Cao Bá Quát và những bài thơ viết ở Đèo Ngang

Cập nhật lúc 08:45, Thứ Năm, 24/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ hơn một thế kỷ nay, nhà thơ Cao Bá Quát đã được nhắc  đến trong nhiều câu chuyện truyền thuyết. Trong sách vở cũ sự nghiệp văn chương của Cao Bá Quát cũng không có được bao nhiêu. Tài liệu phần nhiều dựa vào giai thoại nên khó có căn cứ. May mắn là trong Thư viện Khoa học Trung ương còn giữ được 12 tập thơ, văn của ông gồm đại đa số là thơ. Có 11 bài văn xuôi viết theo thể ký hoặc luận văn và 10 truyện ngắn viết theo thể truyện ký. Tất cả đều được chép tay bằng chữ Hán. 

Hoành Sơn quan.
Hoành Sơn quan.

Nay tính số lượng thì Cao Bá quát có 1. 350 bài thơ và 21 bài văn. Trong số bài thơ hiện giữ được có mấy bài thơ Cao Bá Quát cảm tác về Đèo Ngang hoặc nhắc tới địa danh Đèo Ngang.

Có một điều là xưa nay rất nhiều người có thơ viết về Đèo Ngang, mà nổi bật hơn cả là bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh quan, thơ của vua Lê Thánh Tông khi đi chinh phạt Chiêm Thành ghé qua Đèo Ngang.

Còn với Cao Bá Quát, thơ viết về Đèo Ngang của ông chỉ được điểm qua chứ chưa đi sâu phân tích thơ để thấy được thêm, ông  là một con người lãng tử có học thức và đầy khí phách. Chẳng hạn như khi đọc bài thơ "Tắm ở khe Bàn Thạch" chỉ có bốn câu thơ năm chữ thôi mà ý nghĩa.

Ông viết:

Sáng lên Hoành sơn trông
Chiều xuống Bàn Thạch tắm
Nhặt hòn đá mỗi nơi
Núi sông không đầy nắm.

Cũng như bao người thấy đá lạ thì nhặt cầm lên tay chơi, chơi rồi lại vứt đi bất kỳ, nhưng với ông cầm lên những viên đá nhỏ lại có một cảm hứng khác người khi đứng trước sự hùng vĩ của sông núi với một khát vọng lạ thường tự trong ý tưởng ông toát ra. Chúng ta có thể khẳng định đó là chí hướng một con người đầy cao cả, tự tin.

Ông thân sinh ra Cao Bá Quát không đỗ đạt gì nhưng là một nhà nho danh tiếng. Ông hướng con cái vào đường khoa cử và hi vọng rất nhiều ở các con. Ông đọc sách, biết nhà Chu ở cổ sử Trung Hoa có 8 kẻ sĩ: Bá Đạt, Bá Quát, Trọng Đội, Trọng Hốt, Thúc Hạ, Thúc Dạ, Quý Tuỳ, Quý Oa. Tám người đó đều là hiền sĩ và đều là 4 cặp sinh đôi. Với hai đứa con sinh đôi của ông, Cao Bá Quát cùng anh là Cao Bá Đạt đã được cha rèn luyện ngày đêm theo những giáo lý của đạo Khổng và phát triển theo hướng nêu cao học vấn, tu dưỡng bản thân, đem tài năng thờ vua giúp nước.  

Điều ấy để chúng ta thấy ở Cao Bá Quát toát lên khí chất của một con người có học và muốn hành động. Trên đường đi vào kinh thành Huế, khi đứng trên đỉnh núi Hoành Sơn nhìn ra biển cả, ông thấy giữa cảnh sóng to, gió lớn, chớp giật, sấm ran trông đến kinh người mà vẫn có những con chim hải âu chao liệng như những cái chấm. Ông liên tưởng hoàn cảnh ông, lại tự đặt câu hỏi với lòng mình. Con đường công danh nguy hiểm như thế sao?

Thơ ông viết:

Sóng trên mặt bể trắng xoá như
đầu bạc
Gió táp xô vỡ chiếc thuyền lớn
hàng muôn hộc
Sấm ran, chớp giật trông rùng
rợn người
Mà trong vẫn có những con chim âu lềnh bềnh như những cái chấm.
Hơi bể quyện vào núi, núi lởm
chởm như ngón tay,
Phía bắc núi, phía nam núi, suốt
nghìn muôn dặm.
Từ sự liên tưởng ấy, ông đã lấy làm câu kết cho bài thơ:
Trên đường công danh đã mấy ai
nhàn?
Mũ lọng nhộn nhịp, ta cũng
đi đây!

