.

Tập trung lực lượng và phương tiện sẵn sàng phòng chống bão lũ

Thứ Tư, 18/09/2013, 16:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Để đối phó với với bão số 8 có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh ta, UBND tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống bão.

>> Tin bão khẩn cấp, cơn bão số 8

>> Bão số 8 áp sát biển Đông

Các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Ban phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh và các địa phương sử dụng các phương tiện thông tin phối hợp với các gia đình giữ vững liên lạc với tất cả các tàu cá đang hoạt động trên biển (nhất là khu vực Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa), hướng dẫn tàu cá vào nơi neo đậu an toàn.

Theo báo cáo nhanh của Ban PCLB-TLCN tỉnh, đến 13 giờ ngày 18-9, tỉnh ta đã kêu gọi 3.638 tàu cá với 14.087 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão an toàn. Hiện còn 107 tàu với 884 lao động đang hoạt động trên biển nhưng chủ yếu gần bờ và cũng đang trên đường vào bờ tránh bão.

Kéo tàu nhỏ vào bờ tránh bão.
Người dân neo giằng tàu thuyền tránh bão.

Trên bến thuyền Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) gần 400 tàu thuyền đã được neo giằng cẩn thận. Khu neo đậu Sông Gianh (thuộc Cảng cá Sông Gianh) đã tiếp nhận trên 350 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh vào tránh trú bão. Ông Trần Đăng Thảo, Giám đốc Cảng cá Sông Gianh  cho biết: “Chúng tôi đã bố trí tàu thuyền vào ra hợp lý để tránh thiệt hại nếu có bão lũ. Các phương tiện đều được neo chằng theo đúng kỹ thuật. Riêng thuyền viên cũng được hỗ trợ về công tác hậu cần phục vụ sinh hoạt”.

Các địa phương trong tỉnh, nhất là những vùng xung yếu đều tập trung phòng chống bão số 8. Tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), nơi được xem là rốn lũ của huyện, những năm trước, lũ thường cao 4-5m gây ngập đến tận nóc nhà của người dân. Khi có thông tin bão số 8, chính quyền địa phương đã tổ chức triển khai các phương án phòng tránh bão, lũ. Ba khu di dời dân tránh lũ được sửa sang, cắm cọc, chăng dây sẵn sàng cho việc di dân nếu có lũ lớn.

Toàn xã có trên 600 hộ dân thì đã có 170 nhà bè chống lũ và gần 350 thuyền phục vụ cho di dời. Xã đã tổ chức một trung đội cơ động với 30 đội viên có 10 thuyền làm phương tiện để sẵn sàng nhiệm vụ  phòng chống lụt bão và hỗ trợ người dân khi cần thiết. Ngoài ra, 7 thôn trong xã đều có 7 tổ dân quân trực, mỗi tổ có từ 5-7 đội viên sẵn sàng ứng phó khi bão lũ lớn. Ngoài số lương thực, thuốc men dự trữ ở xã, mỗi gia đình người dân cũng chuẩn bị lương thực, thực phẩm…trong thời gian 7-10 ngày.

Các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân sự trên địa bàn cũng đã sẵn sàng quân số và phương tiện (tàu, ca nô, xe cơ giới...) để phục vụ công tác  phòng, chống bão lũ...

V.P

Quảng Trạch, Lệ Thủy: Thực hiện phương châm "4 tại chỗ"

* Thông tin từ UBND huyện Quảng Trạch cho biết, tính đến 14 giờ ngày 18-9, Quảng Trạch đã tiến hành kêu gọi toàn bộ số tàu thuyền vào nơi trú, tránh bão số 8  một cách an toàn. Hiện toàn huyện đang có 107 tàu, với 844 lao động đã vào trú, tránh bão số 8 ở các tỉnh khác.

Theo ông Nguyễn Chí Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Quảng Trạch cho biết, sáng 18-9, UBND huyện đã có công điện khẩn gửi cho các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão số 8, trong đó đặc biệt chú trọng tới phương châm vận hành cơ chế “4 tại chỗ” trong phòng chống lụt bão.

A. T

* Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, do ảnh hưởng bão số 8, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có mưa rất to và kéo dài. Tính đến 14 giờ ngày 18-9, lượng nước đo được trên sông Kiến Giang đã vượt mức báo động II là 0,57m và đang có chiều hướng dâng nhanh.

Trước đó, UBND huyện Lệ Thủy đã có công điện gửi các xã, thị trấn và các đơn vị đóng trên địa bàn cần nghiêm túc thực hiện công tác PCLB theo phương án chung của huyện và phương án cụ thể của từng đơn vị xây dựng năm 2013; bố trí lực lượng, phương tiện túc trực 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết để nắm chắc thông tin, từ đó chủ động triển khai công tác chỉ đạo PCLB tại địa phương, đơn vị một cách kịp thời, có hiệu quả; thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống lụt bão…

Được biết, đối với các vùng xung yếu, hàng năm thường bị lũ lụt chia cắt dài ngày như Bình Minh (Dương Thủy), Vinh Quang (Sơn Thủy), An Lạc (Lộc Thủy)…; vùng có nguy cơ dễ xảy ra sạt lở, giao thông đi lại thường hay bị nước lũ chia cắt như Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy; vùng có nguy cơ cao do ảnh hưởng triều cường như Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam; vùng hạ lưu các hồ chứa An Mã, Cẩm Ly…, UBND huyện Lệ Thủy đã chủ động chuẩn bị các phương án PCLB cho những vùng này.

Theo đó, trong tình huống khẩn cấp, huyện Lệ Thủy sẽ tiến hành di dời khoảng 2.000 hộ dân tại các vùng nói trên đến nơi an toàn nhằm tránh những thiệt hại do bão lũ gây nên.

V. M