triệu đồng nên hiện tại cả xã chỉ có khoảng 10-15 hộ xây được bể lọc nước. Ấy vậy mà loại nước đã được lọc qua bể cũng chỉ dùng để tắm giặt chứ không thể ăn uống vì vẫn còn phèn và mùi tanh nồng. Số hộ không có điều kiện xây bể lọc theo quy chuẩn thì đành chấp nhận sử dụng "bể lọc tự tạo" với cát, sỏi, than, khăn màn dù biết rằng nó không loại bỏ được độ nhiễm phèn, sắt trong nước là bao. Hơn nữa, chỉ dùng được một thời gian là bị tắc phải thay do lượng phèn đóng lại quá dày, nước không thể chảy được. Và ngay cả thứ nước "không thể sạch" này bà con cũng phải dùng rất dè xẻn. Nước vo gạo xong phải dùng để rửa rau, tiết kiệm từng giọt mà hằng tháng nhà nào cũng phải dành ra một khoản tiền đáng kể để lo chuyện nước. Không thể dùng nước giếng dù đã qua lọc xử lý để ăn, uống nên bà con phải mua nước về dùng.

 Để cải thiện chất lượng nước, người dân Quảng Hải đầu tư xây bể lọc nhưng nguồn nước đã qua lắng lọc vẫn không thể dùng ăn, uống mà chỉ phục vụ tắm giặt, rửa ráy.
Để cải thiện chất lượng nước, người dân Quảng Hải đầu tư xây bể lọc nhưng nguồn nước đã qua lắng lọc vẫn không thể dùng ăn, uống mà chỉ phục vụ tắm giặt, rửa ráy.

Trước đây, khi chưa có cầu Quảng Hải, người dân địa phương hoặc là chèo đò đi mua nước hoặc là chấp nhận dùng nước không bảo đảm vệ sinh cho cả nhu cầu ăn, uống. Từ khi cầu Quảng Hải được "hợp long" thì việc đi mua nước của họ cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, mỗi mét khối nước "không biết có đạt tiêu chuẩn hay không" mà người dân khu vực này phải mua với giá 70.000 đồng, những lúc cao điểm vào mùa hè là 80.000-90.000 đồng. "Gia đình tôi có 5 người, trung bình mỗi tháng phải dùng đến khoảng 3m3 nước, tính ra phải mất đến khoảng 250.000 đồng tiền nước. Chúng tôi không lo thiếu tiền, thiếu gạo. Tiền thiếu có thể vay tạm, gạo thiếu có thể đi mượn. Nhưng thiếu nước thì chịu chết, không ai giúp ai được", chị Nguyễn Thị Hiên (thôn Vân Trung) than thở.

Đó là với những gia đình có điều kiện, còn với những hộ nghèo thì việc hàng tháng phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua nước trong khi cái ăn còn chưa lo đủ là điều gần như không thể. Gia đình chị Đoàn Thị Vinh (thôn Vân Trung) có 8 khẩu nên nhu cầu dùng nước hàng tháng khá lớn. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, cả hai vợ chồng chị đều làm nông, rảnh rỗi thì làm nón, để lo cho việc ăn mặc, học hành của con cái đã rất chật vật do đó với họ chuyện mua nước là quá... xa xỉ. Hơn nữa, họ cũng không có tiền để xây bể lọc nên đành dùng nước giếng với cách thức lọc thô sơ truyền thống. "Việc dùng nước không bảo đảm vệ sinh khiến bà con bị mắc nhiều căn bệnh về tiêu hoá, đường ruột, bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, phụ nữ thì mắc bệnh phụ khoa.

Qua theo dõi, thống kê, hàng năm, trên địa bàn xã có đến khoảng 2/3 phụ nữ bị mắc bệnh phụ khoa mà nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn", chị Cao Thị Quý, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng trên địa bàn, ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết: Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin dự án nước sạch được nối về xã. Trước đây, có một dự án nước sạch của nước ngoài về khảo sát để tiến hành lắp hệ thống nước cho Trường mầm non Quảng Hải nhưng do không khả thi nên không thể thực hiện.

Năm 2013, dự án nước sạch của Hungary tiến hành khởi công tại xã Quảng Sơn để phục vụ cho 22 xã trong huyện trong đó có Quảng Hải và đến nay vẫn đang ở giai đoạn 1. Khoảng thời gian để hoàn thành dự án chắc là còn lâu nữa. Từ giờ đến lúc đó, người dân Quảng Hải không còn cách nào khác là đành chấp nhận... "sống chung với khát".

Đào Vân