Từ cảm hứng ấy cũng cho chúng ta thấy thêm khí chất của một người "Tài cao, phận thấp, chí khí uất". Và ông lại an ủi mình:

Phải đem chí bên trong gìn giữ
khí bên ngoài
Không để cho những lo nghĩ nhỏ
nhen kích thích.

Một dịp khác, đi qua Ải Hoành Sơn ông lại có một sự liên tưởng mới khi bắt gặp những dấu tích trầm mặc như thành Hời nước Chiêm Thành thời xưa, bây giờ chỉ còn là những phế tích. Ông nghĩ một triều đại khi đã suy tàn thì khó có người anh hùng tài giỏi nào phục hồi lại được. Rồi từ đó ông như rút ra chân lý cuộc sống.

Bài thơ "Lên núi Hoành Sơn" ông viết:

Muôn dặm đường đi núi lẫn đồi
Bên non cỏ nội tiễn đưa người
Ai tài kéo nước nghìn năm lại?
Trăm trận còn tên một luỹ thôi.

Chỉ nhìn bằng con mắt, ông cảm nhận một thực tế nghiệt ngã của sự mất còn và để mà tự lý giải cái mâu thuẫn đường đời ông đang dấn bước.

Ải Bắc mây tan chưa dứt hạt
Thôn Nam nắng hửng sớm quang trời.
Xuống đèo mới biết lên đèo khổ
Trần luỵ, sao đành để cuốn lôi.

Tuổi trẻ của Cao Bá Quát là những ngày trong sáng và rực rỡ của một tài năng lỗi lạc, một tâm hồn rộng lớn, một ước mơ cao xa.

Cao Bá Quát tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Ông sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội bây giờ.

Vì là quê hương ở xứ bắc nên mỗi lần có sự cố về quê, vào kinh, lúc vào ra, ông đều có dịp đi qua Đèo Ngang. Ba bài thơ viết về Đèo Ngang của ông cũng là một trường hợp hiếm thấy trong giới trí thức cầm bút xưa nay. Bây giờ chúng ta cũng khó lý giải vì sao Đèo Ngang với Cao Bá Quát lại giàu ấn tượng gợi tình đến thế. Thực ra là ở mỗi bài ông có sự gửi gắm tâm trạng khác nhau. Có lẽ bài thơ "Ải Hoành Sơn" sau đây ông viết bằng tâm trạng sau 4 năm bị thải về quê (tha tội chết vì chữa bài thi của một thí sinh giỏi bị phạm huý sẽ bị đánh hỏng, ông lo mất đi một tài năng rồi bị lộ), ông lại nhận chiếu chỉ triệu vào kinh (1847). Lần này ông không phấn khởi như những lần trước, tâm trạng có nhiều bức xúc.

Non cao nêu đất nước
Liền một dãy ra khơi
Thành cũ trăm năm vững
Ải xa nghìn dặm dài.
Chim về rừng lác đác
Mây bám núi chơi vơi
Chàng Tô nấn ná mãi
Tấm áo rách tơi bời.

Với tâm trạng như vậy thì bối cảnh Đèo Ngang quả là cơ hội tốt để cho người giàu cảm khái bộc lộ được lòng mình. Ba bài thơ Cao Bá Quát viết về Đèo Ngang đúng là có ba thời điểm khác nhau nhưng cùng chung một tâm trạng nhiều ẩn ức khó bộc lộ ra được của một người giàu khảng khái chưa đủ điều kiện, thời cơ, mà chỉ nhờ hình tượng thơ văn nói hộ mình.

Đọc thơ Cao Bá Quát ta thấy thơ của ông có giá trị nghệ thuật rất lớn, nhiều hình ảnh cụ thể, hình tượng khái quát cao, vận dụng nhiều điển tích. Chúng ta thấy trong đó có nguồn sức mạnh của một thi nhân cổ nhân trước những chứng kiến nhân tình thế thái. Tuy nhiên, tiếc rằng hầu hết tác phẩm ông đều sáng tác bằng chữ Hán nên cũng có nhiều hạn chế để tiếp cận nguyên bản.

                                                                                                   Văn Tăng

 

,
.
.
.